Doanh nghiệp gặp khó vì công nhân nhiễm Covid-19 tăng cao

06/03/2022 18:46 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp FDI tại tỉnh Thanh Hóa đang gặp nhiều khó khăn, thiếu lao động cục bộ do công nhân nhiễm Covid-19 phải nghỉ việc để điều trị.

Ngày 6.3, thông tin từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị này vừa có đánh giá về tình hình lao động, sản xuất tháng 1 và tháng 2 của 36 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là thời gian từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay.

F0 là công nhân tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp lao đao

Phúc Ngư

Công nhân nhiễm Covid-19 liên tục tăng

Theo LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, 36 doanh nghiệp FDI có tổng số lao động đang làm việc là 166.030 người. Tuy nhiên, trong tháng 1 và tháng 2.2022 có tới hơn 5.000 người nghỉ việc và bỏ việc. Trong khi đó, các công ty chỉ tuyển mới được 2.091 người lao động.

Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn lao động của các doanh nghiệp FDI, khi công nhân dương tính (F0) liên tục tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Tý, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH giày Rollsport Việt Nam (địa chỉ tại Khu công nghiệp Hoàng Long, TP.Thanh Hóa), cho biết hiện công ty có 18.500 công nhân, nhưng đang có khoảng 6.000 công nhân mắc Covid-19 phải nghỉ việc để điều trị.

Với số lượng lớn công nhân phải nghỉ việc vì Covid-19 khiến cho Công ty TNHH giày Rollsport Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Trong khi, việc tuyển mới công nhân không dễ dàng.

“Sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp chúng tôi có nhu cầu tuyển mới 3.000 công nhân, nhưng đến thời điểm hiện tại mới tuyển được 400 người. Trong khi, số người nghỉ việc lại lên tới hơn 1.000 người kể từ sau tết. Giờ lại cộng thêm dịch bệnh lây lan, F0 là công nhân tăng cao khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong sản xuất”, ông Tý nói.

Cũng theo ông Tý, thực tế lao động tại địa phương không thiếu, do nhiều nơi số lao động, công nhân từ các tỉnh thành về quê tránh dịch bệnh vẫn còn ở nhà. Tuy nhiên, người lao động chưa thật sự mặn mà, chưa tìm đến các doanh nghiệp ở quê hương để làm việc do lương còn thấp hơn so với các doanh nghiệp ở các thành phố lớn, và tâm lý lo lắng dịch bệnh lây lan nên họ e ngại chưa dám đi làm.

Nhiều lao động từ các tỉnh, thành phố về quê tránh dịch nhưng chưa mặn mà với công việc tại các doanh nghiệp ở quê

Minh Hải

Ngày 6.3: Công bố 202.180 ca Covid-19, 65.445 ca khỏi | Hà Nội 29.578 ca | TP.HCM 2.879 ca

Phần lớn doanh nghiệp không thể tuyển đủ số công nhân theo nhu cầu

Cũng trong tình trạng tương tự, Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (tại Khu công nghiệp Lễ Môn, TP.Thanh Hóa) có hơn 12.000 lao động, nhưng lúc cao điểm có tới 8.000 công nhân là F0, F1 phải điều trị, cách ly, khiến cho doanh nghiệp rất vất vả để đảm bảo sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, cho biết thực hiện theo quy định phòng chống dịch, F0 và F1 phải nghỉ việc để cách ly, điều trị, theo dõi sức khỏe nên khiến doanh nghiệp thiếu hụt nguồn lao động.

“Tình trạng F0, F1 là công nhân tăng cao. Chúng tôi dự kiến khoảng giữa tháng 3 thì đa phần công nhân là F0 và F1 hết thời gian cách ly, điều trị mới có thể quay trở lại đi làm bình thường được”, ông Quang nói.

Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, các doanh nghiệp FDI lớn ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, như: Công ty TNHH giày Annora Việt Nam cần tuyển 2.000 người, Công ty TNHH giày Rollsport Việt Nam cần tuyển 3.000 người, Công ty TNHH Sakurai Việt Nam cần tuyển 500 người; Công ty TNHH giày Aleron Việt Nam cần tuyển 2.000 người... Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp không thể tuyển đủ số công nhân theo nhu cầu.

Ông Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, cho biết giải pháp trong thời gian tới vẫn là đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19, làm sao để đảm bảo trong các doanh nghiệp, nhà máy khống chế, khoanh vùng sớm nhất, hẹp nhất để tách F0 thì mới hạn chế được lây nhiễm. Khi đã khoanh vùng được thì F0 là công nhân sẽ giảm, sẽ giúp doanh nghiệp ổn định nguồn lao động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.