Câu chuyện doanh nghiệp vẫn kêu than rườm rà, trắc trở khi làm thủ tục đất đai gần như là tâm điểm trong báo cáo lẫn phần thảo luận tại hội thảo do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 20.4 để công bố báo cáo về góc nhìn của doanh nghiệp đối với chương trình cải cách môi trường kinh doanh của Chính phủ.
68% doanh nghiệp hoãn, hủy kế hoạch vì vướng thủ tục đất đai
Trình bày báo cáo về cảm nhận của doanh nghiệp (DN), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đồng thời là trưởng nhóm thực hiện báo cáo này, cho biết thủ tục đất đai là chỉ số hầu như không có sự cải thiện qua nhiều năm. Theo đó, tỷ lệ DN không gặp khó khăn về thủ tục đất đai trong 2 năm qua giảm từ 39% năm 2019 xuống 29% năm 2020. Các khó khăn có thể kể đến là cán bộ không hướng dẫn đầy đủ, chi tiết (với 18% DN gặp phải); việc xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian (16%) và quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ không đúng quy định (12%). Và khó khăn lớn nhất mà DN gặp phải là thời hạn giải quyết hồ sơ lâu hơn so với quy định (với 38% DN gặp vấn đề).
Chuyên gia Phan Đức Hiếu nêu vấn đề: 2 năm qua, số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với xuất nhập khẩu đã tăng thêm 120 văn bản. Đã có những giấy phép, thủ tục hành chính lại tiếp tục… phình ra. Ai dám đảm bảo 50% điều kiện kinh doanh được bãi bỏ trong thời gian qua không mọc trở lại. Thực tế, chúng ta cũng từng bãi bỏ nhiều giấy phép giai đoạn 2003, nhưng 10 năm sau lại quay lại”.
|
Bình luận thêm, TS Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng đây là một con số “rất đáng phải suy nghĩ” bởi nó “cho thấy tính tiên lượng của thủ tục hành chính không có và rủi ro cho DN là hiện hữu”. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề nghị các giải pháp cải cách pháp luật về đất đai phải đưa lên hàng quan trọng nhất. “Luật Đất đai cần xem lại. Chính phủ kỳ trước nợ cải cách luật Đất đai thì nay phải làm thôi”, bà Chi Lan thúc giục. Tại phần kiến nghị, nhóm thực hiện báo cáo của VCCI cũng cho rằng cần sớm sửa đổi luật Đất đai, trong đó tập trung vào vấn đề giảm thời gian làm thủ tục về đất đai, công khai, minh bạch thông tin về đất đai, gồm cả các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, bản đồ địa chính, tranh chấp và giải quyết tranh chấp đất đai.
Tươi sáng hơn nhưng đang chậm lại
Nhìn chung, các kết quả khảo sát, các báo cáo của VCCI và của nhiều tổ chức khác cho thấy bức tranh môi trường kinh doanh đã trở nên tươi sáng hơn. Báo cáo cho hay, lĩnh vực thành lập DN và tiếp cận điện năng được đánh giá cao nhất (lần lượt là 72,5% và 65,9% DN có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt). Bên cạnh đó, thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự tiến bộ đáng ghi nhận trong năm 2020, khi chỉ còn 22% DN gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế như đề nghị miễn, giảm, hoàn thuế, quyết toán thuế…
Hoạt động thanh kiểm tra thuế trong năm 2020 giảm so với năm 2019. Đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian qua đã được cải thiện đáng kể, đã trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm… nhưng Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng thách thức trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì “phần dễ đã cải cách và phần chưa cải cách thì toàn là những khúc xương”.
Ông Đậu Anh Tuấn thì lo ngại vì ở lĩnh vực có điểm cao như thành lập DN, tiếp cận điện năng lại đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí là giảm điểm. Minh họa cho điều này, luật sư Trương Thanh Đức, người vừa mở công ty riêng, thú nhận ông “cảm thấy choáng” khi tự mình đi làm thủ tục. “Người ta hỏi giấy nọ giấy kia, cũng may mấy tháng rồi nên giờ… sắp xong”, ông Đức nói nhưng tỏ vẻ chua chát khi phải thốt lên rằng “làm đúng luật cũng không xong”!
Tương tự, kiểm tra chuyên ngành dù được đánh giá là cải thiện, nhưng câu chuyện mà ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến, xuất khẩu thủy sản, kể ra lại cho thấy những dấu hiệu rất đáng ngại. Theo dự thảo thông tư thay thế Thông tư 15 năm 2018 về kiểm soát nhập khẩu thủy sản thì danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành ngày càng nhiều, nếu không muốn nói là gần như 100% hàng thủy sản chế biến sâu từ mã 03 - 16 đều phải kiểm dịch. “Chúng tôi đã phân tích gửi Bộ NN-PTNT, nói theo luật thì danh mục không nhắc hàng chế biến phải kiểm dịch bệnh, kể cả trong văn bản cập nhật hằng năm của WHO cũng không yêu cầu kiểm dịch bệnh. Hàng tươi ướp lạnh thì mới phải kiểm dịch bệnh. Còn hàng chế biến, hộp thì các nước nhập hàng thủy sản của ta không làm điều đó. Họ chỉ kiểm kháng sinh, dư lượng”, ông Nam phân tích và đề nghị xem xét lại danh mục kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực này.
Bình luận (0)