Trong kỳ báo cáo, có 8 công ty công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp với tổng gốc, lãi chậm trả được công bố là 1.200 tỉ đồng và 6 công ty công bố phương án tái cơ cấu. Các công ty tái cơ cấu lại phương án tái cơ cấu chủ yếu thông qua kéo dài kỳ hạn trái phiếu với kỳ hạn mới kéo dài thêm từ 3 - 24 tháng so với kỳ hạn ban đầu, tăng lãi suất.
Chẳng hạn, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 3 tháng, lãi suất trái phiếu điều chỉnh tăng 2% lên 15%, đồng thời bổ sung tiến độ mua lại trái phiếu. Công ty CP Du lịch và đầu tư xây dựng Châu Á kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 1 năm, lãi suất tăng thêm 1,6% lên mức 12,6%/năm…
Tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 5 hơn 21.400 tỉ đồng. Một số nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn bao gồm bất động sản (9.600 tỉ đồng); hàng tiêu dùng (3.700 tỉ đồng); nguyên vật liệu (2.900 tỉ đồng); ngân hàng (2.500 tỉ đồng)...
Các đợt mua lại mới được công bố trong tháng 5 đều được thực hiện trong các tháng trước đó. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 49.500 tỉ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022.
VBMA cho biết chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được ghi nhận trong tháng 5. Trong tháng 4, có 1 đợt phát hành riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành 2.671 tỉ đồng, tương ứng bằng 10% tổng khối lượng phát hành của tháng liền kề. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận đạt gần 31.700 tỉ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng với giá trị 5.500 tỉ đồng (chiếm 17% khối lượng phát hành) và 15 đợt phát hành riêng lẻ 26.140 tỉ đồng (chiếm 83% khối lượng phát hành).
Bình luận (0)