Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm tiêu dùng ở mọi lĩnh vực đều phải đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ việc thu gom rác thải và tái chế |
quang thuần |
Băn khoăn việc quản lý quỹ
Chiều 7.11, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo "Thông tư Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải”. Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TNMT) cho biết: "Việc áp dụng thu tiền Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ chính thức áp dụng từ đầu năm 2023, các nhà sản xuất, nhập khẩu có chất thải gây ô nhiễm môi trường đều phải đóng tiền vào quỹ để sử dụng vào việc tái chế, thu gom rác thải, làm sạch môi trường".
Theo ông Hùng, việc giải ngân sử dụng quỹ này sẽ do Hội đồng liên bộ (gọi tắt là EPR) chủ trì là Bộ TNMT quản lý. Các đối tượng được hưởng lợi từ nguồn quỹ này các địa phương vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa có các đơn vị thu gom rác thải; các đơn vị, doanh nghiệp tái chế...
Mặc dù đại diện Bộ TNMT luôn khẳng định sẽ sử dụng đúng mục đích và minh bạch nguồn tiền đóng góp, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, đa số doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng vẫn còn băn khoăn về tính hiệu quả và cách thức tổ chức khi triển khai thực hiện.
Trước khi hội thảo này diễn ra, 12 Hiệp hội ngành hàng đã gửi thư kiến nghị nhằm nêu ra những điểm bất hợp lý của Thông tư. Tại hội thảo, nhiều ý kiến tiếp tục thể hiện sự nghi ngại khi đóng góp một số tiền quá lớn trong khi việc sử dụng như thế nào vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Ông Trần Quốc Dũng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp Thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam - nêu ý kiến: "Bộ TNMT cần quản lý và sử dụng đúng mục đích khoản đóng góp của doanh nghiệp để tái chế, xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường. Chúng tôi đã có thư kiến nghị gửi đến Bộ trưởng nêu đầy đủ các ý kiến góp ý, đề xuất hết sức chân thành nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện dự thảo, tuy nhiên, đến nay ở bản dự thảo mới này, các góp ý của cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi chưa được cập nhật và điều chỉnh".
Ông Dũng cho rằng, các quy định về văn phòng EPR có nhiều điểm chưa được làm rõ, trong đó việc sử dụng không đúng mục đích khoản đóng góp của doanh nghiệp nộp để tái chế sản phẩm, bao bì khi chỉ có 1/11 loại chi phí của văn phòng EPR là dùng để hỗ trợ tái chế, 10/11 loại là cho mục đích khác; quyền hạn văn phòng EPR rất lớn nhưng chưa có quy định trách nhiệm, chưa có cơ cấu tổ chức rõ ràng.
Do đó, doanh nghiệp kiến nghị bổ sung quy định về quy chế tổ chức và hoạt động Hội đồng EPR quốc gia trong dự thảo để thuận lợi cho quản lý, giám sát. Về thành phần hội đồng giám sát nên có ít nhất 1 đại diện của các Hiệp hội doanh nghiệp trong nước cho mỗi ngành hàng chủ lực của kinh tế Việt Nam và 1 đại diện của các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài vì đây là 2 nguồn đóng góp tài chính chủ yếu.
Theo nhiều doanh nghiệp, hiện nay nhiều loại bao bì, sản phẩm, chất thải có thể tái sử dụng và mang lại lợi nhuận, thị trường tái chế bao bì, sản phẩm, xử lý chất thải rất sôi động, có nhiều công ty tham gia, chỉ một số loại khó tái chế, khó xử lý và không mang lại lợi nhuận mới cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước và đóng góp của doanh nghiệp.
Vì vậy, đề nghị Bộ TNMT tập trung vào các chính sách thúc đẩy phát triển để thị trường này vận hành hiệu quả, đồng thời thiết lập cơ chế kiểm soát có sự tham gia rộng rãi của các hiệp hội ngành hàng chủ lực để đảm bảo đóng góp của doanh nghiệp được sử dụng rõ ràng, minh bạch.
Ngăn chặn cơ chế xin cho
Đại diện Hội Thiết bị y tế TP.HCM góp ý: "Hiện nay các địa phương đều có ngân sách xử lý môi trường, do đó đối tượng thụ hưởng theo như dự thảo quản lý quỹ là UBND các huyện, tỉnh, thành phố là chưa thật sự phù hợp, cần mở rộng thêm các đối tượng khác chưa được hỗ trợ. Vấn đề xét duyệt hồ sơ, thẩm định dự án và giải ngân cũng hết sức quan trọng, chỉ riêng ngành vật tư y tế đến nay đang có đến 5.000 hồ sơ xin phép, cơ quan chức năng chỉ mới giải quyết được 2.000 hồ sơ và vẫn còn hàng ngàn hồ sơ tồn đọng".
Đồng quan điểm này, đại diện Hội Tái chế Việt Nam cũng nhận định: "Hội đồng EPR liệu có đủ nhân lực để vừa tiếp nhận, vừa thẩm định, vừa giải ngân, vừa giám sát quá trình thực hiện hay không? Nếu chỉ có Bộ TNMT 'ôm' hết việc thì khi nhu cầu đang quá lớn, quá đông, sẽ dẫn đến tình trạng quá tải và nảy sinh hình thức xin - cho".
Lo ngại phát sinh cơ chế xin - cho cũng là nỗi băn khoăn của hầu hết các doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch - góp ý: "Bộ TNMT cần tổ chức phân cấp quản lý chứ không thể tập trung tất cả công việc vào bộ máy của EPR, một cơ quan không thể ôm hết được tất cả các công việc trên toàn quốc".
Giải đáp một số kiến nghị, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết sẽ tiếp thu kiến nghị phân cấp quản lý, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ môi trường. Liên quan đến thành phần Hội đồng EPR và tỷ lệ trích quỹ để vận hành bộ máy, ông Phan Tuấn Hùng cho biết đây là thẩm quyền của Bộ trưởng và quyết định của Thủ tướng nên hiện chưa thể trả lời.
Bình luận (0)