Đại diện Công ty cổ phần Thương mại và vận tải Đại Dương cho biết đã đăng ký "luồng xanh" vận tải ngày 24.7, chở hàng hoá vật tư, thiết bị phục vụ công trình cầu vượt vành đai 2, tuy nhiên đến sáng 25.7 vẫn chưa được phê duyệt.
Tương tự, doanh nghiệp Bưu chính CPN quốc tế cũng cho biết, hiện đơn vị quản lý xe đã đăng ký “luồng xanh” với cả TP.HCM và Hà Nội, nhưng phía TP.HCM chưa trả công văn duyệt, trong khi đăng ký Hà Nội thì hệ thống quay vòng vòng không làm được.
Đại diện một nhà máy sản xuất, giao hàng cho các siêu thị tại Hà Nội cho biết đã đăng ký cho xe giao hàng cũng như xe đưa đón cán bộ nhân viên vận hành dây chuyền sản xuất từ 13 giờ ngày 24.7, song đến sáng nay vẫn chưa được xử lý. Hàng vẫn trên xe không giao được cho các siêu thị, cán bộ nhân viên đợi ở chốt đến 8 giờ tối qua không về được nhà, đành quay về ngủ tại nhà máy.
Theo đại diện một doanh nghiệp, quy định "luồng xanh" gần như "đánh úp" các doanh nghiệp. "Vài ngày trước, doanh nghiệp chỉ hiểu luồng xanh để cho việc kiểm soát được nhanh chóng hơn chứ không phải là điều kiện cần để lưu thông, mà chỉ nghĩ cần kết quả xét nghiệm dương tính và giấy chứng nhận hàng hoá thiết yếu, nên trở tay không kịp. Doanh nghiệp nào chuẩn bị kịp để xin luồng xanh thì cũng phải đợi duyệt", anh này chia sẻ.
|
“Kêu cứu” trên trang cá nhân của ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia, anh N.L cho biết, công ty anh đi giao oxy cho bệnh viện (bằng xe bồn), song xe kẹt cứng từ hôm qua tới sáng nay vẫn chưa qua được cầu Phù Đổng. “Viện thì sắp cạn bồn oxy, xe không được phép giao vào ban ngày, không biết phải làm sao”, anh N.L cho hay.
Trao đổi với Thanh Niên, anh N.L cho biết, doanh nghiệp anh sản xuất các loại khí công nghiệp và y tế như cung cấp oxy cho bệnh viện, cung cấp khí công nghiệp cho các công ty, kể cả các doanh nghiệp FDI lớn.
“Khí công nghiệp giống như các phụ trợ khác của điện, nước, nếu không có sẽ không sản xuất được, bệnh viện cũng hết oxy để cung cấp cho bệnh nhân. Nhưng khi chúng tôi đăng ký luồng xanh thì không được, gọi theo số hotline không nghe máy, sau đó chắc do nhiều người gọi quá hay sao khoá máy”, anh N.L cho biết.
Theo anh N.L, rất may sau lời nhắn, ông Khuất Việt Hùng đã chỉ đạo trực tiếp để gỡ rối, giúp xe vận chuyển hàng hoá thực sự thiết yếu này được lưu thông ngay.
Không biết liên hệ với ai, nhiều doanh nghiệp đã nhắn trên trang cá nhân của Phó chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia để mong được hướng dẫn về việc cấp luồng xanh. Đáng chú ý, không chỉ tắc ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp gặp khó do quy định của TP.Hải Phòng. Một doanh nghiệp cho biết, dù lái xe có giấy xét nghiệm âm tính PCR, xe đã được cấp “luồng xanh”, song do Hải Phòng bắt cách ly 14 ngày nên hiện không có lái xe nào dám chở hàng vào thành phố này.
Hiện có hơn 10.000 hồ sơ gửi về Sở GTVT Hà Nội, trong khi đó, năng suất duyệt một ngày chỉ được 2.000 hồ sơ. Ngành giao thông cho biết đang tăng cường lực lượng để hỗ trợ “chia lửa” cho Hà Nội, giải toả tắc nghẽn, rút ngắn thời gian chờ đợi cho các doanh nghiệp.
Xe vận tải chở hàng hoá thiết yếu nếu chưa có Giấy nhận diện phương tiện trên luồng xanh thì phải dừng xe để thực hiện thủ tục kiểm tra phòng, chống dịch Covid19 tại các chốt kiểm soát trên đường; và được tiếp tục lưu thông nếu đáp ứng đầy đủ các quy định phòng chống dịch với lái xe, nhân viên đi cùng (có Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV- 2 trong vòng 72 giờ).
Hàng hoá thiết yếu được hướng dẫn tại Văn bản 4349/BCT-TTTN ngày 21.7.2021 của Bộ Công thương.
|
Bình luận (0)