Doanh nghiệp khổ vì hải quan ‘đòi’ kiểm hóa sau khi thông quan

Nguyên Nga
Nguyên Nga
12/12/2021 09:49 GMT+7

Không chỉ mở kiểm tra thực tế hàng hóa đã được thông quan, đang lưu tại cảng, mà sau khi có kết quả, doanh nghiệp tiếp tục trả phí lưu bãi chờ ý kiến từ Tổng cục Hải quan rồi mới được đưa hàng về.

Ngày 11.12, trên các diễn đàn về xuất nhập khẩu, hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp logistics than trời vì quy định được coi là “vẽ thêm việc làm cho công chức hải quan” và “đội thêm quá nhiều chi phí cho doanh nghiệp nhập khẩu” - đối tượng đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch qua các công văn mới đây của Tổng cục Hải quan.

Làm thủ tục xong lại mòn mỏi chờ ý kiến...

Cụ thể, ngày 6.12, Tổng cục Hải quan ban hành công văn 5718 về triển khai phân hệ V. tái xuất, quá thời hạn trên Hệ thống quản lý trực ban gửi hải quan các địa phương. Trong đó, tại Mục III của công văn yêu cầu các lô hàng doanh nghiệp đã làm thủ tục hải quan, nhưng lưu giữ tại kho bãi, cảng, cửa khẩu quá thời gian 30 ngày, 60 ngày, 90 ngày, làm thủ tục vận chuyển độc lập đến cảng đích hoặc đã thông quan, giải phóng hàng, đưa hàng về bảo quản, yêu cầu cục hải quan các tỉnh thành thực hiện kiểm tra thực tế lại và báo cáo, hồ sơ về cho Tổng cục Hải quan trước khi cho đưa hàng về.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, những quy định mới của cơ quan hải quan trong kiếm hóa hàng, thông quan... đã đội thêm chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp sau giãn cách chống Covid-19

ng.ng

Trước đó, ngày 9.11, Tổng cục Hải quan cũng ban hành công văn 5306 quy định hàng đến kho bãi, cảng, cửa khẩu quá 30 ngày, 60 ngày, 90 ngày chưa làm thủ tục hải quan, yêu cầu các chi cục hải quan phải thực hiện soi chiếu hàng hóa và có báo cáo hằng ngày về Tổng cục Hải quan; chuyển luồng kiểm tra thực tế hàng hóa và sao gửi hồ sơ báo cáo về Tổng cục. Hàng sau kiểm tra thực tế phải có văn bản báo cáo và sao gửi toàn bộ hồ sơ liên quan lô hàng gửi về Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý về hải quan) để được hướng dẫn trước khi thông quan.

Đơn cử, Công ty N.K.P mở tờ khai tại cảng Cát Lái (Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP.HCM) từ ngày 1.12, nhưng vướng không lấy hàng về được do công văn 5306 quy định hàng lưu tại cảng quá 90 ngày. Trong công văn giải trình của doanh nghiệp này cho biết, 2 lô hàng về cảng từ giữa và cuối tháng 8 - thời điểm TP.HCM giãn cách tăng cường toàn xã hội, sản xuất và kinh doanh ngưng trệ, kho bảo quản đông lạnh của công ty không đủ chỗ chứa, buộc lòng doanh nghiệp phải để hàng tại cảng. “Công ty đã chật vật thương lượng với đối tác cho trả nợ chậm, xin giảm tối đa chi phí phát sinh quá lớn. Nhưng hàng làm thủ tục xong, hồ sơ chờ ý kiến của Tổng cục Hải quan không biết khi nào có kết quả”, đại diện công ty than thở.

Tương tự, Công ty TNHH thực phẩm S.N làm thủ tục hải quan cho lô hàng 25 tấn tim heo đông lạnh đã quá thời hạn 90 ngày, cũng cùng lý do bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, ngành kinh doanh thực phẩm thu hẹp trầm trọng khiến dòng tiền doanh nghiệp lưu thông chậm. “Lô hàng trên là một trong số lô hàng mà chúng tôi đã nỗ lực đàm phán để đối tác cho nhận hàng trước khi thanh toán và doanh nghiệp cũng phải thanh toán gần 440 triệu đồng chi phí lưu container cho hãng tàu và Công ty Tân cảng Sài Gòn. Nhưng sau khi đã kiểm hóa đúng quy định, doanh nghiệp phải chờ ý kiến của Tổng cục Hải quan gần nửa tháng mới đưa hàng về được"- đại diện công ty cho biết.

Thêm việc cho hải quan, tăng chi phí cho doanh nghiệp

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, đến nay, hiện có rất nhiều doanh nghiệp đang vướng thông quan hàng theo 2 công văn trên.

Chuyên gia xuất nhập khẩu Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty tiếp vận SeaAir Global phân tích, các quy định lại không đúng với luật Hải quan và luật Hàng hải. Hàng bị lấy ra khỏi cảng chậm là do đa số doanh nghiệp khó khăn về tài chính vào mùa dịch, chưa đủ tiền đóng thuế, phí lưu kho bãi và trả cho đối tác để lấy hàng nên bị chậm lại. Ở góc độ quản lý hải quan, sau thông quan thì hàng hóa của doanh nghiệp lưu giữ ở đâu là quyền của họ. Đến nay chưa có quy định nào về hàng sau khi thông quan phải đưa ra khỏi khu vực giám sát của hải quan. Công văn 5718 đang áp dụng việc kiểm hóa lại cho toàn bộ hàng hóa của doanh nghiệp đã hoặc chưa làm thủ tục nhưng vì lý do khách quan nào đó mà chưa lấy hàng thì lý do gì phải kiểm hóa lại? Bởi với các lô hàng phân luồng vàng đã thông quan, cơ quan hải quan muốn tiến hành kiểm hóa (dừng thông quan đột xuất, tiến hành kiểm thực tế lại...) thì phải đưa ra được cơ sở vì sao lại ra quyết định trên. Ví dụ như nghi ngờ vi phạm và quyết định trên phải được ban hành bởi chi cục trưởng chi cục hải quan. Còn đối với lô hàng đã phân luồng đỏ, phải kiểm tra thực tế rồi, theo công văn này hàng lấy chậm lại bị kiểm tra thêm lần nữa, như vậy để làm gì?

Công ty xuất nhập khẩu M.T (TP.HCM) dẫn chứng, nếu hàng về ngày 1.11, ngày 28.11 công ty mới làm thủ tục nhận hàng và đã được kiểm hóa. Vài ngày sau (quá 30 ngày sau hàng về) doanh nghiệp muốn đưa hàng về kho phải bị mở kiểm tra thêm lần nữa và phải gửi hồ sơ chờ ý kiến ngoài Tổng cục. Trong khi chi phí đưa hàng vào để kiểm hóa từ phí nhân công, xe nâng, lưu kho bãi, kiểm hóa… tốn thêm mấy triệu đồng cho một container đều do doanh nghiệp chịu trong khi bản thân doanh nnghiệp đã quá khó khăn vì dịch bệnh suốt gần năm qua.

Rõ ràng, các quy định mới của ngành hải quan đang đi ngược chủ trương của Chính phủ về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khôi phục kinh tế sau đại dịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.