Doanh nghiệp khốn khổ vì 'làm cách mạng' nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM

09/02/2023 15:08 GMT+7

Trong công cuộc 'cách mạng' hệ thống nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) ở TP.HCM, đã có không ít doanh nghiệp tâm huyết sẵn sàng bỏ hàng trăm tỉ đầu tư những NVS miễn phí cho người dân thành phố, song, sau nhiều năm chật vật cũng đành ngậm ngùi bỏ cuộc.

Doanh nghiệp khốn khổ vì 'làm cách mạng' nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM - Ảnh 1.

TP.HCM cùng với Hà Nội là hai trong những thành phố có điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng tệ nhất thế giới

NHẬT THỊNH

Kiệt quệ vì NVSCC

Năm 2016, chính quyền TP.HCM lên kế hoạch "phủ sóng" NVSCC khắp 24 quận, huyện trên địa bàn bằng nguồn vốn xã hội hóa, ghi nhận sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp với các phương án khả thi. Đổi lại, UBND TP cho phép các nhà đầu tư khai thác quảng cáo, dịch vụ như đặt máy rút tiền và bán hàng hóa để thu hồi vốn.

Một số đơn vị như Công ty CP Thương mại và Truyền thông Vinasing, Công ty Mister Loo, Công ty CP Công nghệ Môi trường Tiên Phong... từng xung phong thực hiện đề án xây dựng NVSCC. Trong đó, Vinasing từng dự kiến đầu tư khoảng 110 tỉ đồng để xây dựng 1.000 NVSCC, 10 xe bồn tiếp nước, 500 thùng rác công cộng, thời gian thực hiện khoảng 12 tháng; Công ty CP Công nghệ Môi trường Tiên Phong cũng quyết chi gần 300 tỉ đồng cho gần 500 NVSCC hiện đại, tự động theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thế nhưng cho đến nay, các chiến dịch dần lụi tàn, hệ thống NVSCC được đầu tư thí điểm xuống cấp nghiêm trọng và dần "rơi rụng", không còn hoạt động.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Sáng, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Môi trường Tiên Phong cho biết, suốt 6 năm qua, doanh nghiệp này luôn đau đáu về tình hình NVSCC tại TP.HCM. Công ty đã tâm huyết bỏ nhiều tiền bạc và công sức để thí điểm làm NVSCC theo chuẩn APTS ( ASEAN Public Toilet Standard) hoàn toàn miễn phí phục vụ khách du lịch. Việc thu hồi vốn được TP cho phép thí điểm bằng kiosk tiện ích cho khách du lịch theo mô hình Nhật Bản, Đức đã và đang làm.

Từ 2019, Công ty Tiên Phong đã cùng với nhà đầu tư là Công ty VIVA cà phê ( Leo Palace ) tiến hành lắp đặt 7 nhà vệ sinh kèm theo kiosk xã hội hóa. Tuy nhiên, do lắp đặt đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng nổ nên VIVA phải ngưng hoạt động. Theo thỏa thuận hợp đồng, Công ty VIVA chịu trách nhiệm giữ gìn và làm sạch NVS nhưng thực tế đơn vị này đã hoàn toàn đóng cửa bỏ thí không ai trông coi, khiến kẻ gian đột nhập lấy cắp thiết bị tự động trong NVS.

"Tháng 3.2021, sau khi chúng tôi có văn bản nhắc nhở thì họ chỉ khôi phục 3 vị trí. Sau nhiều lần tiếp tục gửi văn bản nhắc nhở, chúng tôi đã phải ra quyết định thu hồi những công trình đó vào 3.2 vừa qua. Mới đây, Tiên Phong đã cho người làm vệ sinh các điểm đáng xấu hổ nhất ở số 1 đường Tú Xương và khóa lại để trong tuần này giao cho đơn vị mới tiếp quản tu sửa, cho hoạt động trở lại" - ông Nguyễn Xuân Sáng thông tin.

Cũng trong năm 2019, Công ty Tiên Phong trúng thầu lắp đặt 2 NVS thuộc sở hữu của Trung tâm quản lý vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) và tặng thêm 2 công trình, trong đó có NVS đầu đường Hàm Nghi. Sau khi nghiệm thu bàn giao, phía công ty đã tự bỏ tiền duy trì trong 2 năm liên tiếp với chi phí vài trăm triệu với đề nghị được xã hội hóa bằng 2 kiosk kề bên. Tuy nhiên, dựa vào Nghị định 43/2019 về quản lý tài sản công, Ban giám đốc trung tâm VTHKCC từ chối đề nghị nêu trên, doanh nghiệp đành phải bỏ không bảo trì.

"Từ tháng 9 - 12.2022, Công ty Tiên Phong đã cùng Sở Du lịch TP.HCM tiến hành khảo sát tình hình nhà vệ sinh ở 51 địa điểm du lịch trọng yếu của thành phố và nhận thấy ngoài những khu vệ sinh bên trong các điểm du lịch, cần phải có NVSCC dọc lề đường, khu công viên... Chúng tôi đã và đang nỗ lực liên tục từ năm 2017 đến nay, vượt qua bao khó khăn có lúc tưởng chừng kiệt quệ nhưng vẫn kiên trì với mục tiêu cách mạng NVSCC tại TP.HCM cũng như cả nước" - ông Nguyễn Xuân Sáng chia sẻ.

Doanh nghiệp khốn khổ vì 'làm cách mạng' nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM - Ảnh 2.

NVSCC tại TP.HCM đã hiếm lại còn dơ bẩn, đứng ở cửa phải "nổi da gà", "ớn lạnh"

NHẬT THỊNH

Khó xã hội hóa khi ý thức kém

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, đánh giá có 2 nguyên nhân khiến đề án phủ NVSCC khắp TP.HCM "chết yểu", một là do ý thức người dân, hai là phương án xã hội hóa chưa hiệu quả.

Theo ông, đa số người dân chưa có ý thức tốt giữ gìn các tài sản công cộng, chỉ biết thỏa mãn nhu cầu cá nhân, sau đó người khác chịu ảnh hưởng thế nào thì mặc kệ. Đây là thái độ ứng xử đã ăn sâu trong máu mỗi người. Không những không có ý thức bảo quản của công, hầu hết các công trình công cộng đều xảy ra tình trạng phá hoại, ăn cắp đồ đạc, vật liệu xây dựng nên các NVSCC dù hiện đại đến đâu cũng rất nhanh chóng xuống cấp trầm trọng và dơ dáy, bẩn thỉu. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới bộ mặt của TP.HCM, nhất là trong mắt du khách nước ngoài.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng quanh khu vực các NVSCC đôi khi cũng không được chú trọng. Nhiều trường hợp không cung cấp đủ nước hoặc nước yếu, thiếu thốn giấy vệ sinh... Những vấn đề này thuộc về trách nhiệm của đơn vị cấp phép xây dựng và quản lý NVS.

Ông Nguyễn Lê Ninh đánh giá với cách triển khai và quản lý như hiện nay, rất khó để nhân rộng mô hình NVSCC sạch đẹp, hiện đại. Doanh nghiệp tư nhân đầu tư đứng trước thói quen, sự thiếu ý thức trầm trọng như hiện nay của người dân sẽ rất vất vả trong quá trình quản lý, bảo tu. Chi phí để lắp đặt hệ thống camera quan sát, thậm chí là thuê người giám sát, vệ sinh, rồi khắc phục những hậu quả của nạn phá hoại, trộm cắp lớn hơn rất nhiều phần lợi nhuận được bù lại từ việc được đầu tư các công trình khác. Còn nếu không miễn phí, thu tiền của người dân thì có một số bộ phận không nhỏ sẵn sàng "giải quyết" luôn bên lề đường, dưới gốc cây trong công viên, thậm chí dưới kênh rạch... kéo theo ô nhiễm môi trường.

"Thành phố phải là cơ quan trực tiếp chủ trì, có chính sách, chủ trương và đầu tư đàng hoàng. Nhà mình thì mình phải tự dọn dẹp, tự giữ gìn cho thơm tho, sạch sẽ thì mới mong làm hài lòng khách đến. Bên cạnh đó, phải đồng bộ với hành động quản lý thật nghiêm những hành vi phóng uế, xả rác bừa bãi nơi công cộng. Chỉ khi nào người dân nâng cao ý thức giữ gìn của công, các hành vi vi phạm được kiểm soát chặt chẽ thì mới hy vọng thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia xây dựng các NVSCC hiện đại" - PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nêu ý kiến.

Một số quy tắc NVSCC trên thế giới

1. Ở London, Paris và Amsterdam: Trả tiền để đi vệ sinh

Tại các thành phố lớn này ở châu Âu, bạn sẽ phải trả tiền để sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Đó không phải là phí cho việc vào cửa, mà là phí dành cho giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay hay tiền tip. Đôi khi các nhân viên quản lý nhà vệ sinh sẽ "đánh lừa" khách du lịch bằng việc bỏ vào lọ những tờ tiền lớn. Nhưng bạn đừng mắc bẫy, tip chừng 0,5 hay 1 USD là đủ. Và tốt nhất nên sử dụng đồng tiền địa phương.

2. Singapore, Thái Lan và Đài Loan: Đi vệ sinh ngồi xổm như ở Việt Nam

Ngồi xổm khi đi vệ sinh được chứng minh là lành mạnh và tự nhiên hơn cho cơ thể, đó có thể là lý do tại sao một số quốc gia sử dụng nhà vệ sinh ngồi xổm. Sau khi xong việc, hãy dùng xô nước để dội nhé. Những loại nhà vệ sinh này phổ biến ở nhiều nước châu Á và người Việt Nam chắc chắn không còn xa lạ gì.

3. Tự dùng giấy vệ sinh cá nhân khi đến Trung Quốc và Hàn Quốc

Có rất nhiều quốc gia trên thế giới coi việc sử dụng giấy vệ sinh cá nhân là một thói quen, đặc biệt ở Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Bởi không phải lúc nào nhà vệ sinh công cộng cũng có đủ giấy vệ sinh nên tốt nhất hãy bỏ túi những gói giấy nhỏ.

4. Đừng ngại sử dụng bidet

Bồn vệ sinh, có vòi phun nước để vệ sinh cá nhân (còn gọi là bidet), là thiết bị thường được lắp đặt trong một số toilet công cộng ở Pháp. Đây được coi là phương pháp làm sạch phổ biến để hạn chế sử dụng sản phẩm giấy, tránh gây ô nhiễm môi trường. Một số nơi phổ biến với hình thức làm sạch này là Italy và Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Argentina và Venezuela.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.