Công văn nội bộ "đè" luật ?
Sau 6 lần gửi công văn kiến nghị đến lãnh đạo UBND TP.HCM, Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng 2 công văn đề nghị gặp mặt lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM trong vòng 1 năm, đại diện Công ty TNHH SX-TM-DV Leglor (TP.Thủ Đức, TP.HCM) ngày 24.5 chia sẻ với Thanh Niên rằng mới có cuộc gặp với Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM ngày 18.5. Sau khi trao đổi với doanh nghiệp (DN) cùng các bộ phận liên quan, ông Thái Minh Giao, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, đã chỉ đạo Chi cục Thuế TP.Thủ Đức phải trình đề xuất hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho Công ty Leglor lên Cục Thuế TP.HCM và sẽ ký ngay lập tức. Dù vẫn đang chờ quyết định hoàn thuế nhưng đi được tới bước này theo đại diện Leglor, cũng là kết quả đáng mừng sau thời gian ròng rã kêu cứu.
Cụ thể, hồ sơ hoàn thuế của Công ty Leglor nộp lần đầu tháng 7.2021, nhưng gặp phải thời điểm giãn cách để phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, nên đến cuối năm 2021 thì hồ sơ hoàn thuế phải điều chỉnh lại do Chi cục Thuế Q.9 khi đó chờ sáp nhập thành Chi cục Thuế TP.Thủ Đức. Đến đầu năm 2022, Chi cục Thuế TP.Thủ Đức ra biên bản ghi nhận số liệu kiểm tra và xác định hồ sơ hoàn thuế của công ty đủ điều kiện.
Trên cơ sở đó, Chi cục Thuế TP.Thủ Đức đã 2 lần trình đề xuất hoàn thuế GTGT cho công ty lên Cục Thuế TP.HCM nhưng không hiểu vì sao vụ việc không được giải quyết. Oái ăm là khi hồ sơ hoàn thuế với số tiền thuế GTGT 10,5 tỉ đồng chưa được thực hiện thì cơ quan thuế cũng không nhận hồ sơ của những đợt sau nên công ty tiếp tục chờ và chôn vốn.
Ước tính, số thuế GTGT đã nộp sau gần 2 năm cần được hoàn lại lên gần 30 tỉ đồng, số tiền rất lớn với một công ty tư nhân, nhất là trong bối cảnh mấy năm trở lại đây. Bi đát hơn, theo ông Lê Tấn Phú, đại diện Công ty TNHH SX-TM-DV Leglor, hiện nay kể cả có đơn hàng, công ty cũng không thể triển khai sản xuất và xuất khẩu được vì thiếu vốn, vì làm nhiều công ty càng tiến tới bờ vực phá sản do tiền hoàn thuế GTGT bị "giam" càng nhiều.
"Lý do chưa được hoàn thuế vì cơ quan thuế yêu cầu phải xác minh nguồn gốc gỗ đến tận chủ rừng (F0) thì hồ sơ hoàn thuế mới được giải quyết. Nhưng việc xác minh này rất khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được vì thực trạng gỗ rừng trồng trong nước rất nhỏ lẻ và phân tán, thu mua qua tay rất nhiều đầu mối. Trong khi chúng tôi là công ty chuyên xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm bàn ghế ngoài trời bằng gỗ tràm (nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước) và mua sản phẩm hoàn tất từ các đối tác nên cũng không thể biết được các nhà sản xuất sẽ mua nguyên vật liệu từ những đơn vị nào", vị này nói và cho biết công ty có đầy đủ hợp đồng xuất khẩu, có tờ khai xác nhận thông quan của hải quan và hoạt động thanh toán đều thông qua ngân hàng, có chứng từ thanh toán đầy đủ đúng luật nhưng không qua nổi "ải" công văn nội bộ yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ của ngành thuế.
"Chúng tôi sắp "tắt thở", nguy cơ phá sản hiển hiện trước mắt vì tiền hoàn thuế GTGT bị "giam", thiếu vốn sản xuất, nợ nần ngân hàng. Công ty chúng tôi không biết lấy tiền ở đâu để duy trì hoạt động, trả lãi vay và nhất là nợ gốc sắp đến ngày đáo hạn. Số phận của hàng trăm công nhân đang làm việc tại DN không biết sẽ ra sao nếu công ty giải thể. Hiện chúng tôi vẫn đang hồi hộp chờ quyết định được hoàn thuế sau cuộc họp với Cục Thuế TP.HCM mới đây", ông Phú nói.
Bị "giam" gần 3.000 tỉ đồng, ngành gỗ kêu cứu
Hoạt động hơn 20 năm nhưng bà H.T.N, giám đốc một công ty sản xuất gỗ có trụ sở tại Q.1 (TP.HCM), than chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, vì số thuế xin hoàn bị găm ngày càng lớn, lên khoảng 7 tỉ đồng. Cách đây 1 năm, công ty làm hồ sơ xin hoàn 2,5 tỉ đồng thuế GTGT, nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn lại. Những hồ sơ xin hoàn thuế sau đó bị đọng, nên số tiền hoàn thuế ngày càng lớn, lên khoảng 7 tỉ đồng. Cơ quan thuế hiện nay đã xác minh hóa đơn đầu vào hơn 60% mà hồ sơ vẫn không được hoàn cũng chỉ vì yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ. DN chủ yếu mua nguyên vật liệu từ các công ty, trong đó phần lớn là công ty nhà nước mà việc xác minh vẫn còn kéo dài.
"Việc xác minh hàng tàu, hay cảng là việc của cơ quan thuế, DN làm sao có thể làm được? Nghe cán bộ thuế nói đã chuyển thông tin của DN ra nước ngoài xác minh định danh người mua hàng, giờ chờ kết quả. Nếu bên nước ngoài không phản hồi thì DN không được hoàn thuế hay sao. Cơ quan thuế có thể kiểm tra DN nước ngoài qua các kênh khác như mã số thuế… chứ không thể găm tiền như thế này", bà N. bức xúc và cho biết công ty đang rơi vào tình cảnh cố tìm hợp đồng xuất khẩu mà thuế không hoàn lại thì càng làm, DN bị treo thuế càng nhiều.
"Cách đây nhiều tháng, cứ tưởng vấn đề này được tháo gỡ, DN cũng kỳ vọng lắm nên cố gắng duy trì hoạt động, chứ không đã tạm ngưng, đóng cửa. Thế nhưng, càng ngày càng thấy mịt mù! Từ một công ty thời đỉnh điểm duy trì số lượng công nhân lên 300 người thì nay chỉ còn vài chục người. Công ty hoạt động cầm cự, làm nốt những đơn hàng đã ký kết rồi tạm ngưng hoạt động. Kiệt quệ vốn rồi. Kinh doanh kiếm lời không được 10% mà tính vay ngân hàng để lấy vốn làm ăn thì chết", bà N. nói thẳng.
Việc xem ngành gỗ có tính rủi ro cao và thực hiện thanh, kiểm tra sẽ gây khó khăn cho DN vì phải tốn rất nhiều thời gian để xác minh nguồn gốc. Với số tiền lên mấy nghìn tỉ đồng chưa được hoàn, nhiều DN đối mặt khả năng phá sản là chuyện tất yếu vì không còn vốn hoạt động.
Ông Lê Minh Thiện (Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN)
Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN (VIFOREST) Lê Minh Thiện cho biết số tiền hoàn thuế mà các DN gỗ trên toàn quốc bị ách lại từ nhiều năm nay lên khoảng 2.500 - 3.000 tỉ đồng. Đặc biệt, đối với những DN mua gỗ dăm thì gần như "không có con đường nào tháo gỡ". Yêu cầu xác minh bảng kê hàng hóa rừng trồng giữa đơn vị xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ và từng người dân trồng rừng thiếu tính khả thi. Người dân có vài héc ta trồng cây, hoặc trồng cây xen kẽ đến khi bán lại cho DN thu mua. Yêu cầu DN xuất khẩu sản phẩm từ gỗ rừng trồng phải xin xác minh trực tiếp từng người dân là bất khả thi. Không thể nào có được bảng kê, cũng như không biết ai ký xác nhận bảng kê này. Bộ NN-PTNT cũng đã vào cuộc, hỗ trợ gỡ vướng cho DN nhưng cũng chưa được giải quyết.
Trước đó, năm 2020, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 2928 và Công văn 2424 yêu cầu Cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tăng cường các biện pháp về ngăn chặn, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật về hoàn thuế GTGT; Rà soát người nộp thuế có rủi ro về hoàn thuế GTGT. Trong đó, có nội dung "siết" chặt quản lý đối với hoàn thuế GTGT đối với các DN kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao như gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Từ đó đến nay, theo ông Lê Minh Thiện, nhiều DN gỗ khó có thể được hoàn thuế GTGT.
Bình luận (0)