Doanh nghiệp làm hàng tết gặp khó

24/09/2011 01:33 GMT+7

Mặc dù các ngân hàng đã công bố những khoản vay với lãi suất (LS) ưu đãi từ 17-18% nhưng vẫn rất ít doanh nghiệp (DN) tiếp cận được nguồn vốn đó. Dự báo giá hàng dịp tết năm nay vẫn cao do khó khăn này.

LS vẫn trên 20%/năm

Công ty giấy Sài Gòn cho biết trong những ngày qua, một số ngân hàng (NH) đã đồng ý giảm LS cho các hợp đồng đã vay từ 1 - 1,5%/năm. LS mới của công ty còn 20 - 21%/năm. Tương tự, Công ty TNHH TM-SX Anh Khoa (TP.HCM) cũng chưa thể vay được khoản nào có LS dưới 20%/năm. Thậm chí công ty này còn cho biết chưa nghe NH nói gì về việc điều chỉnh giảm LS cho các hợp đồng vay cũ.

Đi một vòng qua các NH ở TP.HCM, chúng tôi nhận thấy hầu hết các khoản cho vay đối với DN sản xuất bình thường (không thuộc các lĩnh vực được ưu tiên như xuất khẩu, nông ngư nghiệp,…) vẫn áp dụng LS cho vay phổ biến 21 - 21,5%/năm. Số lượng DN được vay vốn LS thấp đếm trên đầu ngón tay. Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp của một chi nhánh NH thương mại nhận định sẽ không có nhiều DN được vay với LS 17 - 19%/năm vì số vốn cho vay LS thấp mà NH công bố dù đến vài ngàn tỉ đồng nhưng cho cả hệ thống thì cũng như muối bỏ biển. Mỗi chi nhánh NH được phân bổ vài chục tỉ đồng trong số này, khoản này chỉ chiếm khoảng 4 - 5% tổng dư nợ cho vay của chi nhánh, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của 2-3 DN đủ điều kiện ưu tiên vay mà thôi.

Ví dụ, NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) công bố dành 2.000 tỉ đồng để cho DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và nông nghiệp vay với lãi suất từ 17 - 19%/năm. Con số này chỉ chiếm khoảng 2,4% trên tổng số dư nợ hơn 80.500 tỉ đồng của Sacombank tính đến thời điểm hết tháng 6.2011. Hay Eximbank công bố dành 3.000 tỉ đồng cho DN sản xuất vay với LS 18%/năm, khoản vốn này chỉ chiếm 4,3% tổng số dư nợ gần 69.000 tỉ đồng (tính đến thời điểm hết tháng 6.2011) của NH này…


Những DN sản xuất trong nước vẫn chưa tiếp cận được vốn vay LS thấp - Ảnh: D.Đ.M

Giá hàng hóa cuối năm sẽ tăng

Với mức LS vay vẫn trên 20% năm, hầu hết các DN đều cho biết họ đang gặp rất nhiều khó khăn, rất khó để có thể đẩy mạnh sản xuất hàng hóa chuẩn bị cho thị trường cuối năm. Bà Ngô Ngọc Hoa - Giám đốc Công ty TNHH TM-SX Anh Khoa - phân tích: LS chưa được giảm, sức tiêu thụ hàng hóa chưa tăng. Từ đầu tháng 10 này, mức lương tối thiểu của công nhân tăng nên DN phải tính toán để tiết giảm các khoản chi phí khác. “Nếu LS vay giảm thì mới có thể mạnh dạn vay để tăng dự trữ nguyên vật liệu và gia tăng sản xuất chuẩn bị cho mùa tết. LS vẫn cao thì không dám vì nếu sức tiêu thụ không tốt sẽ khiến hàng tồn kho nhiều và mình sẽ khó chịu đựng lâu với mức LS cao này”, bà Ngô Ngọc Hoa nói.

Theo ông Phan Văn Thiện - Phó TGĐ Công ty bánh kẹo Biên Hòa (Bibica) - nếu LS giảm xuống sẽ tác động rất tốt giúp giá hàng hóa vào dịp tết không tăng cao, nhờ đó sức tiêu thụ sẽ tăng. Với LS trên 20%/năm như hiện nay, các DN cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho Bibica đều không thể giảm giá nên Bibica cũng dự báo giá sản phẩm dành cho mùa tết năm nay sẽ tăng khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước, sức tiêu thụ cũng sẽ tăng được khoảng 10 - 15% (thấp hơn những mùa tết trước đây khi sức mua đều tăng từ 25 - 30%).

Ông Phan Văn Thiện chia sẻ: Dù LS từ NH không chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu giá thành sản xuất nhưng nó có tác động dây chuyền đối với mọi DN. Vì vậy, nếu những ngày tới LS cho vay giảm xuống như mức 17 - 19%/năm và áp dụng được cho hầu hết các DN thì sức ép lên giá cả cuối năm sẽ dịu lại. Đồng quan điểm trên, ông Cao Tiến Vị - TGĐ Công ty giấy Sài Gòn - cũng cho rằng đây là lúc các DN bắt đầu chuẩn bị vào mùa cao điểm sản xuất hàng tết. Tuy nhiên do chi phí đầu vào vẫn cao và dự báo sức tiêu thụ cũng không khả quan như những năm trước nên DN thận trọng. Do đó, ông Vị cho rằng việc áp dụng chính sách bình ổn giá của các cơ quan quản lý nhà nước nên tập trung từ gốc, mà cụ thể như việc cố gắng đưa ra những giải pháp giảm nhanh LS như đã công bố. Nhờ vậy, bản thân DN cũng dễ dàng lên kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất trở lại trong năm tiếp theo sau một năm đã co cụm và ngừng các dự án đầu tư mới.

Khó giảm lãi suất khi chưa giảm lạm phát

Tại hội thảo “Kinh tế VN năm 2011, triển vọng năm 2012 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức tại TP.HCM ngày 23.9, các chuyên gia cho rằng, VN nên xếp mục tiêu tăng trưởng sau mục tiêu chống lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, nếu không muốn cả nền kinh tế rơi vào thế “vỡ trận”.

PGS-TS Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế VN) nhận xét, những biện pháp chống lạm phát đưa ra chưa thực sự hiệu quả, mang tính chữa cháy, chỉ ngăn được lạm phát trong ngắn hạn và nguy cơ “khứ hồi” rất lớn. Trong khi đó, đầu tư công thì không biết con số thực cắt giảm được là bao nhiêu, chính sách tín dụng, tiền tệ không nhất quán…

 Còn theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, Chính phủ đang quyết tâm cắt giảm đầu tư công nên phải chấp nhận giảm mục tiêu tăng trưởng. Hiện nền kinh tế rơi vào tình trạng đầu tư quá cao, dàn trải dẫn đến việc nhập siêu các thiết bị phục vụ nhu cầu đầu tư. Đồng thời, ông Tuyển cũng phủ nhận việc điều chỉnh lãi suất trong bối cảnh hiện nay, và cho rằng chỉ có thể giảm lãi suất khi tỷ lệ lạm phát được kéo về mức một con số. Để làm được điều này, thay vì rót vốn vào khối kinh tế nhà nước hiệu quả còn thấp, nên chuyển hướng phân bổ, ưu tiên phát triển khối kinh tế tư nhân.

TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng góp ý, nếu không thể giảm lãi suất thì việc cần kíp hiện nay là cứu doanh nghiệp bằng cách giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống 22%. Điều này hoàn toàn phù hợp với giải pháp giảm thu mà nhiều chuyên gia đưa ra.

Tuấn Đạt

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.