Doanh nghiệp 'làm rối' hệ thống nước thải 2 quận tại Đà Nẵng

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
14/09/2018 10:06 GMT+7

Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP.Đà Nẵng vừa gửi văn bản kiến nghị UBND TP có biện pháp mạnh bởi không thể để hệ thống xử lý nước thải của 2 quận chờ một doanh nghiệp chây ì.

Tháng 4.2016, liên danh nhà thầu Công ty CP xây dựng Trường Xuân và Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng khởi công gói thầu 1.10, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên trị giá 324 tỉ đồng xây dựng hệ thống tuyến ống thu gom nước thải dài hơn 30 km qua 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Tháng 7.2016, đoạn ống qua đường Lê Văn Duyệt (P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà) dài 560 m hoàn thành. Cùng thời điểm, Công ty TNHH Hòa Bình thi công khách sạn Hòa Bình Green (còn gọi là Golden Bay) làm sụt lún 2 hố ga từ 21 - 45 cm, làm đứt gãy, võng 120 m ống nên nước thải không thể chảy về trạm bơm và nước ngầm xâm nhập hệ thống.
Ông Trần Nguyễn Công Long, Phó phòng Kỹ thuật Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP.Đà Nẵng (gọi tắt là BQL), rất bức xúc bởi Công ty Hòa Bình ngang ngược và chây ì. Bởi khi phát hiện, ông Long yêu cầu vào công trình kiểm tra việc khắc phục thì Hòa Bình lấy lý do đang thi công phục vụ APEC nên không cho vào.
Sau nhiều lần bị đốc thúc, ngày 14.9.2016, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình Nguyễn Hữu Đường ký xác nhận gây hư hỏng và cam kết khắc phục, nhưng 2 năm qua không thực hiện. Ông Long kể, đầu năm 2018, BQL, nhà thầu cho đục phá tìm kiếm lại hệ thống, công nhân đã than trời vì Hòa Bình ngang nhiên, cố tình đổ lớp bê tông dày 40 cm lấp kín toàn bộ vỉa hè để che giấu việc chưa sửa chữa. Bất ngờ, BQL phát hiện Hòa Bình còn tùy tiện lén chôn các đường ống dưới lớp bê tông để xả thải không qua xử lý.
“Việc lén xả thải vào hệ thống đường ống bị đứt gãy làm nước thải tràn ngược lên mặt đường khiến người dân khu vực khốn khổ vì hôi thối suốt thời gian dài”, ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Ban điều hành dự án gói thầu 1.10, bức xúc. Bị ngăn chặn, Công ty Hòa Bình không xả thải vào hệ thống gói thầu 1.10 nữa mà đấu nối xả thải vào đường thoát nước mưa để chảy ra sông Hàn. Do Hòa Bình không khắc phục, nên hiện nay dự án thu gom và xử lý nước thải không thể vận hành, toàn bộ nước thải 2 quận vẫn đổ ra sông Hàn, nhất là xả ra âu thuyền Thọ Quang, gây ra điểm nóng ô nhiễm.
Sẽ cưỡng chế
Dự án phát triển bền vững TP.Đà Nẵng dùng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) 272 triệu USD, gồm 5 hợp phần, trong đó gói thầu 1.10 nêu trên là quan trọng nhất trong hợp phần 1 về xử lý nước thải. Công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi tuyến ống qua Q.Sơn Trà thu gom nước thải, bơm về Trạm xử lý nước thải Sơn Trà (đường Phạm Bằng) để xử lý và tiến đến đóng cửa Trạm xử lý nước thải Thọ Quang vốn đã quá tải, mất hiệu quả.
Theo lãnh đạo Công ty Trường Xuân, do Hòa Bình chây ì nên các hạng mục hoàn thành hơn 1 năm nhưng không thể bàn giao, BQL phải gia hạn hợp đồng 3 lần. “Sự việc trên gây thiệt hại hơn 3 tỉ đồng, đồng thời khiến Trường Xuân thiệt hại hơn 2 tỉ đồng cho chi phí công nhân, máy móc bỏ không tại dự án vì chậm tiến độ”, ông Nguyễn Nam Hải nói.
Thậm chí, nhà thầu, BQL chủ động bày tỏ thiện chí, lập giúp Hòa Bình hồ sơ dự toán nhưng phía Hòa Bình vẫn phớt lờ. Trong đó, phương án 1 sửa chữa tại chỗ khoảng 2,8 tỉ đồng, chưa kể chi phí phá dỡ nhiều hạng mục, đục hết lớp bê tông mà Hòa Bình đổ lên vỉa hè và hoàn trả nguyên trạng. Phương án 2 là thi công tuyến ống mới đi vòng ra đường Lê Văn Duyệt, ước tính khoảng 3,3 tỉ đồng.
Ông Đào Viết Trung, phụ trách dự án Hòa Bình Green, thừa nhận sai phạm và các cam kết khắc phục, việc đổ bê tông lên vỉa hè là do đơn vị thi công làm sai, hậu quả phải chọn phương án 2 chứ không thể đục phá lớp bê tông cũ. Ông Trần Nguyễn Công Long bức xúc bởi rất nhiều lần phía Hòa Bình rất bê trễ, lấy lý do nội bộ đang thay đổi cơ cấu bộ máy tổ chức, nên chậm xác định đơn vị khắc phục. “Không thể gia hạn nữa. Nếu không khắc phục thì UBND TP sẽ ra quyết định cưỡng chế”, ông Long nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.