Doanh nghiệp 'li ti' sẽ được giảm thuế

Mai Phương
Mai Phương
22/08/2024 06:19 GMT+7

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi được Bộ Tài chính lấy ý kiến đề xuất giảm mức thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xuống còn 15 - 17% thay vì mức 20% như hiện hành. Tuy nhiên, điều kiện để hưởng mức ưu đãi này lại quá khắt khe.

Điều kiện hưởng ưu đãi quá khắt khe

Theo dự thảo luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ từ 15 - 17% thay vì mức 20% như thuế suất phổ thông hiện hành.

Cụ thể, DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỉ đồng sẽ chịu mức thuế TNDN 15%. Những DN có tổng doanh thu năm trên 3 tỉ đồng đến dưới 50 tỉ đồng sẽ chịu thuế suất 17%. Thuế suất này không áp dụng với các DN là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà DN trong quan hệ liên kết không thuộc đối tượng được hưởng chính sách trên.

Doanh nghiệp 'li ti' sẽ được giảm thuế- Ảnh 1.

Thuế TNDN thấp sẽ khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên DN

Ng.Nga

Bộ Tài chính lý giải, trong tổng số khoảng 900.000 DN đã được thành lập và hoạt động thì số DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 94%. Đây là nhóm đối tượng cần phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đồng thời cũng là nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách nhà nước.

Trước đây, trong giai đoạn từ tháng 7.2013 đến hết năm 2015, DN nhỏ có doanh thu không quá 20 tỉ đồng/năm được áp dụng thuế suất thuế TNDN 20%, thấp hơn mức thuế suất 22% và 25% áp dụng đối với các DN khác. Tuy nhiên từ đầu năm 2016 đến nay, các DN có quy mô nhỏ vẫn áp dụng thuế TNDN với mức 20% như các DN khác, riêng năm 2020 - 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các DN quy mô nhỏ được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc một DN tư nhân dịch vụ, thương mại tại Q.10 (TP.HCM), bày tỏ phấn khởi nếu đề xuất này được áp dụng sớm thì công ty sẽ nộp thuế ít hơn. Công ty bà trước đây là hộ kinh doanh và mới đăng ký lên DN một thành viên trong những năm gần đây.

"Mức thuế giảm xuống còn 17% cũng không nhiều so với hiện tại nhưng có giảm là tốt rồi. Tuy nhiên, nếu quy định cho phép DN có doanh thu dưới 10 tỉ đồng/năm chỉ phải đóng thuế 15% thì các công ty siêu nhỏ như chúng tôi sẽ có điều kiện phát triển nhiều hơn. Bởi ở mức doanh thu dưới 3 tỉ đồng mới được hưởng thuế suất 15% thì sẽ có ít DN được hưởng mức ưu đãi này vì con số này là quá thấp. Thực tế chỉ một hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ trong năm cũng có doanh số lên 5 - 7 tỉ đồng là bình thường", bà Hòa nói.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng: Quan trọng là mức xác định thế nào là DN siêu nhỏ và thế nào là DN nhỏ. Nếu nói DN siêu nhỏ theo mức tổng doanh thu trong 1 năm chỉ dưới 3 tỉ đồng mới được áp dụng mức thuế 15% thì chưa hợp lý bởi đây là mức quá thấp, điều kiện cực kỳ "khắt khe" nên chỉ rất ít DN đạt được. Vì thế chưa đủ hấp dẫn để mang tính hỗ trợ các DN siêu nhỏ cũng như nhằm khuyến khích, thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển lên DN. Tương tự, ngưỡng doanh thu để xác định DN nhỏ nhằm áp dụng thuế suất 17% cũng phải được xem xét theo hướng nâng cao hơn. Nếu theo quy định như thế này thì DN trên 50 tỉ đồng là hầu như không có giảm gì về thuế. Vì vậy cần tăng quy mô doanh thu của DN lên cao hơn trong quy định để hưởng mức thuế ưu đãi. Đây mới thực sự là mang mục tiêu hỗ trợ cho nhóm đối tượng DN siêu nhỏ và nhỏ cũng như nói chung là DN nhỏ và vừa. Nếu không thì chỉ ngay sau khi ban hành luật đã bị "lỗi thời" và các DN trong nước mãi cũng khó phát triển, tăng sức cạnh tranh.

Nâng ngưỡng doanh thu để áp dụng thuế ưu đãi

LS Trần Xoa, chuyên gia về thuế, phân tích: Hiện nay có quy định về 3 mức thuế TNDN, gồm mức 10 - 17% và thuế suất phổ thông 20% tùy theo điều kiện DN, ngành nghề cũng như địa bàn đầu tư. Nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực ASEAN, thuế TNDN hiện nay của VN đang ở mức trung bình. Thế nhưng, xu hướng trên thế giới hiện nay sẽ đi theo lộ trình giảm dần thuế TNDN nên thời gian tới VN cần tiếp tục nghiên cứu để giảm tiếp các mức thuế ưu đãi cho nhóm DN siêu nhỏ và nhỏ. Quan trọng hơn theo ông Xoa, các quy định liên quan về mức xác định chi phí trước khi chịu thuế của DN như lãi vay, hóa đơn… cần phải được điều chỉnh theo hướng đơn giản, rõ ràng để các DN dễ dàng báo cáo, hạch toán.

Trong khi đó, LS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Hội DN TP.HCM (HUBA), đánh giá quy định trong dự thảo của Bộ Tài chính áp dụng thuế suất 15 - 17% cho DN nhỏ và siêu nhỏ là khó xác định doanh thu, không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực. Đặc biệt, ngưỡng doanh thu để được hưởng thuế suất ưu đãi này là quá thấp. Nếu áp dụng thì cũng rất ít DN đủ điều kiện để tiếp cận được thuế suất ưu đãi 15% nên sẽ không đạt được mục tiêu đề ra là hỗ trợ họ. Đó là chưa kể DN hoạt động thương mại thường sẽ có doanh thu lớn hơn nhiều so với DN sản xuất nên việc cào bằng cũng chưa hợp lý.

Do vậy, HUBA đề xuất cơ quan soạn thảo nâng mức doanh thu đối với DN nhỏ và siêu nhỏ được áp dụng thuế suất TNDN 15% tăng cao hơn và chia theo ngành nghề. Cụ thể, các DN nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có tổng doanh thu của năm không quá 50 tỉ đồng. Riêng DN trong lĩnh vực thương mại có tổng doanh thu của năm không quá 100 tỉ đồng. Đối với các công ty để được áp dụng thuế TNDN 17% thì DN trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có tổng doanh thu của năm không quá 200 tỉ đồng. Riêng DN trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ có tổng doanh thu của năm không quá 300 tỉ đồng.

Đồng thời, ban soạn thảo nên xem xét áp dụng chung thuế suất ưu đãi tối thiểu là 15% và tăng thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi với ngành có điều kiện ưu đãi nhiều hơn, phù hợp thuế suất toàn cầu, đảm bảo công bằng giữa DN VN và DN nước ngoài. "Nguyên tắc của thuế là phải mang tính công bằng, chắc chắn, thuận tiện và hiệu quả. Do đó, các quy định, sắc thuế phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo công bằng đối với mọi đối tượng. Không nên để các đơn vị thực hiện hiểu khác nhau, áp dụng mỗi địa phương mỗi khác lại khiến DN phải lao đao do áp dụng sai ưu đãi về thuế suất", luật sư Nguyễn Đức Nghĩa nói. 

Cần tăng quy mô doanh thu của DN lên cao hơn trong quy định để hưởng mức thuế ưu đãi. Đây mới thực sự là mang mục tiêu hỗ trợ cho nhóm đối tượng DN siêu nhỏ và nhỏ cũng như nói chung là DN nhỏ và vừa. Nếu không thì chỉ ngay sau khi ban hành luật đã bị "lỗi thời" và các DN trong nước mãi cũng khó phát triển, tăng sức cạnh tranh.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Giải pháp thiết thực

Giảm thuế TNDN là giải pháp rất cụ thể và thiết thực, là tin vui đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ. Đây là nhóm DN được đánh giá còn nhiều khó khăn và yếu thế. Tuy nhiên thời gian qua khi luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực từ đầu năm 2018 đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nhóm này nhưng về thuế TNDN lại chưa có. Do vậy cần sớm nhanh chóng ban hành để DN siêu nhỏ và nhỏ được áp dụng thuế suất ưu đãi thấp hơn mức thuế 20% hiện hành.

Ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại
và Công nghiệp VN - VCCI)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.