Trong buổi tham quan của các doanh nghiệp hội viên thuộc Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM (Agtek) mới đây tại Công ty may Sài Gòn 3, nhiều ông chủ doanh nghiệp đã phải trầm trồ ngưỡng mộ mức giá gia công 2,6 - 2,8 USD/quần của công ty này.
|
Đó là vì giá gia công cùng sản phẩm tương tự ở doanh nghiệp (DN) khác chỉ từ 2 - 2,3 USD/quần. Thậm chí, các DN cho biết ở các nhà máy tại các tỉnh miền Trung, giá chỉ khoảng 1,6 USD/quần.
|
Nguyên nhân giúp Công ty Sài Gòn 3 có giá gia công cho đối tác nước ngoài cao là công ty này đạt được những yêu cầu của đối tác, không cần công ty thứ 3 kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi xuất khẩu. Tuy nhiên, các DN may nhỏ lại đang đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực đang ngày càng gay gắt. Chẳng hạn với Campuchia, theo Agtek, lương bình quân của công nhân ngành may nước này chỉ khoảng 100 USD/người/tháng, bằng 50% so với lương bình quân của công nhân may tại VN, các chi phí khác như bảo hiểm, phí công đoàn... cũng rất thấp... dẫn đến nước này đang cạnh tranh mạnh về giá gia công thấp.
Đây là lý do khiến một số DN vừa và nhỏ VN hiện vẫn chưa có đủ đơn hàng đến hết năm. “Nhìn chung xu hướng các đơn hàng gia công đơn giản, dễ làm đang dịch chuyển sang những nơi có giá nhân công rẻ, chi phí thấp như Bangladesh, Myanmar, Campuchia… Vì vậy, đây là lúc các DN phải tự mình nâng cấp về chất lượng để tăng sức cạnh tranh. Từ đó có thể tìm kiếm được các đơn hàng cao hơn về kỹ thuật lẫn giá trị và giữ chân được khách hàng lâu hơn”, Chủ tịch Agtek Phạm Xuân Hồng nói.
Thời điểm bước ngoặt
Theo ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Sài Gòn (Garmex) - lao động ngành may của VN không còn ở giai đoạn giá rẻ nên khó cạnh tranh với nhiều nước mới nổi lên trong ngành này. Tuy nhiên, các đối tác nước ngoài vẫn công nhận công nhân VN khéo tay, sản xuất được những sản phẩm cần độ khó cao. Đây chính là cơ hội để các DN đầu tư chuyển đổi từ việc thực hiện các sản phẩm đơn giản sang những sản phẩm phức tạp hơn. Ví dụ một áo thun đơn giản có giá gia công khoảng 1,5 USD/cái trong khi một áo jacket có giá gia công đến 5 - 7 USD/cái, thậm chí có những sản phẩm đơn giá trên 10 USD/cái. Bởi nếu một áo thun chỉ có vài chục chi tiết thì một áo jacket có đến 300 - 400 chi tiết nên độ khó càng cao, yêu cầu công nhân có tay nghề và kinh nghiệm... Còn theo ông Phạm Xuân Hồng, muốn nhận được các đơn hàng khó thì các DN phải nỗ lực đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe nhất. Chẳng hạn có đối tác yêu cầu đến mức sợi chỉ cũng phải cắt như thế nào... và khi đã đạt được, tạo lòng tin cho đối tác thì những đơn hàng giá trị cao sẽ đến.
Ông Phùng Đình Ngọ - Giám đốc Công ty may Bình Hòa - cho biết những DN nhỏ như công ty của ông cũng nhận thức được sự cần thiết phải thay đổi, tuy nhiên khó khăn là DN rất thiếu vốn để có thể mở rộng quy mô, đầu tư thiết bị hay đội ngũ kỹ thuật. “Các DN nhỏ thường không đủ tài sản để thế chấp nên vay vốn ngân hàng không được. Từ đó bị bó tay trong việc cải tiến nhà xưởng, nâng cao chất lượng... Các chính sách của nhà nước cũng không hỗ trợ cho DN nhỏ. Ví dụ các DN lớn ký hợp đồng trực tiếp với nước ngoài thì thuế VAT bằng không. Nhưng DN nhỏ nhận gia công lại từ các DN lớn trong nước thì phải đóng ứng trước thuế VAT 10% và sau đó mới được hoàn lại. Trong khi thời gian hoàn thuế khá lâu khiến các DN nhỏ càng gặp khó khăn về nguồn vốn. Vì vậy, chúng tôi mong nhà nước sẽ có những chính sách hỗ tốt hơn cho DN vừa và nhỏ để có thể tăng sức cạnh tranh”, ông Ngọ nói.
Mai Phương
>> Triển lãm Chinamac fair 2011 - cầu nối cho các doanh nghiệp máy móc thiết bị
>> May mặc vẫn là ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
>> Hàng thủy sản, may mặc VN sẽ có nhiều cơ hội ở Hàn Quốc
Bình luận (0)