Theo số liệu từ Sở KH&ĐT TP.HCM, thành phố vừa có khoảng 16.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký mới, chiếm 31%, song có khoảng 11.000 DN ngừng kinh doanh, chiếm 69%. Theo ông Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA), đây là điều đáng suy ngẫm về sự phát triển DN bền vững của thành phố. TP là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp gần 30% số DN cả nước. Chính vì vậy, cần có chính sách tương xứng để DN phát triển.
DN là khách hàng của chính quyền
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC), Tổng Thư ký YBA cho rằng DN đang cần sự hỗ trợ về mặt pháp lý. Nên chăng, cần có ban hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, có chức năng liên kết với các sở ngành. Thứ nữa, ngoài việc tiếp xúc với cộng đồng khởi nghiệp, ngoài lãnh đạo thành phố, sở ngành cần tiếp xúc thường xuyên hơn với DN khởi nghiệp. Về nguồn lực liên quan tài chính cho DN khởi nghiệp, theo bà Phi, có thể huy động từ việc xã hội hóa cho các quỹ đầu tư. Ngoài ra, bà Phi cũng kiến nghị thành phố nên có mặt bằng để các bạn trẻ có không gian làm việc.
Ông Dương Công Đức, Giám đốc Công ty Vietphone cho rằng chính sách về phát triển DN nhỏ và vừa vẫn chưa được coi trọng. “Cần nêu rõ vai trò của DN đầu tàu. DN vừa và nhỏ đứng đâu trong các gói thầu lớn, khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng cần được khuyến khích hỗ trợ thế nào…”. Ông Đức cũng kiến nghị thành phố có thể xây dựng gói tương tự 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ DN nhỏ có tiềm năng phát triển…
Tuy nhiên, theo ông Trần Bằng Việt, Giám đốc CTCP Tư vấn Đông A thì không phải DN khởi nghiệp nào cũng ưu tiên. “DN phải làm cái mới, nếu lĩnh vực kinh doanh không mới thì cách làm phải mới. Sản phẩm, dịch vụ đó phải phù hợp với tính chất và hành vi của người tiêu dùng Việt và quan trọng là ý tưởng kinh doanh phải tạo ra giá trị và có tính bền vững thay vì các hoạt động mua đi bán lại, hay chỉ dịch chuyển giá trị”, ông Việt phân tích và lưu ý không phải khởi nghiệp nào cũng tốt, cũng nên ưu tiên. Hai ngành mũi nhọn là công nghệ thông tin và công nghiệp phụ trợ nên được coi trọng và hỗ trợ.
Ngoài ra, với các cơ quan công quyền, ông Việt nhấn mạnh: “DN cũng chính là khách hàng của chính quyền thành phố. Thành phố cần quan tâm DN và hỗ trợ DN như cách chúng tôi đang làm và phục vụ khách hàng của mình. Chúng ta phải chỉnh hóa này đến tận từng nhân viên hành chính, hải quan, thuế…”.
Xúc tiến thương mại chưa “đo ni đóng giày” cho DN
Về vấn đề xúc tiến thương mại nội địa và quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng các chương trình này chưa thật sự phù hợp với DN vừa và nhỏ, lại thường được tổ chức bởi các cơ quan nhà nước nên chưa thật sự phản ánh nhu cầu thực tế và có phần ưu tiên các DN nhà nước.
Bà Phạm Thị Bích Huệ, Phó chủ tịch YBA cho rằng TP.HCM tuy là địa phương đi đầu cả nước về xúc tiến thương mại, song các chương trình này thực tế chưa “đo ni đóng giày” cho DN. “DN 'khát' thị trường, hạn chế khả năng tiếp cận nên cần sự hỗ trợ của thành phố. Tuy nhiên, hầu hết các chương trình xúc tiến thương mại lại được xây dựng từ các cơ quan quản lý nhà nước nên có khoảng cách. Đó là chưa nói đến có sự phân biệt giữa các tổng công ty nhà nước với các DN nhỏ và vừa”.
Theo bà Huệ, kênh phân phối nội địa hiện đang bị chiếm lĩnh bởi nhiều sản phẩm nước ngoài, chiếm đến 51% thị phần. Do đó, thành phố cần hỗ trợ DN đẩy mạnh trong phân phối bằng cách chọn một số sản phẩm chủ lực, liên kết vùng, tận dụng các quỹ đất chưa khai thác làm nơi DN giới thiệu sản phẩm thường xuyên hơn…
Bàn về công nghiệp phụ trợ, đa số cho rằng tuy đã có chính sách, song thành phố chưa có chính sách khuyến khích DN vừa và nhỏ tập trung vào phát triển công nghiệp phụ trợ. “Nếu phát triển được công nghiệp phụ trợ, DN sẽ phải bớt phụ thuộc mua linh kiện từ Trung Quốc cho các dự án hạ tầng. Điều này rất quan trọng”, ông Trần Việt Anh, Hội viên YBA nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Anh cũng kiến nghị các hiệp hội DN nên tổng hợp các thất bại của DN đi trước để các bạn trẻ ý thức được những gì các bạn nên và không nên làm khi khởi nghiệp...
DN nhỏ nhưng định hướng phải lớn
Đó là thông điệp của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra trong phát biểu tổng kết buổi đối thoại.
Theo ông Phong, đội ngũ doanh nhân trẻ phải suy nghĩ về định hướng phát triển để bước vào sân chơi lớn toàn cầu như AEC, TPP... “Lãnh đạo thành phố đánh giá cao và tin tưởng đội ngũ sẽ xung kích trên mặt trận kinh tế và liên tục đổi mới sáng tạo. Để hỗ trợ DN, lãnh đạo thành phố đang tham mưu chính phủ thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo đến năm 2020”, ông Phong nói.
Với các kiến nghị của đại diện YBA, ông Phong cho rằng lãnh đạo thành phố hoàn toàn đồng ý và đang tiến hành các bước mạnh mẽ hơn để phát triển. Thành phố đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và tập trung vào bốn ngành mũi nhọn là: điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, hóa chất, chế biến lương thực thực phẩm.
Theo đó, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được chú trọng đặc biệt. Tuy nhiên, sản xuất của TP.HCM vẫn còn nặng tính gia công nên giá trị gia tăng chưa cao. Do đó, thành phố sẽ phải phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao và có tính bền vững. Hạn chế làm công, chú trọng ứng dụng khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời cũng chính là nâng cao cạnh tranh, giá trị gia tăng cho sản phẩm.
“Phải có giải pháp, môi trường thúc đẩy phát triển khởi nghiệp. Quốc gia sản xuất thương hiệu danh tiếng bao giờ tinh thần khởi nghiệp của quốc gia đó cũng rất mạnh mẽ. Tôi đồng ý bên cạnh DN lớn, tập đoàn lớn, phải chú trọng phát triển DN vừa và nhỏ, liên kết thế nào tạo sức mạnh mới quan trọng”, ông Phong nhấn mạnh.
Bình luận (0)