Ngày 23.8, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư quy tụ nhiều chuyên gia, luật sư, doanh nghiệp (DN).
|
10 năm chưa xong 1 bộ hồ sơ
Tại hội thảo trên, bà Trần Thị Bạch Vân, Giám đốc Công ty Trí Tuệ, kể cách đây 10 năm, công ty của bà và một số hộ dân ở Q.Bình Thạnh đã cùng nhau triển khai dự án chung cư rộng hơn 6.000 m2 (công ty bỏ tiền xây, người dân góp vốn bằng đất - PV). Tuy nhiên sau 10 năm, hồ sơ của công ty vẫn nằm ở UBND TP.HCM.
|
“Chúng tôi cầm hồ sơ đi xin chỉ tiêu quy hoạch về ranh đất, độ cao... phải mất mấy năm mới xong. Lên quận họ chấp thuận xong mới chuyển lên Sở Quy hoạch kiến trúc, chờ Sở duyệt xong đưa lên UBND TP. Khi TP xét xong lại yêu cầu quận, Sở Quy hoạch kiến trúc cho ý kiến. Xong rồi phải liên hệ Sở Xây dựng để xin cấp phép, Sở GTVT để xin làm đường, Sở Tài chính làm thủ tục đóng tiền sử dụng đất… Hồ sơ cứ chạy lòng vòng như vậy. May là dự án không vay ngân hàng, chứ nếu không đã thuộc về ngân hàng mất tiêu rồi. DN như người đi ăn xin, họ thích thì cho, không thích thì thôi. Gây thiệt hại cho DN nhưng cán bộ vẫn không ai bị xử lý mặc dù tôi đã kêu cứu khắp nơi”, bà Vân bức xúc.
Ông Phạm Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Lâm Đồng, nhận xét DN càng lúc càng bị dồn vào chỗ khó do thủ tục hành chính quá nhiêu khê. Ông kể ra trường hợp Công ty CP du lịch Phúc, năm 2010 xin làm dự án khu du lịch sinh thái ở TP.Đà Lạt với diện tích khoảng 54 ha. Đến năm 2011 đã san lấp làm mặt bằng, ra giấy chứng nhận đầu tư, với số tiền bỏ ra 1,5 tỉ đồng. Nhưng đến năm 2012, tỉnh Lâm Đồng lại ra quyết định thu hồi lại dự án để trồng rừng và cấp khu đất khác rộng 8 ha ở khu hồ Tuyền Lâm. Trước tình thế như vậy, công ty này đã xin bỏ dự án, và 5 công ty khác làm dự án ở khu vực này cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
“Chúng tôi mất mấy năm làm thủ tục, tốn biết bao nhiêu tiền mới xong, nhưng tỉnh lại yêu cầu chuyển dự án. Thủ tục hành chính càng lúc càng rối cộng với việc công chức lợi dụng kẽ hở của pháp luật để gây khó khăn, nhũng nhiễu khiến ở dưới người dân, DN chịu trận. Hàng trăm ngàn DN chết thời gian qua một phần do vốn và một phần cũng do thủ tục hành chính. Nhiều DN FDI bỏ đi cũng vì thủ tục hành chính phức tạp làm người ta nản lòng”, ông Hoàng nói.
|
Lãnh đạo một DN tính toán, từ lúc được chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi ra giấy phép, một dự án bình quân mất 4 năm làm thủ tục. Như vậy, một khu đất DN mua 60 tỉ đồng, nếu vay ngân hàng 40 tỉ với lãi suất bình quân 12%/năm như hiện nay thì sau 4 năm chờ làm thủ tục, DN đã bị “bốc hơi” 20 tỉ đồng. “Nếu nhà nước giảm thủ tục cho nhà đầu tư, từ đó sẽ giảm giá bán nhà cho khách hàng rất nhiều. Đồng thời không gây lãng phí cho xã hội, khi hàng ngàn tỉ đồng đang ẩn trong địa ốc được sử dụng hiệu quả, hợp lý”, ông này bức xúc.
400 văn bản hướng dẫn bất động sản
Cách nay 5 năm, vào năm 2008, khi thị trường địa ốc có những dấu hiệu tuột dốc, Bộ Xây dựng đã tiến hành khảo sát tại 9 dự án lớn ở Hà Nội, TP.HCM, Hà Tây và một số tỉnh thành phố khác. Kết quả cho thấy một dự án đầu tư xây dựng phải trải qua 33 thủ tục với thời gian chuẩn bị trung bình là 3 năm. Lúc bấy giờ, lãnh đạo Bộ Xây dựng tuyên bố sẽ phấn đấu giảm còn 8 thủ tục, với thời gian tối đa làm thủ tục của một dự án là 1 năm. Mới đây, Bộ Xây dựng công bố đã cắt giảm được 7 thủ tục, còn 26 thủ tục.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, thực chất 7 thủ tục trên là gộp vào các thủ tục khác chứ không phải là cắt giảm. Phó chủ tịch Horea Nguyễn Văn Đực thống kê rằng liên quan đến lĩnh vực bất động sản ước có khoảng 400 văn bản hướng dẫn thi hành các bộ luật do trung ương và địa phương ban hành. Thủ tục không giảm mà còn tăng. Ví dụ như mới đây Nghị định 15 yêu cầu người dân mua đất trong các dự án đã có quy hoạch 1/500 cũng phải xin phép xây dựng, thẩm tra thiết kế… kéo dài thời gian xin giấy phép xây dựng khoảng 2 - 4 tháng. Ông Nguyễn Văn Đực nhận xét nguyên nhân khiến luật phức tạp là do người làm luật máy móc, cầu toàn để bảo vệ chính họ. Khi gặp một sự cố gì đó là ra một luật mới để giải quyết tình thế. Luật càng khó, thời gian giải quyết rất lâu, từ đó gây ra tham nhũng, giá thành sản phẩm tăng mạnh. “Cách nay 5 - 7 năm chỉ mất khoảng 7 tháng là xong một dự án. Nhưng nay mất không dưới 3 - 5 năm mới làm xong. Thậm chí có khi 7 năm mới xong. Kiến nghị làm sao đến khoảng 1 năm là xong, cắt giảm 50 - 70% thủ tục hành chính bởi chất lượng dự án không phải phụ thuộc vào luật mà năng lực của chủ đầu tư. Thủ tục giảm, chắc chắn giá nhà đất sẽ giảm”, ông Đực đề xuất. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn C.T Group Trần Kim Chung cho rằng cải cách thủ tục hành chính là việc mà nhà nước có thể làm được ngay mà không mất gì cả, với DN điều này sẽ giúp họ rất nhiều, nhất là trong lúc khó khăn hiện nay.
Theo ông Phạm Tuấn Khải - Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, xét cho cùng vấn đề chính là con người (năng lực của cán bộ quản lý nhà nước), bởi quy định hiện nay không thiếu. Tại sao có dự án thủ tục chỉ mất vài tháng là xong, nhưng có dự án phải mất vài năm chưa xong như DN kêu ca. Một vấn đề cũng cần xem xét đó là các thủ tục hành chính không phù hợp, gây cản trở, thiệt hại cho nhà đầu tư thì nhà đầu tư có thể kiện ra tòa hay không?
Đất đai, xây dựng bị than phiền nhiều nhất VCCI đặt câu hỏi: “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực nào DN bị gây phiền hà nhất?” cho cộng đồng DN, kết quả điều tra cho thấy: 28,3% DN cho rằng thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư là gây phiền hà nhiều nhất; 17,1% cho rằng thủ tục thuế; 15,2% cho rằng thủ tục xây dựng và 10% cho rằng thủ tục đất đai, tài nguyên môi trường. Tổng hợp lại, VCCI cho rằng thủ tục đất đai, đầu tư, xây dựng là những thủ tục khó khăn hàng đầu đối với cộng đồng DN. |
Đình Sơn
>> Tháo nút thắt vốn cho doanh nghiệp
>> Ngân hàng tiếp sức cho doanh nghiệp
>> Sức cầu yếu ớt, doanh nghiệp chật vật
>> Nhiều dự án bất động sản giảm giá
>> Gỡ nút thắt tâm lý cho bất động sản
>> Bất động sản chững lại vì chờ đợi
>> Tồn kho bất động sản tăng vọt
Bình luận (0)