Góp ý tại thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ sáng 31.5, đại biểu Hoàng Đức Thắng bày tỏ quan ngại khi GDP quý 1 chỉ đạt 3,32%, thấp hơn với cùng kỳ 5,03%. Nhiều địa phương có vị trí quan trọng trong "bản đồ" kinh tế đất nước ở tốp đầu lại sụt giảm tăng trưởng, có địa phương tăng trưởng âm.
Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. “Nhiều doanh nghiệp đang cố thoi thóp để tồn tại khi khó khăn bủa vây. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể tăng lên. Doanh nghiệp nội địa đang đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản hoặc bị thâu tóm”, ông Thắng nói.
ĐBQH Hoàng Đức Thắng: Doanh nghiệp nội địa đầu ngành thoi thóp, bị các tập đoàn Thái Lan mua lại
Đại biểu cũng dẫn ra ví dụ hiện nay các tập đoàn Thái Lan đã sở hữu rất nhiều doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam và thu hàng tỉ USD tiền cổ tức từ các doanh nghiệp đứng đầu này, khiến cho nền kinh tế, nền sản xuất vốn đã ốm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trở nên rất mong manh.
“Vòng kim cô của các quy định pháp luật ngày càng siết chặt. Sau một thời gian thực hiện chủ trương của Chính phủ giảm tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra thì nay đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Những quy định chưa hợp lý, siết chặt quá mức trong phòng cháy, chữa cháy, những ách tắc trong các kiểm định phương tiện giao thông đường bộ, lãi suất tiền cho vay ở mức cao như là những cú bồi khiến doanh nghiệp “knock out” ngay trên sân nhà của chính mình”, ông Thắng chỉ rõ thực tế.
Đại biểu cũng cho rằng, doanh nghiệp "khát" vốn để phục hồi phát triển nhưng rất khó tiếp cận, kể cả gói tín dụng giảm lãi suất 2% cũng không thực sự hấp dẫn và rất rườm rà về thủ tục tiếp cận.
Tất cả những vấn đề trên đây chỉ là những mảnh ghép đơn lẻ trong "bức tranh" kinh tế, còn màu xám càng thấy doanh nghiệp đang đứng trước vô vàn khó khăn mà Quốc hội cần biết, Chính phủ cần thấy rõ để có giải pháp tháo gỡ ngay điểm nghẽn này. Bởi lẽ, doanh nghiệp ví như xương sống của nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn.
Đại biểu Thắng cũng đề nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá, để phục hồi, vực dậy phát triển doanh nghiệp. Trước mắt, gỡ ngay các rào cản; hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp; khơi thông dòng vốn tín dụng…
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng), cho rằng tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Bà cũng đề nghị cần sớm hoàn chỉnh dữ liệu thống kê về tình trạng thất nghiệp hiện nay.
Liên quan vốn vay của doanh nghiệp, từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành. Song theo bà, doanh nghiệp hiện vẫn khó tiếp cận với vốn vay.
Ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, trong khi hệ thống ngân hàng huy động khoảng 88% tiền gửi với kỳ hạn 12 tháng trở xuống nhưng vẫn phải đáp ứng trên 52% dư nợ tín dụng của cả hệ thống là trung hạn và dài hạn. Điều này tạo sức ép lên lãi suất huy động.
Ben cạnh đó, hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay vì không còn tài sản đảm bảo hoặc tình hình tài chính yếu kém. Nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển sang nhóm nợ xấu do ngân hàng vẫn phải đảm bảo khả năng thanh toán tài sản thế chấp.
Từ đó, đại biểu này kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần có phương thức điều hành linh hoạt, giao tổng room từ đầu năm và điều hành linh hoạt. Tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột, làm cho doanh nghiệp có thể đi đến vỡ kế hoạch trong đầu tư hoặc là trong sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp. Với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, nếu được Quốc hội chấp nhận thì sẽ ban hành nghị quyết và áp dụng sớm nhất là từ tháng 6 hoặc từ tháng 7 đến cuối năm 2023.
Song, đại biểu Tô Ái Vang cũng lưu ý, việc giảm thuế giá trị gia tăng người tiêu dùng có thể thấy rõ nhất ở siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi vì có thể kiểm tra trên hóa đơn. Nhưng tại các chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ, tiệm tạp hóa thì người mua và người bán tự thỏa thuận giá trong đó bao gồm cả thuế, khiến người tiêu dùng tiếp tục chịu thiệt thòi.
“Quốc hội nên xem xét mức giảm VAT xuống từ 3 - 4%. Bởi nếu chỉ giảm 2% chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế. Trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư, thì chúng ta cũng nên xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua”, bà Vang nêu.
Đại biểu cũng khuyến nghị nếu kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết năm 2024, sẽ giúp cho chính sách này mang tính bền vững, lâu dài, giúp cho doanh nghiệp xây dựng các phương án kinh doanh ổn định.
Bình luận (0)