Doanh nghiệp phàn nàn nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh

14/03/2017 06:33 GMT+7

Những bất cập về cơ chế, chính sách; nạn hàng nhái - hàng giả và tệ nhũng nhiễu đã được các doanh nghiệp thẳng thắn phản ảnh tại buổi đối thoại cùng doanh nghiệp do Trung tâm tư vấn phát triển thương hiệu và chất lượng phối hợp với Tạp chí Hàng hóa và Thương hiệu tổ chức ngày 13.3 tại TP.HCM.

In giả 3 tỉ đồng chỉ bị kiểm tra hành chính
Đại diện Công ty CP nhựa Bình Minh phản ánh, ngày 30.11.2015, công ty bắt quả tang một doanh nghiệp (DN) đang in giả nhãn hiệu với tổng giá trị hàng hóa vi phạm thu được lên tới 3 tỉ đồng, nhưng bên vi phạm chỉ bị kiểm tra hành chính. Cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng về vụ việc. Đại diện này bức xúc: “Tại sao họ làm giả lớn như vậy, trong khi chúng tôi có đầy đủ bằng chứng, mà các cơ quan chức năng chỉ kiểm tra hành chính và vẫn chưa có câu trả lời chính thức?”.
Tương tự, Công ty TNHH hóa mỹ phẩm Xuân Lan 727 cũng bị DN khác xâm phạm bản quyền nhãn hiệu hàng hóa và đã khởi kiện ra tòa từ năm 2012. Tuy nhiên cho đến nay, đơn vị vi phạm vẫn chưa thực hiện án tòa, chưa bồi thường, công khai xin lỗi trên báo chí, và vẫn tiếp tục hoạt động.
Đặc biệt, đại diện cho các DN cà phê, sản xuất thức ăn trên địa bàn TP.HCM phản ánh tình trạng đang có hiện tượng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn cho DN. Vị này cho biết: “Các cán bộ địa phương thường ép các DN đi ăn nhậu, hay mượn xe của DN nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân. Nếu các DN không đáp ứng sẽ bị gây khó dễ. Chẳng hạn như bị kiểm tra thường xuyên, từ giấy tờ cho đến sản phẩm hàng hóa, nhằm vạch lá tìm sâu, tìm cớ để phạt DN”.
Không chỉ thế, Công ty TNHH hóa mỹ phẩm Xuân Lan 727 còn chỉ ra sự bất cập trong công tác thẩm định hiện nay. Cụ thể, công ty này đã được Tổ chức Giám định quốc tế NQA thẩm định chất lượng sản phẩm, Bộ Khoa học - Công nghệ tại VN cũng đã thông qua, tuy nhiên khi trình hồ sơ lên Sở Y tế để xin cấp giấy chứng nhận sản xuất lại nhận được câu trả lời là chứng nhận này không có giá trị, không hợp pháp.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Trung tâm thương hiệu và chất lượng đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế nên nới lỏng, chấp nhận các giấy chứng nhận được xét duyệt ở các quốc gia khác để tạo điều kiện cho DN.
Có tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh
Trước phản ảnh của các DN, ông Hoàng Văn Trực - Phó cục trưởng, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an đã nghiêm túc nhận lỗi, gửi lời xin lỗi tới các DN bị cảnh sát kinh tế lạm quyền, nhũng nhiễu, vòi vĩnh làm khó. Ông thẳng thắn thừa nhận tình trạng trên là có, tuy nhiên chỉ là số ít. Theo ông Hoàng Văn Trực, cảnh sát kinh tế không được phép tự vào kiểm tra chất lượng hàng hóa của DN khi không có đơn tố cáo. Trong trường hợp có đơn tố cáo cũng chỉ được phép là một thành viên tham gia trên cơ sở phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường, thanh tra bộ, ngành. “Tất cả các trường hợp vi phạm, gây khó khăn cho DN đều sẽ bị xử phạt nghiêm túc, nhất quyết không dung túng. Các DN có quyền tố cáo để ngay lập tức cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý tiêu cực”, ông Trực khẳng định.
Lĩnh vực thuế và hải quan còn gây khó cho DN
Theo khảo sát trên 100 nhà máy tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao tại TP.HCM của Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM (HBA), về thủ tục hành chính trong hoạt động công thương, khảo sát 40 nhà máy thì 88% cho rằng thủ tục tự khai thuế - nộp thuế nhanh hơn năm 2015, 78% cho rằng nộp và thu thuế minh bạch, rõ ràng, 22% còn vướng mắc, bất cập; hậu kiểm sau nộp thuế thì 58% cho rằng thuận lợi, 22% có khó khăn và 20% còn lại không có ý kiến. Theo các DN, luật thuế thay đổi quá thường xuyên và nhiều điểm khó hiểu, bất cập làm việc xác định thuế, thanh tra thuế khó khăn cho DN. Khảo sát cho thấy, DN mong muốn giải phóng hàng ở cảng nhanh hơn. Nguyên liệu gia công cho nước ngoài, tạm nhập tái xuất không cần thông qua kiểm định, do không bán vào thị trường trong nước. Đồng thời, nên rà soát lại nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức của đội ngũ hải quan.
H.Sương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.