Lo ngại những tác động do việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt tới sản xuất bia, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội... đề xuất lùi thời gian tính thuế đến tháng 1.2017.
Theo tính toán của VBA, với mức tăng thuế 5% trong năm 2016, giá bia sẽ tăng tương ứng 5% |
Theo bà Virginia B.Foote, đồng Chủ tịch liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư đang tỏ ra quan ngại với cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu được ban hành khá đột ngột. Cụ thể, Nghị định 108 và thông tư 195 ban hành lần lượt tháng 10 và 11.2015 nhưng lại có hiệu lực ngay vào ngày 1.1.2016.
Cho rằng doanh nghiệp có quá ít thời gian để thích nghi và chuyển đổi, bà Virginia B.Foote đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hoãn thi hành các văn bản dưới luật (Nghị định 108 và thông tư 195) đến 1.1.2017, giúp doanh nghiệp có thêm thời gian để chuẩn bị.
Không chỉ doanh nghiệp ngoại kêu khó, tại cuộc tọa đàm do Hiệp hội bia rượu và nước giải khát Việt Nam (VBA) và Bộ Công thương tổ chức ngày 16.3, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho rằng, theo thông tư 195 của Bộ Tài chính, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được dựa trên giá bán ra của công ty thương mại cuối cùng có quan hệ với công ty mẹ, công ty con và giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt không thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng, do cơ sở kinh doanh thương mại bán ra… đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo ông Việt, mức trần quy định với các doanh nghiệp phân phối trước đây là 10%, nếu áp mức chênh lệch 7% sẽ không thể bù đắp cho các chi phí, dẫn tới giảm sút doanh thu và ngân sách.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty bia rượu và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) Lê Hồng Xanh cho hay, việc áp dụng thuế theo quy định trên ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, ăn mòn lợi nhuận. Sabeco đang tính đến việc điều chỉnh giá. Theo tính toán của VBA, với mức tăng thuế 5% trong năm 2016, giá bia sẽ tăng tương ứng 5%.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thông tư 195 ban hành vào cuối năm 2015, quá gần thời điểm có hiệu lực sẽ là một gánh nặng và thậm chí doanh nghiệp không thể đáp ứng kịp thời với thay đổi lớn như thế. Ông Tuấn cho rằng, việc ban hành văn bản pháp lý phải tuân thủ thông lệ các nước, có thời gian và lộ trình thay đổi phù hợp, nếu đưa ra áp dụng quá nhanh sẽ khiến doanh nghiệp đối diện nguy cơ thua lỗ.
Ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, quá trình xây dựng và ban hành nghị định có thể đã không được triển khai một cách đầy đủ, không cho doanh nghiệp cơ hội được đối thoại, phản hồi. Tuy nhiên khi nghị định đã có hiệu lực thì kiến nghị lùi rất khó khăn, vì thế theo ông Khải, các doanh nghiệp và hiệp hội cần đề xuất một cuộc đối thoại trực tiếp với cơ quan quản lý thuế, Bộ Tài chính để tìm cách tháo gỡ.
Cùng quan điểm này, ông Trương Hồng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cũng cho rằng cần có cuộc đối thoại mời chuyên gia và các bên liên quan để nghe, rút kinh nghiệm, từ đó có kiến nghị, trình Quốc hội sửa đổi phù hợp trong kỳ họp tháng 3.2016.
Bình luận (0)