Trong khi các nước thực hiện rất gắt gao hàng rào phi thuế quan để bảo hộ hàng hóa trong nước sau hội nhập thì VN lại chưa làm được việc này. Doanh nghiệp và cả nền sản xuất nội địa thiệt thòi trong cả việc xuất khẩu lẫn giữ thị phần ở sân nhà.
Nguy cơ phá sản ngành thép nội nếu không được bảo vệ - Ảnh: Ng.Nga
|
Thống kê từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho thấy, trong gần 20 năm qua, giai đoạn 1994 - 2012, VN bị kiện chống bán phá giá lên đến 52 vụ, trong đó riêng sản phẩm thép chiếm 29%, cao nhất trong các nhóm ngành bị điều tra. Điều đáng nói, VN hiện là một trong những nước có nhiều nhóm sản phẩm bị điều tra chống bán phá giá nhất.
Xuất khẩu bị làm khó
|
Riêng trong hai năm 2011 - 2013, có ít nhất 8 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp sản phẩm liên quan đến thép Việt tại các thị trường xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VAS), cho rằng hiện đang có xu hướng thép Việt bị kiện theo “chùm”, nghĩa là cùng một lúc, các nước đều kiện hoặc “kiện kép”, vừa chống bán phá giá, vừa chống trợ cấp. Đơn cử, trong cùng một ngày, mặt hàng đinh thép, ống thép dẫn dầu của VN bị Mỹ ra quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, thép mạ kẽm VN bị điều tra chống bán phá giá tại Úc… “Những kiểu kiện thế này gây thiệt hại lớn về tài chính của DN, kim ngạch xuất khẩu giảm và quan trọng hơn là nguy cơ mất thị trường”, ông Sưa nhận định.
Bị kiện nhiều nhưng các DN sản xuất trong nước luôn tỏ ra lúng túng, bất ngờ hoặc chuẩn bị đối diện với vụ kiện rất sơ sài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thua tại các vụ kiện chống bán phá giá ở các nước. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty thép Việt, thông tin thêm, sản phẩm thép của VN khi xuất khẩu sang các nước khu vực ASEAN gặp phải rào cản rất lớn về thủ tục hành chính. “Nhiều nước đưa ra các quy định phức tạp, lòng vòng bởi liên quan của nhiều ban ngành khác nhau. Có khi mất gần cả tháng mới xong được thủ tục và điều này làm chậm việc nhập khẩu hàng hóa vào nước sở tại. Hầu như lô hàng nhập khẩu nào cũng phải làm các thủ tục như nhau. Đây cũng là một cách để hạn chế nhập khẩu của các nước. Bên cạnh đó việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng được quy định chặt chẽ nên để xuất khẩu được, hàng hóa VN phải đảm bảo về chất lượng và đúng theo tiêu chí kỹ thuật", ông Thái thông tin.
Trong nước bị thép Trung Quốc lũng đoạn
Trong khi xuất khẩu thép bị làm khó ở nhiều thị trường thì ngay tại nội địa, thép ngoại đang tràn ngập và lũng đoạn thị trường. Đặc biệt là thép chứa Bo chủ yếu từ Trung Quốc tràn vào nội địa, chiếm mất thị phần của các nhà sản xuất trong nước, làm thất thu thuế của nhà nước.
Thép chứa Bo khi nhập vào VN được xác định là thép hợp kim, cho nên thuế nhập khẩu giảm từ 5% xuống 0%. Thực tế loại thép này không phải là thép hợp kim mà nhà sản xuất chỉ cho thêm một lượng Bo nhất định nhưng khai man để trốn thuế. Dù đã có nhiều quy định để kiểm tra song số lượng nhập khẩu hầu như không giảm. “Làm như vậy khiến cho DN sản xuất trong nước bị mất thị phần, người tiêu dùng bị mua phải hàng kém chất lượng và nhà nước bị thất thu thuế”, ông Đỗ Duy Thái nói.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần nhận định: Hiện nhiều quốc gia đã sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp một cách hiệu quả. Song có nhiều quốc gia chưa khai thác lợi thế của các biện pháp này để bảo vệ sản xuất trong nước, trong đó có VN. “Đối với các mặt hàng thép trong nước, nếu VN biết sử dụng phòng vệ để giải quyết được vấn đề nhập khẩu hàng giả, giá rẻ, kém chất lượng sẽ tạo nhiều cơ hội, giữ được thị trường cho DN sản xuất nội địa”.
Ông Nguyễn Văn Sưa cũng cho biết, các nước đều có quyền áp dụng các biện pháp tự vệ chính đáng theo luật WTO. Tuy nhiên, thời gian qua VN hầu như chưa áp dụng nhiều các giải pháp kỹ thuật. Điều đó khiến DN bị cạnh tranh gay gắt ngay từ thị trường nội địa đến thị trường xuất khẩu. Theo ông, bản thân các DN phải tự thân vận động để nghiên cứu và tìm cách né hàng rào phi thuế quan khi xuất khẩu. Nhưng quan trọng nhất là ở thị trường nội địa nhà nước phải xây dựng hàng rào để ngăn chặn các loại hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa gây độc hại cho người dùng. Từ đó tạo môi trường cạnh tranh hơn cho DN trong nước.
Bình luận (0)