Doanh nghiệp thua thiệt vì hàng rào bảo vệ kém: Ngành chăn nuôi lao đao

20/01/2015 04:38 GMT+7

Thị trường nội địa tràn lan thực phẩm nhập khẩu có nguồn gốc động vật, trong khi sản phẩm tương tự của VN lại hết sức nhọc nhằn tìm đường xuất khẩu ra nước ngoài.

Thị trường nội địa tràn lan thực phẩm nhập khẩu có nguồn gốc động vật, trong khi sản phẩm tương tự của VN lại hết sức nhọc nhằn tìm đường xuất khẩu ra nước ngoài.

Sản phẩm chăn nuôi VN đang rất khó xuất khẩu trong khi hàng ngoại thì nhập tràn lan

Sản phẩm chăn nuôi VN đang rất khó xuất khẩu trong khi hàng ngoại thì nhập tràn lan - Ảnh: Q.T

Muốn xuất hàng vào, phải qua 3 bộ

Tháng 11.2014, Cơ quan Kinh tế Đài Loan ban hành quy định tăng cường quản lý 89 mặt hàng dầu mỡ do sự cố về dầu mỡ dùng làm thực phẩm bị ô nhiễm tại lãnh thổ này. Trường hợp này chỉ liên quan đến một doanh nghiệp (DN) nhỏ của VN, nhưng Đài Loan đã tạm ngưng nhập khẩu toàn bộ mỡ động vật, mỡ heo và magarine dùng làm thực phẩm từ VN. Sau quyết định này, để có thể xuất khẩu (XK) vào Đài Loan, DN VN phải được sự đồng ý của Cơ quan Kinh tế, Cơ quan Y tế và Phúc lợi, Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan. Bộ Y tế VN đã có công văn gửi cơ quan thẩm quyền Đài Loan để phản đối quyết định tạm ngưng nhập khẩu này, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Đây là trường hợp gần nhất mà sản phẩm động vật của VN bị vấp rào cản kỹ thuật ở thị trường XK.

VN xuất khẩu luôn bị các rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá gây khó dễ, thậm chí không thể xuất đi được. Trong khi thị trường nội địa lại hết sức dễ dãi, hoàn toàn không có một rào cản nào để bảo hộ ngành chăn nuôi trong nước.

Đây chính là cái chết của ngành chăn nuôi VN

Ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ

Mặc dù là một nước nông nghiệp với tỷ trọng chăn nuôi ngày càng tăng nhưng đến nay mới chỉ có 5 loại sản phẩm có nguồn gốc động vật của VN XK tương đối ổn định là mật ong (trung bình mỗi năm xuất 30.000 - 35.000 tấn), các sản phẩm sữa chế biến của Vinamilk, TH milk; trứng muối, trứng tươi và thịt (chủ yếu xuất tiểu ngạch thịt heo sang Trung Quốc).

Ông Đàm Văn Hoạt, Giám đốc Công ty TNHH Trại Việt (Vietfarm), kể: “Chúng tôi có tiếp xúc một số khách hàng tại Hồng Kông nhưng tiêu chuẩn rất gắt gao. Chẳng hạn trứng XK phải lấy từ các trang trại được kiểm soát dịch bệnh, phải có hàm lượng kim loại nặng dưới ngưỡng cho phép và hàng loạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn dịch bệnh và thực phẩm khác”. Ông Trần Nguyễn Hồ, chủ trang trại Nguyễn Hồ tại Tiền Giang, cũng cho biết: “Năm qua tôi XK thành công nhiều lô hàng trứng cút đi Nhật. Yêu cầu của Nhật hết sức khó khăn. Cụ thể, việc nuôi chim cút phải đảm bảo các yêu cầu an toàn sinh học, không có dư lượng kháng sinh trong trứng. Trứng cút sau khi luộc xong lòng đỏ phải nằm giữa trứng (không được nằm lệch một bên), trứng đóng lon sau khi mở ra sử dụng lòng đỏ không được có màng màu đen... Trước khi container đưa sang Nhật còn phải có người kiểm tra, gửi mẫu, đạt các tiêu chuẩn mới cho nhập khẩu vào”.

Sản phẩm thịt của VN hoàn toàn không XK được chính ngạch mà chủ yếu chỉ xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc với số lượng hạn chế, không ổn định. Cuối năm 2014, thị trường Nga gặp biến động và nước này ngỏ ý muốn nhập 500.000 tấn thịt heo của VN. Tuy nhiên, do giá thành thịt heo VN cao, DN trong nước cũng không đáp ứng được những yêu cầu rất cao từ Nga nên cuối cùng Nga quay sang mua của Thái Lan.

Tự “cột chân”

Hầu như không XK được, ngành chăn nuôi VN còn rất chật vật ngay trên sân nhà vì phải cạnh tranh với nguồn thịt ngoại nhập tràn về. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2014 VN nhập chính ngạch 250.000 con trâu bò sống, nếu tính luôn lượng nhập qua biên giới 50.000 con thì tổng cộng trâu bò sống nhập khẩu lên đến 300.000 con. Bên cạnh đó, VN còn nhập hơn 3.200 tấn thịt heo đông lạnh, 90.000 tấn thịt gia cầm, dê, cừu.

Ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, nhận định: “VN XK đi luôn bị các rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá gây khó dễ, thậm chí không thể xuất đi được. Trong khi thị trường nội địa lại hết sức dễ dãi, hoàn toàn không có một rào cản nào để bảo hộ ngành chăn nuôi trong nước. Đây chính là cái chết của ngành chăn nuôi VN. Dễ thấy nhất là sản phẩm thịt gà. Nước ngoài họ không sử dụng đùi, cánh gà nên chúng được coi là phụ phẩm, nhưng nó lại được nhập về VN thoải mái. Ngay cả thịt gà đẻ quá lứa cũng được nhập về. Chính vì chúng ta quản lý không chặt nên thịt ngoại mặc nhiên tung hoành khiến chăn nuôi trong nước thua lỗ”.

Cũng theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, trong khi bỏ lỏng các giải pháp bảo hộ thì quy định mới của cơ quan quản lý lại đang gây khó cho chính người chăn nuôi. Cụ thể là quy định nước thải từ trại chăn nuôi có quy mô 1.000 con heo trở lên bắt buộc phải đạt loại A, nghĩa là con người có thể uống được. Tại các tỉnh Đông Nam Bộ, quy định này đang kìm hãm sự phát triển của chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Đầu tư mỗi hệ thống xử lý như thế tốn khoảng 5 tỉ đồng. Chính vì thế, nhiều chủ trang trại ở Đông Nam bộ chỉ dám đầu tư nuôi dưới 1.000 con, không dám tăng đàn.

Ông Âu Thanh Long kiến nghị: “Thịt ngoại đang tràn về gây thiệt hại cho chăn nuôi trong nước, nếu tiếp tục cứng nhắc áp dụng quy định xử lý chất thải đạt loại A thì chi phí sản xuất đội lên thêm nữa, sản phẩm chăn nuôi sẽ không cạnh tranh nổi với thịt ngoại tại nội địa, nói gì đến XK ra nước ngoài. Hiện nay, Thái Lan và nhiều nước tiên tiến khác quy định nước thải chỉ cần ủ và lọc qua hầm biogas là có thể tưới cho cây công nghiệp, nông sản... trong khi VN lại không cho phép. Tại sao chúng ta lại tự làm khó DN của mình khi đặt ra quy định bất hợp lý này?”.

 

Đối mặt “người khổng lồ”

Đáng lo là theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, đến năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu nông sản từ ASEAN sẽ giảm xuống 0% (hiện nay là 5%). Ngành chăn nuôi sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan, một nước rất mạnh trong lĩnh vực này.  Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Tổng giám đốc Công ty chăn nuôi C.P VN, cho biết: “Thái Lan đã định hướng ngành chăn nuôi hướng về XK từ cách đây rất lâu. Một trong những điều kiện tiên quyết để XK vào các thị trường khó tính như EU là vùng nuôi phải an toàn dịch bệnh, không tiêm vắc xin trên sản phẩm chăn nuôi. Chính vì lấy tiêu chuẩn xuất vào châu Âu để áp dụng cho ngành chăn nuôi trong nước nên đến nay Thái Lan xuất khá nhiều thịt vào các thị trường khó tính. Đồng thời, hàng rào kỹ thuật này đã ngăn thịt đông lạnh từ các nước không thể thâm nhập thị trường Thái Lan. Khi dỡ bỏ hàng rào thuế quan thì nguồn thịt từ Thái có thể sẽ gây áp lực đến thị trường VN”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.