Doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sẽ tham gia đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Mai Hà
Mai Hà
13/11/2024 14:28 GMT+7

Bộ GTVT đã làm việc với một số doanh nghiệp tư nhân lớn và một số doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng - đây sẽ là các doanh nghiệp quốc gia, được tham gia chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá đường sắt tốc độ 350 km/giờ là công nghệ tiên tiến, hiện đại. Trên thế giới chỉ có 4 nước làm chủ công nghệ này, nên việc chuyển giao công nghệ phụ thuộc vào nước ngoài.

Doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sẽ tham gia đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam- Ảnh 1.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng

ẢNH: GIA HÂN

Ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam hiện nay chỉ sản xuất được tà vẹt, toa xe của đường sắt khổ 1.000 mm với tốc độ dưới 120 km/giờ.

Cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá cụ thể khả năng tiếp nhận công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam. "Trường hợp nếu không được nước ngoài chuyển giao công nghệ thì giải pháp thay thế cũng như khả năng tự chủ, nội địa hóa công nghệ đường sắt tốc độ cao của Việt Nam ra sao", Ủy ban Kinh tế nêu.

Theo đó, cần đánh giá để có giải pháp phù hợp bảo đảm đáp ứng mục tiêu tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ như yêu cầu của T.Ư.

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ sáng 13.11, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trước đây chúng ta nói rất nhiều về chuyển giao công nghệ, yêu cầu đối tác chuyển giao "nhưng không rõ chuyển cho ai, dẫn đến chưa thực hiện thành công".

Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ GTVT đã triển khai chủ động, lựa chọn một số doanh nghiệp lớn để chỉ định hợp tác và nhận chuyển giao.

"Bộ GTVT đã tiếp xúc làm việc với một số doanh nghiệp tư nhân lớn và một số doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng để sau này khi triển khai sẽ chỉ định đây là các doanh nghiệp quốc gia, được tham gia chuyển giao công nghệ", ông Thắng nói.

Bộ trưởng GTVT nói gì về nỗi lo đường sắt tốc độ cao 'lỡ hẹn' như metro?

Còn về chuyển giao công nghệ gì, theo lãnh đạo Bộ GTVT, phải lựa chọn vấn đề gì cốt tử để nhận chuyển giao. "Việc chuyển giao công nghệ lõi là chưa cần thiết vì nhu cầu xây thêm trong nước chưa cao, chúng ta chưa hy vọng có thêm các tuyến đường sắt cao tốc khác nữa", ông nói.

Trong khi đó, công nghệ thi công xây dựng, sản xuất đầu máy toa xe và đặc biệt là bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, là phải chuyển giao được. Đây là vấn đề cốt tử vì việc bảo trì, bảo dưỡng nâng cấp tốn rất nhiều kinh phí, chi phí. Nếu phụ thuộc đối tác nước ngoài thì rất tốn kém. Cho nên, dứt khoát doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ.

2 doanh nghiệp vận hành đường sắt tốc độ cao

Vê việc quản lý, vận hành khai thác dự án, ông Thắng cho biết, dự kiến khi triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sẽ có 2 doanh nghiệp tương đối độc lập tách ra từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, gồm một doanh nghiệp phụ trách hạ tầng, một doanh nghiệp phụ trách việc khai thác. Với kinh nghiệm vận hành hiện nay thì không phải trở ngại lớn.

Doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sẽ tham gia đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam- Ảnh 2.

Phối cảnh dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

NGUỒN: BỘ GTVT

Đặc biệt, công tác đào tạo đang được chuẩn bị cực kỳ công phu và cực kỳ lớn nên năng lực vận hành không quá đáng lo.

Được biết, Bộ GTVT đã làm việc với một số cơ quan, doanh nghiệp trong nước như Tổng cục Công nghiệp (Bộ Quốc phòng), Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Thành Công... để định hướng các doanh nghiệp có chiến lược và chủ động chuẩn bị nguồn lực tham gia quá trình triển khai và phát triển công nghiệp đường sắt.

Trước đó, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cũng đề xuất định hướng phát triển công nghiệp đường sắt đến năm 2045 theo 4 bước.

Cụ thể gồm: làm chủ về công nghiệp xây dựng; lắp ráp trong nước và từng bước nội địa hóa phương tiện đối với đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; sản xuất trong nước và từng bước nội địa hóa linh kiện phần cứng, phần mềm về thông tin, tín hiệu và hệ thống cấp điện; làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì, sửa chữa đường sắt tốc độ cao.

Để phát triển công nghiệp đường sắt trong nước, Bộ GTVT cũng đề xuất một số cơ chế chính sách cần thiết như danh mục sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác phục vụ dự án thuộc đối tượng giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc doanh nghiệp Việt Nam khác được đặt hàng cung cấp sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác.

Chủ đầu tư phải quy định điều khoản cụ thể về lộ trình, nội dung chuyển giao công nghệ đối với tổng thầu, nhà thầu; ưu tiên lựa chọn tổng thầu, nhà thầu cam kết chuyển giao công nghệ mới, hiện đại...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.