Doanh nghiệp thủy sản hoang mang với quy định 'không trộn lẫn nguyên liệu'

14/05/2024 18:09 GMT+7

VASEP cho rằng, quy định không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản khai thác trong nước vào một lô hàng xuất khẩu trong Nghị định số 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19.5 đang khiến doanh nghiệp hoang mang, lo lắng.

Ban hành danh mục hải sản được miễn trừ xác nhận

Ngày 13.5, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ký văn bản gửi Bộ NN-PTNT kiến nghị một số quy định bất cập trong Nghị định 37/2024/NĐ-CP, sẽ có hiệu lực từ ngày 19.5.

Nghị định 37/2024NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19.5 đang khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hoang mang, lo lắng

Nghị định 37/2024NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19.5 đang khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hoang mang, lo lắng

THANH NIÊN

Các doanh nghiệp cho rằng, Nghị định 37/2024NĐ-CP không có quy định và danh mục loại trừ là bất cập. Cụ thể, danh mục các sản phẩm được miễn trừ việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác được quy định tại trong Thông tư 50/2015 của Bộ NN-PTNT và tương đồng với danh mục loại trừ của Ủy ban châu Âu (EC)  về sản phẩm nuôi trồng, một số sản phẩm khai thác biển đặc thù khác. 

Theo đó, các lô sản phẩm thủy sản thuộc danh mục trên xuất khẩu sang EU trước 1.1.2019 không phải làm các thủ tục xác nhận giấy S/C và giấy C/C.

Tuy nhiên, Thông tư 50/2015 bị thay thế hoàn toàn bởi Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 1.1.2019 không còn quy định về danh mục các sản phẩm thủy sản được miễn trừ việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác. Nghị định 37/2024 cũng không có quy định và danh mục loại trừ này. 

Điều này đồng nghĩa là nhiều sản phẩm có nguồn gốc nuôi trồng hoặc sản phẩm khai thác ở vùng nước ngọt sẽ không còn được loại trừ mà sẽ thuộc trong danh mục phải thực hiện đầy đủ quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo (IUU) bao gồm cả xác nhận, chứng nhận cho lô hàng xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, EU vẫn còn nguyên danh mục các sản phẩm được loại trừ, không phải thực hiện xác nhận, chứng nhận.

Theo đó, VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét ban hành danh mục các sản phẩm thủy sản được miễn trừ việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác theo yêu cầu thị trường, đảm bảo kiểm soát quy định về IUU theo đúng luật Thủy sản của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Danh mục này sẽ giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện IUU đúng, đủ và hiệu quả; tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu sang EU và các thị trường có yêu cầu kiểm soát về IUU.

Quy định khó hiểu, gây tốn kém chi phí

Cũng theo VASEP, quy định không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu trong Nghị định 37/2024/NĐ-CP đang gây hoang mang cho doanh nghiệp. 

Khi các doanh nghiệp không biết khái niệm "trộn lẫn nguyên liệu" trong "cùng một lô hàng xuất khẩu" được hiểu như thế nào mới đúng. Cụ thể tại luật Thủy sản (2017), Nghị định 26/2019, Nghị định 37/2024 và 38/2024 không thấy có định nghĩa cụ thể về hành vi "trộn lẫn nguyên liệu". 

Thực tế, đối với các doanh nghiệp hải sản việc sản xuất ra thành phẩm của một lô hàng có nguyên liệu từ nhiều loài, nhiều mặt hàng, từ các nguồn khác nhau như khai thác và nhập khẩu là hoàn toàn bình thường, là một thông lệ trong giao thương quốc tế hiện nay. Miễn sao đó là các lô hàng được chứng minh là không IUU, được kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và có đủ giấy tờ cần thiết để xuất khẩu. 

Để chứng minh cho bất cập quy định này, VASEP dẫn chứng 2 trường hợp làm ví dụ.

Thứ nhất, theo yêu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp hải sản sản xuất hàng phối trộn (seafood mix) hoặc những sản phẩm giá trị gia tăng - ví dụ như sản phẩm "hải sản xiên que", trong đó một que xiên bao gồm cả cá ngừ, cá dũa (cá ngừ có xuất xứ từ nhập khẩu; cá dũa thu mua trong nước). Các loại nguyên liệu này đều không IUU, truy xuất được và có đủ giấy tờ cần thiết. 

Nếu thực hiện quy định kể trên, doanh nghiệp bắt buộc phải tách các miếng cá ra khỏi que; những miếng cá nào có nguồn gốc nhập khẩu thì đóng vào 1 container riêng; những miếng cá nào từ nguồn khai thác trong nước sẽ đóng vào container khác, kèm với số que để xiên. Khi các container riêng rẽ sang được các nước nhập khẩu, khách hàng phải tự lấy 2 loại cá để xiên vào que thành sản phẩm "hải sản xiên que" theo đúng quy cách yêu cầu.

Thứ hai là thực tế hiện nay, vấn đề "container ghép" là khá phổ biến và là thông lệ thương mại quốc tế. Ví dụ khách hàng có thể đặt và yêu cầu giao 1 container gồm: 10 tấn cá ngừ, 5 tấn cá phèn và 5 tấn cá nục. Cá ngừ thì từ nguồn nhập khẩu, cá phèn, cá nục thì thu mua trong nước. Tất cả đều có giấy tờ chứng minh hợp pháp, hợp lệ, không vi phạm. Nếu doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Nghị định 37/2024 thì bắt buộc phải tách container trên ra thành 2 container: tách 10 tấn cá ngừ ra đóng riêng vào 1 container, và số cá phèn, cá nục đóng riêng vào container thứ 2.

Từ những dẫn chứng trên, VASEP khẳng định, quy định không trộn lẫn nguyên liệu không chỉ khiến doanh nghiệp phải trả gấp đôi chi phí logistics và cước tàu vận chuyển đường biển ra nước ngoài mà còn phát sinh gấp đôi nguồn lực, chi phí quản lý, thông quan của cả doanh nghiệp cùng nhà nhập khẩu ở nước ngoài. Đặc biệt, VASEP và các doanh nghiệp chưa thấy phương thức, quy định này ở các nước đang cùng xuất khẩu hải sản khai thác vào EU.

Cũng trong văn bản gửi Bộ NN-PTNT, VASEP phân tích bất cập trong quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên; quy định thông báo trước 72 giờ (đối với tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thủy sản) và 48 giờ (đối với tàu container nhập khẩu) tại Nghị định 37/2024NĐ-CP...

Theo VASEP, khi hiệu lực của 2 nghị định sắp đến gần, doanh nghiệp hải sản khai thác có nhiều lo lắng, hoang mang và mong muốn Bộ NN-PTNT làm rõ; kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét, chỉ đạo rà soát, tháo gỡ bất cập, vướng mắc trong Nghị định 37/2024NĐ-CP, Nghị định 38/2024 để thực hiện hiệu quả, kiểm soát tốt các quy định IUU, góp phần quan trọng gỡ thẻ vàng.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.