Theo phản ánh của các doanh nghiệp đang xuất khẩu tôm, hiện có một bất cập lớn do quy định quá nghiêm ngặt của Nhật Bản so với nhiều quốc gia khác đối với ngưỡng chấp nhận của chỉ tiêu kháng sinh Doxycycline trong hàng thủy sản xuất khẩu vào Nhật Bản. Điều này đang gây khó khăn và bất lợi rất lớn cho thủy sản của Việt Nam, vì kháng sinh này vẫn được phép sử dụng trong nuôi thủy sản ở Việt Nam.
VASEP cho biết, nhiều nước không cấm sử dụng kháng sinh Doxycycline (thuộc nhóm Tetracycline) trong nuôi thủy sản và không kiểm tra dư lượng của kháng sinh này trong sản phẩm thủy sản nuôi nhập khẩu. Một số thị trường như EU, Trung Quốc, New Zealand có kiểm tra chỉ tiêu này nhưng đều quy định mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) là 100 ppb. Đây là mức được cho phù hợp, có đánh giá rủi ro, thủy sản nuôi có kiểm soát chặt của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được.
Tuy nhiên, Nhật Bản mới chỉ quy định mức tối đa cho phép của Doxycycline trong sản phẩm của Bộ cá vược (Perciformes) là 50ppb và chưa quy định mức MRL đối với các sản phẩm thủy sản khác. Theo quy định hiện hành của Nhật Bản thì đối với các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh chưa có quy định mức MRL sẽ áp dụng chung mức 10 ppb (Uniform limit) cho các chỉ tiêu này. Điều đó có nghĩa là ngưỡng chấp nhận tối đa của Nhật Bản đối với chỉ tiêu này trong thủy sản nhập khẩu đang nghiêm ngặt hơn 10 lần, chỉ bằng 1/10 ngưỡng chấp nhận tối đa của nhiều thị trường khác.
Trước bất cập này, VASEP kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét, có ý kiến với cơ quan kiểm soát của Nhật Bản để phía Nhật Bản điều chỉnh quy định về giới hạn tối đa cho phép (MRL) đối với kháng sinh Doxycycline ngang bằng với mức của các quốc gia khác như EU, Trung Quốc, New Zealand đang kiểm soát.
Bình luận (0)