Xuất khẩu thủy sản và 10 tỉ USD

08/01/2024 06:34 GMT+7

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản không đạt kế hoạch nhưng năm 2024 toàn ngành vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 10 tỉ USD. Cơ sở nào để ngành này lạc quan như vậy, khi theo dự báo kinh tế vẫn đang đối diện khó khăn?

Nhọc nhằn về đích

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2023 ước đạt 9,2 tỉ USD, đạt 92% so với kế hoạch, giảm 8% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu tôm khoảng 3,45 tỉ USD, cá tra khoảng 1,9 tỉ USD, cá ngừ đạt 900 triệu USD, nhuyễn thể 800 triệu USD. Đáng nói, Ủy ban châu Âu (EC) vẫn tiếp tục giữ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản khai thác của VN. Do vậy, trong năm 2024 nhiệm vụ phát triển xuất khẩu thủy sản sẽ trở nên khó khăn hơn.

Xuất khẩu thủy sản và 10 tỉ USD- Ảnh 1.

Ngành thủy sản tự tin đạt kim ngạch 9,5 - 10 tỉ USD năm 2024

Q.T

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, thừa nhận kết quả kinh doanh năm 2023 chỉ bằng 85-90% so với năm 2022. Chính vì vậy, Sao Ta đã phải điều chỉnh doanh thu giảm 17,5% so với kế hoạch đầu năm, tương ứng giảm 1.030 tỉ đồng, còn 4.870 tỉ đồng. Với diễn biến thị trường hiện nay, ngành tôm cũng chỉ giữ mức chỉ tiêu giảm này cho năm 2024.

Xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu 10 tỉ USD

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cũng cho rằng ngành thủy sản còn phải đối mặt với những vấn đề, hạn chế tồn tại từ năm 2023. Đó là các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quan trắc môi trường còn thiếu, chưa đồng bộ, hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, bảo quản sản phẩm chưa cải tiến. Hiệu quả của hoạt động khai thác còn thấp, nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường, gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm, giá bán sản phẩm cũng giảm, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm theo. Không những vậy, vấn đề cung ứng và kiểm soát con giống trong nuôi trồng và vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn còn nhiều tiềm ẩn ở các vùng nuôi, đặc biệt là tại một số tỉnh khu vực ĐBSCL.

Đáng lo ngại, một trong những mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu khá cao là tôm hùm lại đang gặp ách tắc tại thị trường Trung Quốc. Cụ thể, phía Trung Quốc không cho phép nhập khẩu tôm hùm bông khai thác tự nhiên, chỉ nhập khẩu tôm hùm bông nuôi và phải chứng minh cơ sở nuôi được cấp phép từ phía chính quyền của nước xuất khẩu và được cả cơ quan chức năng Trung Quốc đồng ý (giống như mã số vùng trồng đối với sầu riêng); con giống cũng phải được sinh sản nhân tạo, nếu được khai thác từ tự nhiên đưa vào nuôi thì cũng bị xem là sản phẩm tôm hùm tự nhiên. Đây là rào cản rất khó vượt qua vì hiện tại VN chưa có cơ sở nuôi tôm hùm nào được cấp phép, cấp mã số, nên có thể xem như đang mất trắng thị trường tiêu thụ sản phẩm này.

Tăng trưởng bằng cách nào ?

Trong bối cảnh nói trên, Bộ NN-PTNT vẫn tiếp tục đặt mục tiêu chinh phục mốc kim ngạch 10 tỉ USD trong năm 2024. Liệu con số này có vượt quá thực tế?

Xuất khẩu thủy sản và 10 tỉ USD- Ảnh 2.

Xuất khẩu tôm dự báo sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2024

C.T.V

Tại hội nghị ngành hàng cá tra VN được tổ chức mới đây ở tỉnh An Giang, bà Trần Thị Hoàng Thư, Giám đốc khối kinh doanh Công ty CP Vĩnh Hoàn - một trong những đơn vị xuất khẩu cá tra lớn nhất VN, đánh giá: "Dù thị trường ngành hàng thủy sản nói chung và cá tra nói riêng năm nay gặp rất nhiều khó khăn nhưng thời điểm hiện nay đang có một số tín hiệu tích cực. Khách hàng từ các thị trường nhập khẩu đang quan tâm nhiều hơn đối với sản phẩm cá tra. Đặc biệt, tháng 11 vừa qua, EU thông qua quy định mới khiến cá minh thái và cá tuyết có xuất xứ từ Nga bị áp thuế 13,7% chứ không được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế 0% nữa. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng đang xem xét đạo luật cấm hoàn toàn cá thịt trắng và thủy sản có nguồn gốc từ Nga nhập khẩu vào Mỹ. Đây cũng là cơ hội cho ngành hàng cá tra VN trong năm 2024".

Bên cạnh đó, với kết quả đánh giá tốt về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm cho cá tra VN của Cơ quan kiểm dịch và an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong đợt thanh tra vừa qua, cùng với mức thuế thấp trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 19 (POR19) cũng đặt nhiều hy vọng cho doanh nghiệp cá tra thâm nhập thị trường Mỹ năm nay. Từ những tín hiệu thị trường như nêu trên, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra VN năm 2024 đạt 2 tỉ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2023.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), chia sẻ: "Mặc dù kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Xung đột Nga - Ukraine, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị khác trên thế giới chắc chắn làm xáo trộn thương mại toàn cầu, trong đó có thủy sản. Cụ thể là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng... có thể gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Vì thế, dự đoán chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn tới hết nửa đầu năm 2024. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Mỹ hồi phục chậm và bị cạnh tranh bởi tôm giá rẻ của Ecuador. Thị trường Trung Quốc phục hồi mạnh hơn nhưng trả giá thấp".

"Ngành xuất khẩu tôm tiếp tục cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung. Tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới nửa đầu năm 2024. Bù lại ngành cá tra có thêm tín hiệu tốt khi tồn kho tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU đã giảm đáng kể, giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại ở các thị trường này. Ngoài ra, các sản phẩm phi lê đông lạnh, cá tra chế biến sâu và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra) tiếp tục tăng", bà Lê Hằng cho biết thêm.

Theo VASEP, có một số diễn biến về các xu hướng gần đây cho thấy ngành chế biến thủy sản VN sẽ được hưởng lợi. Trong đó xu hướng gia công sẽ tăng lên sau khi ngành chế biến thủy sản Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức và động thái của Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản khiến các nhà máy Nhật Bản đổ xô sang VN tìm đối tác gia công. Ngoài ra, sự tăng trưởng của ngành chế biến surimi và bột cá đang ngày càng mạnh mẽ.

Mặc dù năm 2023 ngành hàng này sụt giảm 28% nhưng về lâu dài, ngành sản xuất, xuất khẩu surimi đang và sẽ phát triển mạnh vì được đánh giá là sản phẩm thủy sản phổ biến, được sử dụng như thành phần quan trọng trong một số món ăn, đặc biệt là trong ẩm thực châu Á. Ngoài ra, người tiêu dùng ưa chuộng surimi vì giá trị dinh dưỡng cao, thời hạn sử dụng phù hợp. Hiện VN có hơn 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng chả cá và surimi.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, cho biết: Nếu xếp hạng theo tiêu chí kim ngạch xuất khẩu thì hiện nay ngành tôm đang đứng đầu với 3,45 tỉ USD, tiếp theo là cá tra khoảng 1,9 tỉ USD. Nhưng vị trí thứ 3 là cá ngừ lại có sự chênh lệch, với 900 triệu USD. Trong tương lai không xa, ngành surimi và bột cá hoàn toàn có thể vươn lên soán ngôi vị trí này. "Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường, dự đoán các DN thủy sản sẽ giúp doanh số xuất khẩu của ngành hồi phục trở lại mức 9,5 - 10 tỉ USD trong năm 2024. Trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỉ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỉ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 - 3,8 tỉ USD", ông Nam tự tin.

Theo Bộ NN-PTNT, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức, rào cản lớn, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu thủy sản sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập khi các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Trong đó, những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.