Xuất khẩu thủy sản có kịp về đích?

07/11/2023 06:08 GMT+7

Trong nhiều năm qua, ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản luôn đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn. Năm nay, trong bối cảnh tình hình tiêu thụ trên thế giới giảm sút, liệu ngành này có về đích đúng hẹn?

Tôm dư thừa trên toàn cầu, giá giảm

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), tính đến hết tháng 10.2023, ngành hàng tôm chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu thủy sản với giá trị trên 2,8 tỉ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 10, xuất khẩu tôm đạt khoảng 320 triệu USD, giảm 11% so với tháng 10.2022.

Xuất khẩu thủy sản có kịp về đích ? - Ảnh 1.

Xuất khẩu thủy sản đang nỗ lực về đích với mục tiêu 10 tỉ USD cả năm 2023

CHÍ NHÂN

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, chia sẻ: "Diễn biến xuất khẩu tôm trong những tháng cuối năm và năm 2024 phụ thuộc phần lớn vào những biến động trên thị trường Mỹ. Khối lượng nhập khẩu tôm vào thị trường này đang bắt đầu hồi phục, tuy nhiên, giá tôm ở thị trường Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của VN và cả ngành tôm Ấn Độ. Ngành thủy sản đã trong tình trạng dư thừa tôm trên toàn thế giới trong hơn một năm. Tại Mỹ, EU và Trung Quốc, giá nhập khẩu trung bình năm 2023 đã giảm lần lượt là 13,4%, 10% và 2,7%. Tuy nhiên, điều an ủi là dự báo tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tại Mỹ sẽ khả quan hơn trong tháng 11 và 12 này".

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty thực phẩm Sao Ta, cũng dự báo: "Thị trường toàn cầu hiện đã qua cao điểm thu hoạch tôm nuôi, nhưng nguồn cung ứng tôm thành phẩm vẫn dồi dào, chủ yếu do lượng hàng tồn kho trước đó. Điều này khiến giá tôm tiêu thụ còn duy trì mức thấp, tuy có lợi cho người tiêu dùng nhưng gây thiệt hại lớn cho người nuôi, và có thể ảnh hưởng tiêu cực cho chuỗi cung ứng tôm sau này. Mặc dù hàng tồn kho của một số "đối thủ" chính của tôm VN như Ecuador và Ấn Độ còn ở mức khá cao, nhưng chủ yếu là hàng sơ chế. Do đó hàng chế biến sâu vốn là lợi thế của ngành tôm VN có điều kiện thuận lợi để bứt phá trong những tháng cuối năm 2023". Theo ông Lực, lợi nhuận cả năm 2023 của doanh nghiệp này mặc dù đối diện bối cảnh giá tôm quá thấp nhưng cũng sẽ đạt ít nhất 90% so với năm 2022.

Đối với mặt hàng cá tra, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10 đạt 189 triệu USD, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung đến hết tháng 10, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,5 tỉ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo VASEP, nhu cầu cá tra của thị trường Mỹ cũng đang hồi phục. Hiện nay Bộ Nông nghiệp Mỹ đang tìm mua 5,96 triệu pound phi lê cá tra, cá da trơn đông lạnh để sử dụng trong các chương trình phân phối thực phẩm trong nước. Đây là thương vụ mua cá da trơn lớn thứ 3 của cơ quan này trong năm 2023. 

Trong khi đó, nhu cầu cá tra ở Trung Quốc đã giảm đáng kể kể từ đầu năm 2023, nhưng doanh số bán phi lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt hơn ở thị trường này... Tương tự, xuất khẩu cá ngừ và cua ghẹ trong tháng 10 vừa qua cũng có chiều hướng khả quan hơn với mức tăng trưởng 2 con số, tăng lần lượt 13% và 40% so với cùng kỳ, đạt 87 triệu USD và 28 triệu USD. Tính đến hết tháng 10, cá ngừ đã mang về lượng ngoại tệ 704 triệu USD, giảm 20% và cua ghẹ thu về 164 triệu USD, ít hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng khác như mực, bạch tuộc và nhuyễn thể có vỏ vẫn tăng trưởng âm từ 10 - 13% trong tháng 10; các loại cá biển khác trừ cá ngừ đạt khoảng 1,6 tỉ USD, giảm 8%...

Đại diện truyền thông VASEP nhận định: "Tiêu thụ cá ngừ, mực, bạch tuộc và một số hải sản cao cấp trên thế giới tiếp tục bị tác động bởi các điều kiện kinh tế giảm, lạm phát cao, người tiêu dùng chi tiêu thận trọng. Để hầu hết người tiêu dùng vẫn tiếp cận được các sản phẩm hải sản phổ biến và cao cấp, các nhà chế biến và kinh doanh thủy sản đang có xu hướng đóng gói sản phẩm kích cỡ nhỏ hơn, giá phù hợp với túi tiền của mọi tầng lớp thu nhập. Xu hướng này hy vọng sẽ kích cầu hải sản tốt hơn trong thời gian tới".

Khó về đích đúng hẹn

Đầu năm 2023, Bộ NN-PTNT đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 là trên 10 tỉ USD. Theo VASEP, nếu tình hình tiêu thụ thuận lợi, các đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới sôi động hơn thì tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 có thể sẽ đạt trên 9 tỉ USD, giảm 15 - 16% so với năm 2022. Với kịch bản lạc quan này, dự báo tôm sẽ thu về lượng ngoại tệ khoảng 3,5 - 3,6 tỉ USD, giảm 16 - 18% so với cùng kỳ năm trước. Cá tra cũng giảm 28% và đạt 1,7 - 1,8 tỉ USD. 

Xuất khẩu cá ngừ, mực, bạch tuộc sẽ giảm khoảng 14 - 15%, đạt lần lượt 870 triệu USD và 650 triệu USD. Xuất khẩu cá biển sẽ ước đạt 1,9 - 2 tỉ USD, giảm nhẹ so với năm 2022. Với kịch bản kém lạc quan hơn, khi thị trường đã có tín hiệu phục hồi, nhu cầu tăng trở lại, nhưng hàng thủy sản của VN vẫn khó cạnh tranh về giá và nguồn cung với các nước khác như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… có thể dẫn đến dự đoán xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 có thể chỉ mang về khoảng 8,5 - 8,7 tỉ USD. Trong đó, sụt giảm sâu nhất vẫn nằm ở hai ngành hàng cá tra và tôm.

Xuất khẩu thủy sản có kịp về đích ? - Ảnh 2.

Kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay dự báo giảm 15 - 20% so với năm 2022

CÔNG HÂN

Để thúc đẩy động lực xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho rằng: "Điều quan trọng là các doanh nghiệp thủy sản trong nước cần tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ với các nhà nhập khẩu, trên cơ sở phải giữ cho được các thị trường có nhu cầu lớn. Từ đó có thể xuất khẩu mạnh trong giai đoạn phục hồi. Bên cạnh đó, cần phải có các hoạt động xúc tiến thương mại trên cơ sở làm sao mở rộng được thị trường. Đặc biệt là với thị trường Trung Quốc trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Vì rõ ràng, đây là thị trường có sức phục hồi tương đối nhanh trong thời gian tới".

Tại hội nghị thúc đẩy xuất khẩu thủy sản do Bộ Công thương tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phân tích: "Các tháng cuối năm 2023 và năm tiếp theo, tình hình thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp và khó lường về địa chính trị, gây ảnh hưởng đến sự ổn định toàn cầu, làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng giảm ở nhiều nước, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của ngành thủy sản VN như Mỹ, EU, nhóm thị trường CPTPP… Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và khai thác thị trường do việc gia tăng các rào cản thương mại, yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm, bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng, nhất là tại các thị trường tiêu thụ chủ lực như nhóm thị trường EVFTA, Mỹ…". 

Đề nghị các Thương vụ VN ở nước ngoài tiếp tục chủ động nắm bắt, phân tích chính sách, nhu cầu thị trường để cung cấp thông tin kịp thời cho hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; đồng thời tham mưu cho Bộ Công thương để hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản VN. Cục Xúc tiến thương mại cần tăng cường phối hợp để thúc đẩy hoạt động đa dạng hóa thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần tiếp tục tuân thủ quy định của nhà nước, đảm bảo truy xuất nguồn gốc góp phần thúc đẩy phát triển ngành thủy sản nói riêng và phát triển nền kinh tế nói chung.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.