Doanh nghiệp thủy sản nỗ lực vượt khó

28/03/2023 06:37 GMT+7

Tính đến hết quý 1/2023, tình hình xuất khẩu thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp trong ngành này đang tích cực tìm kiếm thị trường mới cũng như mở thêm các thị trường ngách để tồn tại.

Khó khăn bủa vây 

Ngày 27.3, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp (DN) đầu ngành trong lĩnh vực thủy sản để tìm hướng giải quyết khó khăn. Tại cuộc họp, nhiều DN cho biết tình trạng thiếu vốn và khó tiếp cận vốn vay ngân hàng trong khi cơ cấu vốn nguyên liệu của những công ty thủy sản nhỏ và vừa chiếm tới 80%. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm. Chưa kể, DN còn chịu sự cạnh tranh từ những đối thủ xuất khẩu mặt hàng thủy sản với chi phí thấp và giá bán rẻ hơn như Ecuador hay Ấn Độ. Hệ quả là lượng hàng tồn kho tăng, trong khi đó khâu bảo quản, logistics của phần lớn DN trong ngành vẫn còn hạn chế.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), giá thức ăn thủy sản là một trong những lý do khiến giá tôm nguyên liệu của VN cao. Trong khi Ecuador ở ngay vùng nguyên liệu, còn VN phải nhập khẩu và phải chịu thuế (2% đối với khô đậu nành). Trước đó, VASEP đã kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu nành xuống 0%. Nếu kiến nghị này được chấp thuận sẽ hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước.

Doanh nghiệp thủy sản nỗ lực vượt khó - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp hy vọng vào thị trường Trung Quốc trong khi các thị trường khác chưa khởi sắc

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), nhận định: Khâu nuôi trồng thủy sản vẫn đang ổn định, chưa phải mùa thu hoạch nên khâu tiêu thụ chưa phát sinh vấn đề gì khó khăn. Đối với thủy sản, thời gian nuôi đến thu hoạch kéo dài, Bộ NN-PTNT không khuyến cáo nông dân giảm hay giãn đàn vào thời điểm này mà chỉ khuyến cáo chung là khi sản xuất phải liên kết chặt chẽ với DN và bên thu mua để bảo đảm đầu ra. 

"Chúng tôi đã được phản ánh về tình trạng thiếu đơn hàng của các DN. Tuy nhiên, khó khăn có thể chỉ trong nhất thời. Hiện nay, nhiều DN cũng chuẩn bị nắm bắt các cơ hội khi thị trường phục hồi", ông Luân nói. Theo Tổng cục Thủy sản, kế hoạch năm 2023 đặt ra mục tiêu đạt tổng sản lượng 8,74 triệu tấn, trong đó khai thác, đánh bắt khoảng 3,58 triệu tấn, nuôi trồng 5,16 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 phấn đấu đạt 10 tỉ USD, giảm 1 tỉ USD so với năm 2022.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN), một trong những DN sản xuất và chế biến tôm lớn ở Sóc Trăng, thừa nhận: "Tình hình thị trường vẫn còn nhiều khó khăn và chưa có tín hiệu nào tích cực. Chúng ta vẫn phải chờ thêm vài tháng nữa. Các DN cũng đang cố gắng cầm cự".

Một DN sản xuất cả mặt hàng tôm và cá tra ở Cần Thơ cho biết, từ tháng 10 năm ngoái, thị trường bắt đầu đi xuống. Đầu năm nay, một số DN phải ngưng hoạt động. "Mới đây, chúng tôi vừa ký được một số đơn hàng nhưng giá giảm khá nhiều so với trước. Giờ khách họ đi xem thì nhiều chứ ký thì rất ít. Còn khách cũ thì lượng hàng ký cũng giảm nhiều so với trước, chỉ nhập hàng cầm chừng. Nay chúng tôi chỉ mong ký được hợp đồng với mức giá hòa vốn để duy trì hoạt động và trả lương cho công nhân. Cũng có trường hợp khách hàng rất tích cực mua nhưng mình không dám bán do họ xin nợ vì không có tiền thanh toán", vị này than thở.

Nhiều DN chế biến thủy sản ở ĐBSCL thông tin, thêm một khó khăn với các DN ngành này là lượng hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu từ năm ngoái đến nay vẫn còn. Hiện kinh tế khó khăn nên họ chưa vội "ăn hàng" mà chủ yếu đang trong giai đoạn thăm dò thị trường. Suy thoái kinh tế khiến USD mất giá và giá cả hàng hóa của VN cũng trở nên đắt đỏ hơn, nên các nhà nhập khẩu dùng chiêu ép giá. 

Để bán được sản phẩm, DN không còn cách nào khác phải giảm giá. Mặt khác, các DN cũng đang phải cạnh tranh với sản phẩm tôm giá rẻ của Ấn Độ và Ecuador. Giá thành tôm nguyên liệu của VN hiện khoảng 170.000 đồng/kg (40 con/kg), trong khi của 2 nước này chỉ khoảng 110.000 đồng/kg. Trước những khó khăn về thị trường, DN cũng gặp khó khăn về vốn vay và lãi suất cao nên không dám mạo hiểm nhập hàng dự trữ. Điều này sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến giá tôm cá nguyên liệu ở ĐBSCL trong thời gian tới.

Doanh nghiệp thủy sản nỗ lực vượt khó - Ảnh 2.

Nguồn: VASEP - Đồ họa: Bảo nguyễn

Thị trường ngách vẫn tăng trưởng

Trong bức tranh khó khăn chung, các DN thủy sản cũng đang nỗ lực tìm giải pháp để giữ nhịp độ sản xuất, kinh doanh. Trong đó, thị trường Trung Quốc với 1,4 tỉ dân mở cửa trở lại cũng là một tín hiệu tích cực cho ngành này.

Ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau), phấn khởi khoe: Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại thị trường, thời gian gần đây khách mua hàng từ Trung Quốc tìm đến các nhà máy khá nhiều. Hiện công ty đang chọn lọc khách hàng ký hợp đồng vì nguồn nguyên liệu thiếu hụt do chưa vào vụ. Đặc biệt là mặt hàng tôm sú rừng ngập mặn Cà Mau, loại 20 con/kg có giá dao động từ 260.000 - 280.000 đồng/kg (tăng nhẹ so với năm 2022) vẫn rất hút khách. Không chỉ tôm sú mà các sản phẩm tôm thẻ chế biến cũng tăng cả lượng và giá. Trong tháng 3.2023, doanh số của công ty tăng khoảng 200% so với cùng kỳ năm trước.

"Điều quan trọng là khách hàng Trung Quốc đã quen và tiếp nhận mức giá mới. Bên cạnh đó, một số thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Đông… cũng đang trong giai đoạn tăng nhập hàng trở lại. Tuy nhiên, bối cảnh chung là các thị trường quan trọng nhất của con tôm VN là Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn còn tiếp tục khó khăn", ông Khoa nói.

Bên cạnh con tôm, trong tháng 2.2023, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn tăng trưởng "đột phá" ở một số thị trường riêng lẻ, thị trường ngách. Cụ thể, tại châu Âu, thị trường Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan đều tăng trưởng cao lần lượt là 58%, 77% và 372%. Bên cạnh đó, thị trường Thái Lan tăng 55%, Israel tăng 131% và Nga tăng 255%. Theo VASEP, bên cạnh sự suy giảm nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường lớn khiến các DN xuất khẩu cá ngừ chuyển dịch sang khai phá các thị trường nhỏ tiềm năng như Phần Lan tăng trưởng 654%, Hàn Quốc tăng 525%, Algeria tăng 363%, Anh tăng 182% hay Úc tăng 104%...

Đặc biệt, để ứng phó với sự khó khăn của thị trường, không chỉ các mặt hàng chủ lực như tôm cá dịch chuyển vào thị trường ngách mà các DN còn đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng trước nay không phải là thế mạnh. Cụ thể trong tháng 2, xuất khẩu các loài nhuyễn thể có vỏ tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10,4 triệu USD. Tính chung 2 tháng, tổng giá trị xuất khẩu nhuyễn thể đạt trên 19 triệu USD, tương đương 2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả ngành thủy sản. Riêng mặt hàng nghêu tăng 22% trong tháng 2 và tăng trưởng mạnh ở các thị trường như Hà Lan, Bồ Đào Nha và Mỹ. Bên cạnh các sản phẩm nhuyễn thể, một số mặt hàng được xem là độc lạ trước nay ít được quan tâm thì trong tháng 2.2023 cũng tăng trưởng ấn tượng như: tép (ruốc) tăng 18%, cá nục tăng 81%, cá đổng tăng 44%, cá hoki tăng 147%, cá lù đù tăng 493%, cá trôi tăng 167%... 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.