Doanh nghiệp Trung Quốc cũng bất ngờ vì không được mở tour tới Việt Nam

10/02/2023 11:01 GMT+7

Chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn trước dịch, Trung Quốc chính thức mở biên giới vào tháng cuối cùng của năm 2022 hy vọng giúp ngành du lịch Việt Nam có bước đột phá phục hồi trong năm mới. Song, danh sách 20 quốc gia mà nước này cho phép tổ chức tour outbound lại bất ngờ vắng bóng Việt Nam.

Hoang mang khi Trung Quốc bất ngờ 'quay xe' không mở tour tới Việt Nam - Ảnh 1.

Thái Lan đã nhanh chóng đón khách Trung Quốc ngay khi nước này mở cửa du lịch trở lại

SCMP

Du lịch lo mất thị trường

Cuối tháng 12.2022, ngành du lịch Việt Nam mừng rỡ đón thông tin Chính phủ Trung Quốc nới lỏng chính sách "zero Covid", chính thức mở cửa du lịch. Lập tức, các đường bay thẳng từ Việt Nam - Trung Quốc được nối lại. Thời điểm đó, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang - doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường khách Trung Quốc - cho biết Liên Bang cùng nhiều đối tác thân thiết tại nước sở tại đã nhanh chóng liên hệ để lên kế hoạch triển khai lại thị trường.

Tới đầu năm 2023, phía doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã tổ chức một số đoàn khảo sát tới Việt Nam và ghi nhận nhu cầu quay trở lại Việt Nam du lịch của khách Trung Quốc rất khả quan. Mặc dù đã xác định trước cũng phải tới quý 1 thị trường du lịch quốc tế Trung Quốc mới có thể khởi động lại nhưng các doanh nghiệp du lịch đã chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy, sẵn sàng đón thị trường lớn nhất quay trở lại.

"Đùng 1 cái, phía Trung Quốc hôm 6.2 thông báo cho phép các công ty lữ hành trong nước tổ chức tour đến 20 nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á nhưng lại không có Việt Nam. Danh sách này khiến cả những doanh nghiệp du lịch Trung Quốc cũng bất ngờ. Chúng tôi đều có chung nhận định có thể do hai bên vẫn còn vướng mắc về hàng rào kỹ thuật, liên quan đến việc cấp visa du lịch, visa điện tử hoặc quy định các đoàn khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam phải thông qua các công ty trong nước bảo lãnh. Nói chung, doanh nghiệp cả hai nước đều đang rất bị động và hoang mang" - ông Thành nói.

Cũng theo ông Từ Quý Thành, so với các nước trong danh sách mà Trung Quốc vừa công bố, Việt Nam chiếm hoàn toàn ưu thế về du lịch. Chúng ta nằm "sát vách", là điểm đến giá rẻ đối với khách Trung, có tài nguyên đẹp, ẩm thực ngon và luôn là thị trường hấp dẫn của khách Trung Quốc giai đoạn trước dịch Covid-19. Vì thế, các doanh nghiệp kỳ vọng nhà chức trách, cấp Chính phủ cần nhanh chóng đàm phán, thỏa thuận để mở lại du lịch giữa 2 nước, muộn nhất là trong tháng 3 này để kịp đón đầu cao điểm du lịch hè.

"Nếu chậm hơn nữa, các thị trường cạnh tranh sẽ chiếm hết ưu thế, hớt hết những miếng bánh ngon nhất từ thị trường khách lớn nhất của Việt Nam. Như thế, mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm nay sẽ tiếp tục 'căng', trong khi các doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường này tiếp tục 'đói' đến kiệt quệ" – vị này lo ngại.

Hoang mang khi Trung Quốc bất ngờ 'quay xe' không mở tour tới Việt Nam - Ảnh 2.

Trung Quốc là thị trường khách inbound lớn nhất của Việt Nam trước dịch Covid-19

L.N.H

Xem nhanh 12h: Dior, Chanel giả trong trạm nghỉ | Phạt cô đồng “đúng nhận, sai cãi”

Hàng không lo "vỡ kế hoạch"

Chỉ 1 ngày sau khi Trung Quốc thông báo danh sách 20 điểm du lịch nhưng vắng bóng Việt Nam, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thông báo khôi phục 9/10 chặng bay đến Trung Quốc sau gần 3 năm Covid-19.

Từ tháng 3, hãng này sẽ nối lại đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh với tần suất 3 chuyến bay/tuần. Đồng thời, tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Quảng Châu và Thượng Hải. Mỗi đường bay này sẽ được hãng khai thác 4 chuyến bay một tuần. Đây là mức tăng tần suất đáng kể nếu so sánh với hiện tại khi hãng chỉ khai thác từ 1 - 2 chuyến bay mỗi tuần trên các đường bay này.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, việc khôi phục mạng lưới đường bay tới Trung Quốc nhằm đáp ứng điều kiện "ngặt nghèo" của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc để giữ slot. Đồng thời nằm trong kế hoạch khai thác của hãng với kịch bản lạc quan là Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các thủ tục liên quan, nhu cầu phục hồi tốt bắt đầu từ tháng 3, kỳ vọng lượng khách bay giữa 2 nước năm 2023 sẽ đạt khoảng 80% so với năm 2019.

"Thực tế, hiện nay số khách trên các chuyến bay kết nối 2 nước không mấy khả quan, chỉ trông chờ vào lượng nhỏ khách thăm thân và công vụ. Chắc chắn Vietnam Airlines vẫn sẽ cố gắng duy trì các đường bay nhưng nếu tình hình tháng 3 tới không cải thiện, sẽ là khó khăn rất lớn cho DN hàng không" - đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.

Trước dịch, Trung Quốc là thị trường đưa khách lớn nhất của du lịch Việt Nam. Mỗi tuần, các hãng hàng không của Việt Nam khai thác khoảng hơn 200 chuyến bay tới nhiều tỉnh, thành ở Trung Quốc. Trong số 18 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 thì có tới khoảng 6 triệu khách Trung Quốc, hầu hết đi theo các chuyến charter tới Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long. Mỗi ngày, các tỉnh miền Trung có thể đón khoảng 50 - 70 chuyến charter đưa khách Trung Quốc tới. Gần 3 năm vắng khách Trung, cộng thêm giảm khách Nga, hệ thống lưu trú, dịch vụ ở các điểm đến này rơi vào cảnh tiêu điều.

Các nước Trung Quốc cho phép mở tour trở lại gồm 11 nước ở châu Á - Thái Bình Dương: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Maldives, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, New Zealand và Fiji. Chín quốc gia còn lại là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ai Cập, Kenya, Nam Phi, Nga, Thụy Sĩ, Hungary, Cuba và Argentina.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.