PGS-TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân VN, cho biết chúng ta đặt ra mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp (DN) vào năm 2020, nhưng đến giờ số DN thành lập theo luật Doanh nghiệp hiện vào khoảng 800.000. Thực tế này khiến mục tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025 và 2 triệu DN vào năm 2030 càng trở nên thách thức.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang trong hành trình tiến tới trở thành động lực của nền kinh tế, chứ chưa thực sự là động lực. Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng giảm dần; đa số là hộ kinh doanh, chiếm 94% về số lượng, đóng góp hơn 30% GDP; DN tư nhân đóng góp 14 - 15% GDP. Khu vực này cũng còn nhiều hạn chế về năng lực tài chính, quản trị, dịch vụ chưa được tốt, cấu trúc ngành nghề chưa hợp lý, liên kết rời rạc. Ngoài ra, mức độ tham gia của DN vào chuỗi giá trị toàn cầu khá cao, nhưng chủ yếu là liên kết ngược, nghĩa là chủ yếu nhập để xuất khẩu, còn tỷ lệ nội địa hóa thấp. "Có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi cho rằng sức chống chịu của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp, nên cứ mỗi khi có bão là liêu xiêu", ông Lực lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, cũng cho rằng các DN tư nhân hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất còn đơn giản, năng suất lao động thấp dẫn đến chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, cho biết các DN hiện rất khó tiếp cận vốn tín dụng. "DN thiếu tiền ví như cơ thể thiếu máu. Khi đã thiếu máu rồi thì rất cần ngân hàng hỗ trợ DN", ông Đoan đề nghị.
Bình luận (0)