Room đụng trần, tiền khó ra
Thời gian gần đây, khi khách hàng hỏi vay tiền, nhân viên một số ngân hàng (NH) "thúc" khách hàng nên tranh thủ làm hồ sơ sớm vì sợ hết room tín dụng. Có nhiều doanh nghiệp (DN) không bị từ chối thẳng nhưng hồ sơ vay bị "ngâm" rất lâu mà không biết lý do. Thực tế, chỉ trong 3 tháng đầu năm, tín dụng của một số NH đã tăng nhanh như MSB tăng 13%, Techcombank tăng gần 10,7%, HDBank tăng 9%; TPBank, Nam A Bank và VietABank tăng 7%... So sánh với tỷ lệ room tín dụng được phân bổ đợt đầu năm, có thể thấy đa số nhà băng đã gần chạm trần, nghĩa là hết quota tín dụng để cho vay.
Chưa kể chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, nhiều NH chi hàng chục ngàn tỉ đồng mua lại trái phiếu trước hạn. Chẳng hạn, NH TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) ngày 29.5 công bố đã mua lại 61 tỉ đồng lô trái phiếu có kỳ hạn 8 năm đã phát hành vào tháng 5.2020. Trước đó, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, NH này cũng liên tiếp mua lại nhiều lô trái phiếu trước hạn với tổng giá trị khoảng 2.500 tỉ đồng.
Tương tự, NH TMCP Hàng hải VN (MSB) liên tiếp trong hai ngày 18, 19.5 đã chi ra 2.700 tỉ đồng mua lại 2 lô trái phiếu phát hành từ tháng 5.2021; NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ngày 12.5 đã mua lại toàn bộ 1.000 tỉ đồng trái phiếu đang lưu hành có mã TCB2225003 được phát hành ngày 12.5.2022… Việc này cũng "ăn" vào nguồn vốn khiến lượng tiền sẵn sàng cho vay không thể dồi dào.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phân tích sở dĩ NH Nhà nước (NHNN) 3 lần điều chỉnh lãi suất (LS) điều hành nhưng mặt bằng LS trên thị trường chưa thể giảm sâu do nhiều NH đụng trần room tín dụng.
"Chỉ có các nhà băng quy mô lớn tiếp cận được nguồn vốn rẻ từ NHNN, Kho bạc Nhà nước, các tổng công ty là có thể giảm được lãi vay. Tuy nhiên, các NH này lại đưa ra quy định khắt khe mà DN khó có thể đáp ứng để vay vốn. Điều này vô hình trung đẩy khách hàng chuyển sang những NH nhỏ, trong khi hạn mức tín dụng mà NHNN cấp cho các NH nhỏ chỉ khoảng 6 - 10%. Nếu tính trên dư nợ cho vay thì có nhà băng chỉ được tăng thêm tín dụng vài ngàn tỉ đồng, không thấm vào đâu so với nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy, lãi cho vay của những nhà băng này rất khó có thể giảm được", ông Huân nói và kể thị trường còn có hiện tượng lạ là có khách hàng vào NH này hỏi vay thì được giới thiệu qua NH khác có LS vay thấp hơn.
Thực ra NH từ chối cho vay vì cạn room nên mới dẫn đến các tình huống này. Theo ông Huân, các NH hiện nay đang bị "mắc kẹt" dòng vốn huy động với lãi suất cao từ cách đây 6 - 9 tháng nên cần thời gian trì hoãn giảm lãi vay để tránh lỗ. Bên cạnh đó, LS điều hành giảm nhưng nếu hết room tín dụng thì việc huy động vốn (dù vốn rẻ) cũng chẳng hiệu quả. "Vì vậy đã đến lúc tính mở room tín dụng cho các NH, đừng để rơi vào tình trạng hàng loạt NH bị hết room như quý 4/2022", ông Huân nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển lý giải vốn không vào nền kinh tế vì nhiều lý do. Thứ nhất, hiện nay nhiều DN do kinh doanh khó khăn, NH đánh giá rủi ro nên cho vay ít hơn nhu cầu của DN, thậm chí không muốn cho vay. Ngoài ra, hiện các NH định giá lại tài sản đảm bảo đều giảm hơn 20 - 30% so với năm trước nên hạn mức cho vay của các DN giảm mạnh. Đặc biệt, dòng tiền đang bị kẹt trong các dự án đất đai, bất động sản không quay vòng được; kẹt trong trái phiếu cũng không thể quay về NH đúng hạn hay chính NH phải mua lại trái phiếu trước hạn… Từ đó NH cũng không có dư địa để tăng cho vay, dòng tiền trong nền kinh tế bị thiếu là dễ hiểu.
Đừng đầu năm tăng tốc, cuối năm siết đột ngột
Vấn đề vốn tín dụng bị nghẽn khiến kinh tế trì trệ đang được mổ xẻ tại nghị trường Quốc hội. Ngày 31.5, góp ý tại thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 thuộc chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội XV, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng) cho rằng từ đầu năm 2023 NHNN đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành, tuy nhiên hiện nay DN vẫn khó tiếp cận vốn vay.
"Tỷ lệ bắt buộc mà mỗi NH phải đảm bảo chính là hệ số an toàn trong các lĩnh vực cùng với dự trữ bắt buộc đã giúp NHNN kiểm soát lạm phát. Chỉ cần NHNN sử dụng nhiều công cụ dự trữ bắt buộc cùng với áp dụng quy định hệ số an toàn kèm theo đã giúp các NH tự điều chỉnh mà không lệ thuộc quá nhiều vào trần room tín dụng. Vì thế, NHNN cần có phương thức điều hành linh hoạt. Đó là giao tổng room từ đầu năm, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc bị siết lại một cách đột ngột. Ngoài ra, NHNN xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng, nhất là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả và dòng tiền của DN. Bên cạnh đó, NHNN cần chỉ đạo các NH thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của DN", đại biểu Ái Vang phân tích.
GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, đặt vấn đề: Ai cũng thấy trong 3 năm đại dịch Covid-19, hoạt động của các DN đi xuống rất nhiều, nhiều nơi đóng cửa, kinh doanh khó khăn. Thế nhưng NH vẫn báo lãi thì có cái gì đó sai sai, bí hiểm và không thể chấp nhận được. Theo ông Thơ, hoạt động NH là một lĩnh vực không phải ai cũng hiểu nên bất kỳ đề xuất giảm LS, cấp tín dụng đều bị NH phản bác lại bằng lập luận như DN không có đơn hàng, không có nhu cầu vay… "Vậy bây giờ cứ giảm LS vay xuống mạnh thì DN, cá nhân có vay hay không là biết", ông Thơ nói thẳng.
Cho rằng NHNH cần xem lại việc quản lý hoạt động tín dụng bằng cách cấp hạn mức cho từng NH trong năm, GS-TS Trần Ngọc Thơ chất vấn vậy khi nào room gần hết đồng nghĩa lãi vay tăng cao; và ông đề xuất nên để NH cho vay bao nhiêu là chuyện của họ, miễn sao các nhà băng phải đảm bảo các tiêu chí mà NHNN đặt ra là được.
"Room tín dụng hiện chưa phải là giải pháp tối ưu, nhưng gọi Basel II (chuẩn mực quản lý rủi ro trong ngân hàng) là tối ưu hơn hay chưa cũng cần có thêm thời gian đánh giá chuẩn xác. Suy cho cùng, nguyên nhân của mọi khủng hoảng và thất bại NH trên thế giới đều có mẫu số chung, đó là năng lực giám sát của cơ quan quản lý. Điều này cũng có nghĩa là nếu vẫn tiếp tục duy trì room tín dụng, phải chăng NHNN đang tự thừa nhận bộ máy quản lý và giám sát chưa tương xứng nên mới dùng đến vòng "kim cô" bất khả kháng?", TS Thơ đặt câu hỏi.
TS Đinh Thế Hiển
Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công luôn có độ trễ và tác dụng về dài hạn. Chỉ có thông qua kênh NH thì dòng tiền mới có thể đi vào nền kinh tế nhanh hơn. Lúc này cần phải có chính sách đột phá nhưng NHNN cần hỗ trợ cung tiền cho các NH thương mại thông qua thị trường mở. Từ đó các NH thương mại mới có thể đẩy mạnh cho vay vốn lưu động với các DN thuộc ngành nghề được ưu tiên, hỗ trợ phát triển. Việc cung tiền qua thị trường mở là kênh mà NHNN có thể kiểm soát được để vẫn có thể đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation:
Chúng tôi chưa vày được đồng nào từ ngân hàng
Đến giờ này, phút này, Vietravel vẫn chưa vay được một đồng nào từ ngân hàng. Chúng tôi đã thử tiếp cận gói ưu đãi mới được lãi suất 12% nhưng điều kiện đầu tiên đòi tài sản thế chấp nên coi như “thua”. Bản chất câu chuyện tín dụng hiện nay là không hạ chuẩn thì chẳng ai tiếp cận được. Mọi khoản vay ngân hàng đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp, không có tín chấp. Một khi đã “đóng đinh” như vậy thì mọi chính sách hỗ trợ lãi suất, ưu đãi… thực tế chỉ mang tính tuyên truyền. Ngay cả quy định về tài sản thế chấp cũng nhiều bất cập. DN xuất khẩu gạo, sau khi ký hợp đồng với đối tác nước ngoài có thể đem hợp đồng đó đi thế chấp để vay tín dụng, phục vụ hoạt động sản xuất. Song, hãng hàng không như Vietravel Airlines, ký xong hết hợp đồng bay charter với đối tác nước ngoài rồi, tần suất bay đã lên kế hoạch xong hết, Cục Hàng không cũng đã cấp phép nhưng lại không được coi đó là tài sản để đi thế chấp, vay vốn ngân hàng. Tại sao lại vô lý như vậy? Các DN hiện nay đều “kêu gào”, ai cũng dùng từ “cùng” và “kiệt”: đường cùng và kiệt sức. Nhiều DN cũng bắt đầu phải bán tài sản giá rẻ cho các DN nước ngoài. Đại dịch 2 năm là vô tiền khoáng hậu nên cũng phải có những chính sách vô tiền khoáng hậu. Những chính sách chưa từng có, mang tính đột phá mạnh bạo mới có thể giải quyết được vấn đề chưa từng có.
Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.HCM):
Hồ sơ không được duyệt vì NH hết room
Hiện nay công ty chúng tôi đã ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu chính ngạch tôm hùm, cua biển sang Trung Quốc, Hồng Kông và một số thị trường khác. Mặt dù kinh doanh tăng trưởng, hợp đồng lớn nhưng khi tiếp cận ngân hàng để vay vốn rất khó khăn. Suốt nhiều tháng nay công ty chúng tôi đã liên hệ nhưng không được duyệt hồ sơ. Mới đây nhất tôi đã làm việc với một ngân hàng nhưng họ trả lời không cho vay được vì hết room. Phải nói là các yêu cầu của ngân hàng hiện nay cực kỳ khó và cho dù có đáp ứng được hết thì cũng không vay được.
Ông Tô Ngọc Ngời - Trưởng Ban kiểm tra Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM:
Có hỗ sơ tốt nhưng vẫn bị ngân hàng giảm hạn mức
Khó khăn nhất lúc này là doanh nghiệp lớn, có hồ sơ tốt đi nữa, nhưng doanh thu giảm sút sẽ bị ngân hàng giảm hạn mức cho vay. Trong bối cảnh hiện nay, ngành sản xuất xuất khẩu khó có doanh thu tăng. Doanh thu giảm thì ngân hàng giảm hạn mức, có DN giảm đến 12%. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp vẫn đang rất nỗ lực để tìm kiếm đơn hàng, phục hồi sản xuất và nhiều tín hiệu cho thấy tình hình sản xuất, đơn hàng sẽ sáng sủa hơn. Thế nên, chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng giữ hạn mức cho DN để DN không bị khó khăn, bị động khi tái mở rộng sản xuất, đặc biệt với khách hàng có hồ sơ ngân hàng ổn định lâu dài và uy tín.
Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM:
NH cắt giảm hạn mức tín dụng không thương tiếc
Tình trạng DN trong ngành sản xuất xuất khẩu may mặc là không tăng trưởng nổi, kết quả kinh doanh trong 5 tháng đầu năm vẫn chưa có lãi. Kinh doanh không có lãi, doanh thu lại sụt giảm, không đạt tiêu chí cho vay của ngân hàng, tài sản thế chấp đất đai cũng giảm, nên nhiều ngân hàng đã cắt giảm hạn mức tín dụng của DN không thương tiếc, hoặc áp cứng những tiêu chí để không cho vay tiếp nữa vì sợ DN không trả nổi tiền. Thế nên, tình trạng DN bị “nhảy nhóm” trong thứ tự ưu viên được vay rất cao, với ngành dệt may thêu đan, ước 20-30% DN bị rơi vào tình trạng “nhảy nhóm” và không vay được. Trong khi đó, mức lãi suất vay vẫn dao động từ 10 - 13%, quá cao trong bối cảnh hiện nay. DN Việt làm hàng dệt may xuất không hiện không cạnh tranh nổi về giá với cùng mặt hàng được sản xuất tại thị trường Ấn Độ, Bangladesh. Chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh lại các điều kiện cho vay để hỗ trợ sản xuất. Chẳng hạn điều chỉnh về các điều kiện cho vay, doanh thu, tăng trưởng, lãi vay… để DN có cơ hội phục hồi, sản xuất, bán hàng cạnh tranh được mới có tiền để trả lãi suất và tiền vay ngân hàng.
Lãnh đạo một công ty bất động sản có trụ sở tại TP.HCM :
Ngân hàng viện đủ lí do để từ chối cho vay
Chúng tôi không thể tiếp cận vốn vay từ ngân hàng vì ngân hàng viện đủ lý do để từ chối cho vay như hết room hoặc thêm các điều kiện khó khăn hơn. Chúng tôi cũng không hiểu tiền ngân hàng đang ở đâu vì thường ngân hàng cũng là DN kinh doanh. Huy động được phải cho vay để hưởng chênh lệch, nhưng mới quý 1 đã có ngân hàng báo hết room. Ngân hàng cũng là DN, kinh doanh cũng phải có lợi nhuận nên việc Chính phủ chủ đạo cho vay, cơ cấu nợ, giảm lãi suất có vẻ không có tác dụng.
Đồng thời, GS-TS Trần Ngọc Thơ cho rằng LS thực (LS cho vay trừ lạm phát) không thể vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế. LS cho vay trung bình của VN hiện khoảng 14%/năm, trừ lạm phát khoảng 4%/năm, như vậy LS cho vay thực khoảng 10%. Trong khi đó tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến năm 2023 chỉ 6% trở xuống. Tức là cả nền kinh tế tạo ra của cải trong năm 2023 (và nhiều năm trước đó) không đủ để trả nợ lãi vay. Nếu tình trạng này không cải thiện thì nền kinh tế sẽ kiệt quệ trong vài năm tới, thậm chí có thể ngay trong năm nay.
Bình luận (0)