Doanh nghiệp vận tải “cân nhắc” tăng giá

22/04/2012 19:35 GMT+7

(TNO) Giá xăng, dầu tiếp tục tăng khiến nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa, hành khách, taxi “đau đầu” trước bài toán điều chỉnh giá vì nếu không tăng sẽ phải bù lỗ; nếu tăng quá cao, sẽ ảnh hưởng đến yếu tố cạnh tranh...

Ngày 22.4, trao đổi với Thanh Niên Online, ông Lương Hoàng Trung - Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết hiện các DN thuộc hiệp hội chưa có ý định tăng giá.

Theo ông Trung, phương tiện vận tải hàng hóa phần lớn chạy bằng dầu diesel. Trong đợt tăng giá xăng dầu hôm 20.4 vừa qua, loại dầu này tăng từ 21.400 đồng/lít lên 21.900 đồng/lít (tăng thêm 500 đồng/lít, tương đương 2,3%) nên vẫn nằm trong mức chi phí nhiên liệu cho phép.

Rút kinh nghiệm từ những đợt tăng giá xăng, dầu trước đây, khi ký kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa, giữa khách hàng và doanh nghiệp vận tải đều thêm vào điều khoản dự trù đến trường hợp biến động giá nhiên liệu. Do vậy, các DN vận tải chỉ có thể tăng, giảm giá cước nếu giá nhiên liệu tăng, giảm trên, dưới 5%.

“Chúng tôi đang cố gắng thích nghi với tình hình bằng cách tránh vận chuyển vào những giờ kẹt xe hay những giờ nắng nóng để giảm bớt tiêu hao nhiên liệu”, ông Trung nói.

Theo thông tin từ Bến xe Miền Đông (BXMĐ), một số DN đăng ký hoạt động tại đây đang rục rịch tăng giá cước. Các DN này nằm trong số những DN chưa điều chỉnh giá trong đợt tăng giá xăng, dầu hồi đầu tháng 3.2012.

Tuy nhiên, đại diện của BXMĐ cho biết, cũng phải hơn 1 tuần nữa, khi các DN đã hoàn tất thủ tục đăng ký giá với cơ quan chức năng, mức giá tại bến xe này mới bắt đầu tăng.


Giá xăng, dầu tăng tác động đến hoạt động kinh doanh của các DN vận tải - Ảnh: Khánh Long

Điều này cũng diễn ra tương tự đối với các DN đang hoạt động ở Bến xe Miền Tây.

Theo ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM, mức tăng thêm 900 đồng/lít đối với xăng buộc các DN phải tính toán đến việc tăng giá nếu không muốn lâm vào cảnh bù lỗ. Bình quân, mỗi taxi tiêu tốn 20 lít xăng/ngày, với mức giá xăng mới (23.800 đồng/lít), số tiền bù lỗ là không nhỏ mỗi tháng.

Ông Hỷ cũng dự đoán, việc tăng giá cước taxi có thể diễn ra trong vòng 7 ngày tới.

Đối với DN có hàng ngàn taxi, việc điều chỉnh giá cước trước mắt tiêu tốn hàng trăm triệu đồng cho DN do phí phát sinh từ công tác kiểm định, niêm yết chì đồng hồ tính cước, làm mới các bảng quảng cáo, bảng giá...

 

Cận dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5, nhiều hãng xe khách đồng loạt tăng giá vé.

Theo ghi nhận của Thanh Niên Online, tại BXMĐ, quầy bán vé của các hãng xe khách đều dán bảng thông báo tăng giá vé.

Chị Đoàn Trang, một hành khách thường xuyên mua vé về Nha Trang cho biết: “Giá vé giờ tăng chóng mặt, có nơi còn tăng gấp đôi”.


Bảng thông báo tăng giá vé dịp lễ 30.4 và 1.5 tại BXMĐ (TP.HCM) - Ảnh: Lê Na

Giá vé đi từ TP.HCM đến các tỉnh thành tăng tùy hãng. Phổ biến, mức giá vé từ TP.HCM đi Phan Rang tăng từ 180.000 đồng/vé lên 210.000 đồng/vé, Cam Ranh từ 160.000 đồng/vé lên 240.000 đồng/vé, Ninh Hòa từ 180.000 đồng/vé lên 300.000 đồng/vé…

Một nhân viên của phòng vé thuộc Công ty Quang Hạnh (BXMĐ) cho biết việc giá vé tăng là do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao dịp lễ chứ không phải vì giá xăng tăng hôm 20.4.

Lê Na - Đức Trần

>> CPI của tháng 3.2012 giảm nhiệt bất chấp xăng tăng giá
>> Cước taxi bắt đầu tăng
>> Xăng dầu tăng giá, ngư dân gặp khó
>> Giá xăng tăng mạnh, cước vận tải dự báo tăng cao
>> Người dân lo giá cả "té nước theo mưa
>> Miễn thuế nhập khẩu xăng
>> Bình ổn giá dịch vụ lưu trú dịp tết
>> Kiểm tra giá xăng dầu: Doanh nghiệp lãi nhưng kêu... lỗ
>> Chưa tăng giá xăng dầu, chỉ trích quỹ bình ổn giá
>> Đại biểu Quốc hội chất vấn chuyện lỗ - lãi xăng dầu
>> Chưa điều chỉnh tăng giá xăng dầu
>> Xăng, dầu vẫn bị găm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.