Doanh nghiệp vận tải lo bị thu hồi phù hiệu hàng loạt chỉ vì lỗi tài xế

15/05/2024 16:42 GMT+7

Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT kiến nghị về việc thu hồi phù hiệu xe được quy định trong Nghị định 41/2024.

Doanh nghiệp vận tải lo bị thu hồi phù hiệu hàng loạt chỉ vì lỗi tài xế- Ảnh 1.

4 tài xế vượt quá tốc độ, doanh nghiệp vận tải có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh

NHẬT THỊNH

Theo điểm e, khoản 8 Điều 2 Nghị định 41 có hiệu lực từ 1.6, trong thời gian 1 tháng, nếu có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thì đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu. Đồng nghĩa với tài xế vi phạm quá mức này thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.

Bên cạnh đó, Nghị định 41 quy định 30 ngày sau khi bị thu hồi phù hiệu, (60 ngày trong trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục) nếu chấp hành đúng quyết định về nộp lại phù hiệu mới được xem xét cấp lại; sau 45 ngày (90 ngày trong trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục) nếu không chấp hành đúng, mà còn đồng thời bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn nếu trong 1 tháng có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý.

Các doanh nghiệp trong Hiệp hội cho rằng, quy định này quá nghiêm khắc. Nguy cơ sẽ xảy ra tình trạng hàng loạt doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn chỉ vì lỗi cố ý vi phạm của tài xế.

Trường hợp 1 doanh nghiệp chỉ có 10 phương tiện, chỉ cần 4 lái xe cùng cố ý thực hiện hành vi chạy xe quá tốc độ cho phép như quy định là doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn. Dừng hoạt động cả một doanh nghiệp, hàng loạt tài xế khác bị thất nghiệp, cùng các hệ lụy kéo theo gây thiệt hại không nhỏ.

"Doanh nghiệp vận tải luôn trên tinh thần trách nhiệm quản lý chặt chẽ, nhắc nhở liên tục về việc tuân thủ quy định giao thông nói chung và về tốc độ nói riêng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp tài xế cố ý vi phạm, tài xế là người thực hiện hành vi vi phạm nhưng hậu quả lại do doanh nghiệp gánh chịu" - Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM nhận định và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại đối với nội dung này, xử lý đúng người, đúng việc. Trên phương diện là bên quản lý thì doanh nghiệp chỉ nên gánh chịu xử phạt về hành chính vì chưa quản lý tốt tài xế của đơn vị.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.