|
CTCP gốm sứ Taicera (TCR) 6 tháng đầu năm nay bị lỗ 71,3 tỉ đồng, bằng 387% so với cùng kỳ năm trước, hay nói cách khác là lỗ gần gấp 4 lần 6 tháng đầu năm 2012. Theo giải trình của công ty, do chi phí đầu vào cao như khí thiên nhiên tăng, khấu hao tăng… đã làm giá thành sản phẩm gia tăng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính chỉ riêng quý 2/2013 đã tăng thêm 10 tỉ đồng so với quý 2/2012, do cuối tháng 6 vừa qua Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá USD. Tương tự, CTCP tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai (DCT) quý 2/2013 tiếp tục bị lỗ khiến mức lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm nay lên 72,67 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Sức mua vật liệu xây dựng giảm nên doanh thu thuần của công ty bị giảm mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến con số thua lỗ nói trên của DCT...
Hầu hết các công ty đều nêu nguyên nhân gây thua lỗ là chi phí đầu vào gia tăng trong khi tình hình tiêu thụ lại gặp khó. Ví dụ, theo CTCP xi măng Thái Bình, giá một số nguyên liệu vật liệu và chi phí một số yếu tố đầu vào tăng bao gồm: Đất cao nhôm bình quân tăng từ 656.685 đồng/tấn lên 1,03 triệu đồng/tấn; Thạch cao bình quân tăng từ 903.000 đồng/tấn lên 990.000 đồng/tấn; Dầu FO bình quân tăng từ 11.495 đồng/kg lên 16.490 đồng/kg; Tiền lương tăng thêm từ 830.000 đồng/người/tháng lên 1.050.000 đồng/người/tháng; Giá điện tăng, chi phí vận chuyển, khấu hao tài sản cố định tăng... Trong khi đó sản lượng xi măng tiêu thụ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khiến công ty phải thu hẹp sản xuất nhưng vẫn phải trả lương và trả các khoản chi phí liên quan (các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn...) để duy trì lực lượng lao động. Từ đó dẫn đến chuyện thu không đủ bù chi.
Khuyến khích dùng hàng nội
Theo Hiệp hội Vật liệu xây dựng (VLXD) VN, những tháng đầu năm 2013 ngành công nghiệp VLXD vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn cố hữu của năm 2012, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vẫn ở mức thấp, tồn kho lớn, sản xuất bị ngừng trệ, chỉ khai thác được khoảng 50 - 80% công suất thiết kế. Theo TS Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD VN, nhiều doanh nghiệp (DN) phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng sản xuất, công nhân mất việc làm ngày càng tăng. Vì vậy, nhiều DN bị thua lỗ là chuyện không ngạc nhiên. Chẳng hạn ngành xi măng chỉ khai thác được 70,5% công suất thiết kế, một số dây chuyền dừng hoạt động như xi măng Thanh Liêm, xi măng Áng Sơn 1, xi măng X77. Kính xây dựng hiện đang tồn kho khoảng 2 đến 2,5 tháng sản xuất, sản lượng chỉ đạt 50%. Lượng hàng tồn kho của ngành thép hiện khoảng 300.000 tấn… Hiệp hội VLXD VN đề xuất: “Cần phải có sự hỗ trợ từ Chính phủ như vận động sử dụng VLXD VN để khai thác hết năng lực sản xuất trong nước và tiết kiệm được kim ngạch nhập khẩu VLXD hàng tỉ USD mỗi năm. Yêu cầu các công trình có vốn nhà nước, nhà ở xã hội và nhà ở đền bù giải phóng mặt bằng phải sử dụng VLXD trong nước sản xuất…”.
Tương tự, theo Hiệp hội Thép VN, cùng với sức tiêu thụ trong nước chưa thể hồi phục như trước đây thì sản phẩm nhập khẩu ồ ạt xâm nhập thị trường đã gây ảnh hưởng xấu đến kết quả sản xuất kinh doanh của các nhà sản xuất thép xây dựng trong nước, đặc biệt vào thời điểm hiện nay khi tổng cầu sụt giảm. Còn Hiệp hội Xi măng VN dự báo, các DN trong ngành này sẽ còn tiếp tục đối diện khó khăn khi thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng; tổng cầu của nền kinh tế vẫn ở mức thấp... “Bên cạnh việc các công ty chủ động giảm giá bán, tính toán lại chi phí để giảm giá thành, nhà nước cũng cần có những biện pháp kỹ thuật giảm nhập khẩu những sản phẩm VN có thể đáp ứng nhu cầu thị trường…”, giám đốc một DN xi măng kiến nghị.
Mai Phương
>> Kiến nghị nhiều biện pháp kích cầu vật liệu xây dựng
>> Hàng loạt cửa hàng vật liệu xây dựng sập bẫy lừa
>> Cháy cửa hàng vật liệu xây dựng
>> Sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình
>> Bắt buộc sử dụng vật liệu xây dựng không nung
Bình luận (0)