Doanh nghiệp Việt gian nan tìm người kế nghiệp

22/09/2016 16:41 GMT+7

Chia sẻ tại hội thảo bàn về năng lực kế nghiệp do Trường doanh nhân PACE tổ chức sáng nay 22.9, ông Huỳnh Văn Nghi, giám đốc một công ty may mặc có 2.700 công nhân, than vãn rằng hai con của ông không hứng thú với công việc ông đang làm, nên không chịu kế nghiệp.

Ông cho biết hai người con của ông đều học hành tới nơi tới chốn, tu nghiệp ở nước ngoài, nhưng nhất quyết không muốn tiếp quản công ty. “Năm nay tôi 59 tuổi, dự định năm sau đủ 60 tuổi sẽ nghỉ hưu. Từ 5 năm trước tôi đã tuyên bố nghỉ ngơi vào tuổi này. Nhưng giờ thì quá khó khăn trong việc tìm người kế nghiệp. Tôi lại không muốn bán công ty cho người khác”, ông Nghi phát biểu.
May mắn hơn ông Nghi, ông Nguyễn Như Khuê, giám đốc một công ty hóa phẩm ở TP.HCM có con trai kế nghiệp, nhưng lại đối mặt với những lo lắng và thách thức khác. Con ông từng được một tập đoàn nước ngoài chọn vào danh sách để theo học khóa lãnh đạo, sau thời gian làm việc thành công ở nhiều vị trí quan trọng trong tập đoàn này, ông khuyên con về làm với mình để bắt đầu quá trình tiếp quản công ty.
“Tôi nói với con, con có đầy đủ kinh nghiệm, kiến thức nhưng đang thiếu tinh thần doanh nhân. Đó chính là tinh thần khởi nghiệp. Phải có tinh thần này chứ không đơn giản là quản lý. Tôi khởi nghiệp từ con số không đi lên, còn con vào công ty đã có bệ phóng. Thêm nữa, người khởi nghiệp như tôi coi đồng tiền khác với người kế nghiệp. Con tôi nắm bắt rất nhanh nhưng còn thiếu sự nhiêm nhường của người làm chủ. Điều này là rất quan trọng”, ông Khuê tâm sự.
Trong khi, là người kế nghiệp, anh Hồ Phước An, cho hay anh đã kinh qua nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài có bộ máy, quy trình làm việc hoàn chỉnh. Nhưng khi quay về công ty gia đình có quy mô nhỏ thì không bắt nhịp được do ảnh hưởng bởi quy trình chuyên nghiệp. Muốn áp dụng quy trình đó vào công ty cũng không đơn giản. Hơn nữa, khó khăn là người kế nghiệp thường bị kiểm soát chặt chẽ về vốn, kinh phí.
Ở VN chưa có thống kê cụ thể có bao nhiêu doanh nghiệp gia đình và tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp gia đình vào GDP quốc gia, nhưng ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng trường PACE, khẳng định doanh nghiệp gia đình rất phổ biến ở VN. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, câu chuyện chuyển giao quyền lực cho người kế nghiệp tại các công ty Việt trở thành đề tài được quan tâm hơn bao giờ hết do lựa chọn người kế nghiệp không chỉ là chuyển giao tài sản, mà chuyển giao cả sự nghiệp được xây dựng trong nhiều năm.
Dẫn khảo sát của các tổ chức uy tín thế giới, Trường PACE cho biết 2/3 số lượng doanh nghiệp toàn cầu là công ty gia đình, trong đó có rất nhiều tập đoàn lớn; 70 - 90% GDP hằng năm của thế giới được đóng góp bởi các doanh nghiệp gia đình; đóng góp 50 - 80% số việc làm toàn cầu. Tuy nhiên, khó khăn chung là vấn đề tìm người kế nghiệp, khi chỉ 12% doanh nghiệp gia đình trên thế giới được chuyển giao tới thế hệ thứ 3.
Khác biệt khoảng cách thế hệ là cản trở lớn nhất của chuyển giao doanh nghiệp có thế hệ sau, vì khi tiếp quản, người kế nghiệp vẫn chịu sự chi phối lớn và can dự nhiều vào quyết định của người cũ. Đó cũng là tình trạng chung ở các công ty gia đình Việt Nam.
Nhân dịp này, Trường PACE ra mắt chương trình đào tạo Lãnh đạo kế nghiệp (NextGen Leaders), kết hợp với các tổ chức hàng đầu thế giới là FranklinCovey, Balanced Scorecard Institute và SHRM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.