Doanh nghiệp Việt Nam cần chuyên gia nước ngoài

05/07/2014 02:42 GMT+7

Nghị định mới về quản lý lao động nước ngoài đang khiến doanh nghiệp Việt Nam và cả doanh nghiệp nước ngoài khó khăn hơn trong tuyển dụng nhân công chất lượng cao.

Nghị định mới về quản lý lao động nước ngoài đang khiến doanh nghiệp Việt Nam và cả doanh nghiệp nước ngoài khó khăn hơn trong tuyển dụng nhân công chất lượng cao.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chuyên gia nước ngoài
Lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn cao làm việc ở Việt Nam - Ảnh: Diệp Đức Minh

Nghị định (NĐ) 102/2013/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1.11.2013, quy định chi tiết thi hành bộ luật Lao động về lao động nước ngoài (LĐNN) tại VN đưa ra những quy định mới về điều kiện, quy trình cũng như thủ tục cấp giấy phép LĐ cho người nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng nếu xét về lợi ích tạm thời thì có thể NĐ 102 đã giải quyết được nhu cầu cấp bách quản lý LĐ phổ thông, LĐ kém tay nghề đang ồ ạt vào thị trường LĐ VN. Thế nhưng, hơn nửa năm sau khi NĐ này có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài, đã chỉ ra những bất hợp lý đang gây rất nhiều lo ngại.

Một trong những thay đổi lớn nhất của NĐ 102 so với các NĐ trước đây là quy định DN nếu muốn sử dụng LĐNN thì phải có sự chấp thuận bằng văn bản của chủ tịch UBND cấp tỉnh. Theo đó, hằng năm, người sử dụng LĐ (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người LĐNN đối với từng vị trí công việc mà người LĐ VN chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với chủ tịch UBND tỉnh. Vì vậy, để có thể xin giấy phép LĐ, kể từ ngày 1.11.2013, DN phải thực hiện thủ tục xin phép được sử dụng LĐNN và thủ tục xin giấy phép lao động cho người LĐNN (do Sở LĐ-TB-XH cấp). Các chuyên gia cho rằng đây thực sự là một bước lùi về mặt cải cách hành chính. Đó là chưa kể, một mặt NĐ mở rộng các trường hợp người LĐNN không phải xin giấy phép LĐ, nhưng mặt khác lại yêu cầu họ phải làm hồ sơ để được cấp giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép LĐ.

 

Quy định chuyên gia nước ngoài phải vừa có trình độ đại học (4 năm) đối với lĩnh vực họ làm việc vừa phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành được đào tạo thực sự là một trở ngại lớn cho công ty khi muốn tuyển dụng các tài năng trẻ đến Việt Nam làm việc

Một chủ doanh nghiệp Việt Nam

Một chủ DN Việt Nam nhận định:  Quy định chuyên gia nước ngoài phải vừa có trình độ đại học (4 năm) đối với lĩnh vực họ làm việc vừa phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành được đào tạo thực sự là một trở ngại lớn cho công ty khi muốn tuyển dụng các tài năng trẻ đến Việt Nam làm việc. Vị này phân tích, ở một số lĩnh vực, đặc biệt là liên quan đến sáng tạo, thì yếu tố trẻ để tạo ra cái mới, bắt kịp xu hướng và tránh lối mòn là rất cần thiết.

Sẽ trình Chính phủ sửa nghị định

Theo ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), kỹ sư nước ngoài mới tốt nghiệp ĐH chưa được cấp phép bởi theo NĐ chuyên gia là người có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 5 năm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo. Đối với LĐ kỹ thuật phải là người được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật có thời gian ít nhất 1 năm và đã làm việc ít nhất 3 năm trong chuyên ngành kỹ thuật được đào tạo.

Tại điều 7, NĐ còn quy định rõ, những đối tượng người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép LĐ, bao gồm LĐ phạm vi 11 ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của VN với Tổ chức Thương mại thế giới: kinh doanh; thông tin; xây dựng; phân phối; giáo dục; môi trường; tài chính; y tế; du lịch; văn hóa giải trí và vận tải. Tiếp đến là những LĐ vào VN để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...

Về thủ tục cấp phép cho LĐNN tại Việt Nam, ông Trung khẳng định: “Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị, Sở LĐ-TB-XH có văn bản xác nhận gửi người sử dụng LĐ. Trong thời hạn 10 ngày, Sở LĐ-TB-XH cấp giấy phép LĐ cho người LĐNN theo mẫu do Bộ LĐ-TB-XH quy định. Trường hợp không cấp giấy phép LĐ thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Không có chuyện thủ tục làm hồ sơ cấp phép kéo dài tận 1 năm. Nếu địa phương nào làm sai quy định cần phải chấn chỉnh ngay”. 

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH chia sẻ lý do NĐ 102 đưa ra quy định, yêu cầu LĐ có trình độ cao phải có bằng ĐH và 5 năm kinh nghiệm, mục đích là để “lập hàng rào” bảo vệ việc làm cho LĐ trong nước. Mặt khác, giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn và chặt chẽ đối với LĐNN. “VN là một nước có đông LĐ. Chúng ta rất cần những người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, đã có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài sang làm việc. Thông qua đó, giúp cho mình đào tạo đội ngũ LĐ. Tuy nhiên, ý kiến phản ánh của các DN, chúng tôi sẽ cân nhắc, nghiên cứu và sớm trình Chính phủ sửa đổi. Đối với LĐ ở các nước phát triển có thể sẽ mở rộng tuyển dụng LĐ có năng lực thực sự để LĐ VN cọ xát, học hỏi kinh nghiệm”, ông Hòa cho biết.

Hồ sơ xin cấp phép giảm 1/3

 Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Chính sách LĐ việc làm (Sở LĐ-TB-XH Hà Nội) cho hay, khi chưa có NĐ 102, quy định về thủ tục xin cấp giấy phép LĐ, gia hạn giấy phép LĐ cho người nước ngoài, bình quân 6 tháng đầu năm, Sở này cấp phép cho khoảng từ 5.000 - 6.000 LĐNN tại Việt Nam. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, số lượng LĐ được cấp phép đã giảm 1/3, chỉ còn khoảng gần 2.000 người. Lý do, hồ sơ DN trình lên không đủ điều kiện đã quy định trong NĐ, trong đó có khá nhiều trường hợp LĐ là kỹ sư nhưng chưa đủ 5 năm kinh nghiệm làm việc.

Ông Thanh bày tỏ: “Chúng tôi cũng được DN đưa ra những thắc mắc, nhưng đây là NĐ được Thủ tướng Chính phủ ban hành; địa phương chỉ căn cứ vào NĐ và thông tư hướng dẫn, không thể làm khác. NĐ mới ban hành nên khi có những bất cập nảy sinh, chúng tôi sẽ tập hợp kiến nghị lên Bộ LĐ-TB-XH và Chính phủ”.

An Điền - Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.