Doanh nghiệp Việt thiệt hơn

26/09/2014 03:00 GMT+7

Cùng mức khống chế chi phí quảng cáo , tiếp thị, khuyến mãi 15% tổng chi phí thì các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiệt thòi hơn rất nhiều so với các công ty nước ngoài, nhất là các công ty đa quốc gia trong việc xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh nhận diện nhãn hiệu hàng hóa đối với người tiêu dùng.

Đơn cử với công ty có doanh thu 1.000 tỉ đồng/năm, 15% chi phí dành cho quảng cáo là 150 tỉ đồng nhưng với công ty có doanh thu 100 tỉ đồng/năm, số tiền dành cho quảng cáo chỉ là 15 tỉ đồng. Với giá quảng cáo như nhau, số lần xuất hiện của công ty có doanh số 1.000 tỉ đồng gấp 10 lần so với công ty 100 tỉ đồng. Điều đó cho thấy, các công ty nhỏ thiệt thòi hơn rất nhiều từ sự khống chế. Trong khi chúng ta đều biết, hơn 90% DN VN là nhỏ và siêu nhỏ. Họ càng trở nên ốm yếu hơn do bị tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế. Với sự khống chế trên, rất nhiều thương hiệu mất dần thị phần bởi không cạnh tranh nổi với các DN lớn trong việc quảng bá hình ảnh, chất lượng sản phẩm của mình.

Một thực tế được rất nhiều bà nội trợ thừa nhận rằng họ chọn mua xà bông, dầu gội đầu, nước rửa chén cho đến đồ điện tử, nội thất... do hằng ngày xem quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mua vì tò mò dùng thử xem thế nào; mua vì ngày nào cũng nghe, cũng nhìn nên khi đi chợ, đi siêu thị thấy “quen mặt” là nhặt bỏ vào giỏ. Rất nhiều trẻ em, đòi mua đồ chơi, chọn sữa, thực phẩm... cũng từ xem quảng cáo. Nói thế để thấy, quảng cáo có tác động rất lớn, rất quan trọng đến tâm lý mua sắm của người tiêu dùng, đến doanh thu của các DN. Khống chế chi phí này vì thế cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, chiến lược kinh doanh của họ và với phân tích trên, DN nội sẽ thiệt thòi hơn rất nhiều so với các DN ngoại.

Chúng ta đang triển khai rất nhiều giải pháp để hỗ trợ cộng đồng DN. Nào là giảm lãi suất, tăng cho vay tín chấp; giãn - giảm - gia hạn thuế; cắt giảm thủ tục hành chính... nhưng vẫn tồn tại không ít các quy định, các chính sách làm khó chính các DN của mình. Chúng ta cũng nhiều năm mơ ước, sẽ xây dựng được các thương hiệu DN mạnh, đại diện cho hình ảnh đất nước trên thị trường thế giới như Sony, Honda của Nhật; như Samsung, Kia của Hàn Quốc... nhưng ngược lại, chúng ta lại "trói chân" các DN trong việc quảng bá và xây dựng thương hiệu bằng cái "trần" chi phí quảng cáo, tiếp thị lạc hậu, đi ngược với xu thế của thế giới. Chúng ta muốn nâng cao sức cạnh tranh cho DN nội, để họ có thể giữ được thị phần sân nhà khi mở cửa hội nhập nhưng chúng ta lại khiến họ thiệt thòi hơn khi can thiệp đến tận quyền tự chủ kinh doanh của chính họ.

Chỉ có DN mới biết họ cần bao nhiêu tiền để tiếp thị, quảng cáo. Hãy để họ chủ động tính toán, chủ động cân nhắc, chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình. Việc dỡ bỏ mức trần chi phí quảng cáo khuyến mãi sẽ mang lại lợi ích cho VN cả 3 góc độ: cho nền kinh tế, cho người tiêu dùng và cho cộng đồng DN.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.