Doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm phiên điều trần về nền kinh tế thị trường của Việt Nam

09/05/2024 18:05 GMT+7

Nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường này được đối xử bình đẳng như doanh nghiệp xuất khẩu của các quốc gia khác trong các vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ, giảm nguy cơ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao.

Hàng Việt vào Mỹ giảm thuế, tăng sức cạnh tranh

Thông tin Bộ Thương mại Mỹ ngày 8.5 tiến hành phiên điều trần, xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đang được cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt quan tâm.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ giảm được rủi ro từ các cuộc điều tra chống bán phá giá nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ giảm được rủi ro từ các cuộc điều tra chống bán phá giá nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

CTV

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho biết Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quan trọng của Việt Nam, chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành.

Động thái mới nhất từ phía Mỹ đã truyền đi niềm tin, nguồn cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy các hoạt động thương mại.

Theo đại diện VIFOREST, nếu Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam thu hút được nhiều doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp gỗ và sản phẩm của Việt Nam, đây là mặt hàng Mỹ có nhu cầu tiêu thụ rất lớn.

Còn đối với doanh nghiệp gỗ và lâm sản Việt Nam sẽ giảm thiểu được các rủi ro trong vụ kiện chống bán phá giá. Từ trước đến nay, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản, rủi ro lớn là phía Mỹ khởi xướng điều tra áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Gần đây do xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc, Mỹ có thêm các cuộc điều tra áp thuế lẩn tránh thuế (thuế chồng lên thuế), vì có nghi ngờ Việt Nam lẩn tránh thuế xuất khẩu gỗ vào Mỹ. 

Cụ thể, Mỹ đã điều tra sản phẩm gỗ dán làm từ gỗ cứng xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ và đã có 37 doanh nghiệp Việt Nam nguy cơ bị áp thuế ở mức rất cao.

"Khi đã bị liệt vào danh sách đen, các doanh nghiệp này rất khó xuất khẩu vào Mỹ. Còn các doanh nghiệp khác phải khai báo và làm các thủ tục chứng nhận, làm cho xuất khẩu gỗ dán cứng từ Việt Nam vào Mỹ giảm", ông Hoài nói. 

Trước đó, từ năm 2022, Mỹ khởi xướng điều tra sản phẩm tủ bếp, bàn trang điểm xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ và hiện nay vẫn đang điều tra. 

Cũng theo ông Ngô Sỹ Hoài, nhiều sản phẩm gỗ xuất khẩu có sự tăng trưởng nhanh xuất khẩu vào Mỹ sẽ gặp phải rủi ro bị điều tra. Nhưng khi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nếu có bị điều tra, cơ sở xác định áp đặt mức thuế cho Việt Nam sẽ thấp hơn hiện nay.

"Trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, Mỹ dựa vào giá để ra phán quyết thuế. Nhưng giá ở Việt Nam gồm nhiều yếu tố đầu vào: nguyên liệu, nhân công, năng lực quản trị doanh nghiệp, công nghệ... Khi chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế trường, Mỹ so sánh Việt Nam với quốc gia có trình độ phát triển cao hơn, chi phí nhân công, nguyên liệu cao hơn thì rất bất lợi cho chúng ta.  Nếu công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, Mỹ phải xem xét trên cơ sở thực tế", ông Hoài nói.

Đại diện VIFOREST cho rằng, nếu công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì các doanh nghiệp Mỹ cũng được hưởng lợi. Hiện nay, doanh nghiệp nhập khẩu của Mỹ phải lo toàn bộ khâu logistics, nộp thuế tại chính quốc... Khi công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp Mỹ sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện các thủ tục hành chính, giảm được chi phí, nhập khẩu thuận lợi hơn thì gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam hạ được giá thành, tăng cạnh tranh.

"Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao trách nhiệm sẵn sàng giải trình, đổi mới công cụ quản trị doanh nghiệp, kiểm soát nguyên liệu gỗ, đảm bảo hợp pháp, ngoài chất lượng, giá cả cần cải thiện thêm yếu tố tổ chức giao hàng nhanh theo yêu cầu của đối tác Mỹ", ông Hoài nói.

Doanh nghiệp Việt được đối xử bình đẳng trong các vụ điều tra

Theo Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, không chỉ có gỗ và sản phẩm gỗ, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu quan trọng của nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam: dệt may, thủy sản, linh kiện điện tử, da giày... Đây sẽ là những ngành hàng được hưởng lợi khi Mỹ chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Hàng xuất khẩu Việt Nam được giảm thuế khi xuất khẩu vào Mỹ.

Doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm phiên điều trần về nền kinh tế thị trường của Việt Nam- Ảnh 2.

Tôm xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ hiện đang bị đánh thuế cao hơn Thái Lan - đã được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường

NGỌC THẮNG

Cụ thể nhất là tôm đông lạnh trong ngành thủy sản, Mỹ đang áp thuế mặt hàng này là 25,76%, trong khi với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Thái Lan đã được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường thì mức thuế chỉ là 5,34%.

Chia sẻ với Thanh Niên, một lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), cho rằng Bộ Thương mại Mỹ tổ chức phiên điều trần ngày 8.5 là một bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng 6 tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường theo quy định pháp luật Mỹ, thậm chí còn phát triển vượt bậc hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường.

Hiện nay, Việt Nam được 72 nước công nhận là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như: Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác thương mại trên thế giới.

"Nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ làm thay đổi phương pháp tính toán thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được đối xử bình đẳng như doanh nghiệp xuất khẩu của các quốc gia khác trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá của Mỹ", vị đại diện lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại, nói. 



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.