>> Tàu ngầm 'Made in Viet Nam', tại sao không?
|
Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hòa, doanh nhân tại Thái Bình đang gây xôn xao dư luận thời gian qua với chiếc tàu ngầm mini tự chế mang tên tên “Trường Sa 1”. Ông Hòa cho biết những ngày qua đã đón tiếp rất nhiều đoàn báo chí, học giả, chuyên gia từ nhiều nơi tới thăm quan, tìm hiểu về chiếc tàu ngầm mà ông và các cộng sự đang chế tạo.
“Có rất nhiều chất vấn, nghi ngờ từ phía giới chuyên gia, nhưng sau khi tận mắt thấy “Trường Sa 1”, nghe tôi thuyết trình trực tiếp về các công nghệ ứng dụng trong dự án này thì nhiều người cũng bày tỏ và tin tưởng tôi sẽ thành công. Tất nhiên trên thực tế ra sao thì thời gian tới sẽ có câu trả lời”, ông Hòa nói.
Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi với doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa xung quanh những “chất vấn” của dư luận thời gian qua về dự án tàu ngầm “Trường Sa 1”.
* Trong số những thắc mắc được bạn đọc nêu ra có câu hỏi về khả năng tàu có thể lặn xuống 50 m hay không khi áp suất tác dụng vào vỏ tàu là rất lớn. Ông giải thích thế nào về chuyện này?
- Câu hỏi đặt ra cho thấy người hỏi có lẽ cũng chưa hiểu lắm về hoạt động của tàu ngầm. Việc xuống sâu 50 m không phải điều gì ghê gớm lắm. Ở độ sâu đó áp suất lên thân tàu vào khoảng 5 at (tương đương 5 kg/1 cm2). Theo tính toán và thử nghiệm của chúng tôi “Trường Sa 1” có khả năng xuống sâu tối đa khoảng 80 m. Nhưng có lẽ không ai buộc tàu phải hoạt động ở ngưỡng tối đa ấy làm gì. Chúng tôi dự kiến độ sâu trung bình mà tàu sẽ hoạt động là ở tầm 20 m. Ở mức này thì áp suất chỉ vào khoảng 2 at, tức 2 kg/1 cm2.
* Vậy còn băn khoăn về vấn đề trong môi trường nước thì sức cản dưới nước gấp hàng chục lần sức cản không khí và tính sức cản cho một con tàu đâu phải là chuyện đơn giản. Để chạy được vận tốc 40 km/giờ thì công suất máy quá lớn, dẫn đến rung động cao. Vậy kết cấu tàu của ông không biết có đủ bền không và ngay khi lặn kết cấu tàu có đảm bảo không?
- Tôi cũng không rõ là những băn khoăn này được dựa trên cơ sở nào. Không hiểu những người đặt ra câu hỏi này đã đi tàu ngầm bao giờ chưa? Có lẽ là chưa. Hôm nay tôi cũng có trao đổi với các chuyên gia thì họ cũng công nhận là việc tính toán tốc độ của tàu cũng chỉ mang tính tương đối do có rất nhiều biến số chi phối. Việc xác định sức cản của nước, sức đẩy của động cơ, nếu hình dạng cánh quạt động cơ có thay đổi một chút thì mọi thứ cũng khác ngay. Có rất nhiều thông số kỹ thuật tác động đến tốc độ tàu chạy. Theo tính toán của chúng tôi tốc độ 20 hải lý của “Trường Sa 1” là khả thi. Câu trả lời sẽ có khi tàu chạy thử.
Còn chuyện công suất máy, rung động cao tác động đến kết cấu tàu như thế nào có đảm bảo không thì tôi có thể khẳng định là bảo đảm. Đây là vấn đề kỹ thuật, để giải thích cụ thể thì phải căn cứ trên bản thiết kế, các thông số liên quan chứ không nói vắn tắt vài câu là được hay không được.
* Có ý kiến còn cho rằng nhìn qua các đường hàn thì thấy tàu khó mà tồn tại được lâu vì các đường hàn có vẻ rất thô sơ, thủ công rồi chuyện bắt bu-lông trên cánh, thân tàu nữa?
- Con tàu hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện. Những nhận định như vậy cũng giống như chuyện nhìn ngôi nhà xây thô dở dang rồi cho rằng nhà xây xấu quá, xây thế là không được. Những mối hàn trong các bức ảnh được công bố thì có những mối hàn tạm trước, hàn định vị. Trong quá trình hoàn thiện tất nhiên sẽ phải hàn chắc chắn và xử lý kỹ mối hàn.
Chuyện bắt bu-lông cũng không có vấn đề gì cả. Nếu anh để ý thì thấy là các loại máy bay hoạt động với tốc độ hàng nghìn km/giờ thì cũng có rất nhiều chi tiết là bắt bu-lông đấy chứ. Không phải vì bắt bu-lông mà tàu không thể chịu được áp suất dưới nước. Những người đặt ra câu hỏi tôi nghĩ họ cũng có thể là những người có chuyên môn tuy nhiên có vẻ như do có quá nhiều lý thuyết nên cách nhìn nhận và đánh giá của họ cũng theo cách khác cách của chúng tôi.
|
* Trong cuộc gặp gỡ với các chuyên gia vừa qua thì họ “chất vấn” ông nhiều nhất về vấn đề gì? Có ai đặt câu hỏi về chuyện thiết kế hình dáng làm con tàu không tận dụng được hết lực đẩy của chân vịt như một số người nêu ra trên báo chí vừa qua hay không?
- Họ không hề thắc mắc về chuyện sức cản nước thế nào, áp suất ra sao, mối hàn có đảm bảo không... Các chuyên gia có nói với tôi là khi đã thiết kế và dựng nên được một con tàu như thế này thì việc điều chỉnh những yếu tố kỹ thuật bên ngoài như hình dáng thân tàu, chân vịt... là chuyện bình thường.
Về chuyện tốc độ thì các chuyên gia cho rằng có thể đạt được vận tốc 20 hải lý/giờ hay không còn phụ thuộc vào việc các con tàu sẽ tải bao nhiêu thứ ở trên đó. Còn động cơ thì có thể đảm bảo đẩy được mười mấy tấn. Hôm qua báo chí Nga cũng có đưa tin về dự án này, họ cũng nhận định là dự án có tính khả thi cao. Họ thậm chí còn nói rõ là dự án của tôi áp dụng công nghệ từng áp dụng trong đề án tàu ngầm 615 của Nga trước đây.
Các chuyên gia khi trao đổi thì họ chỉ quan tâm duy nhất việc chúng tôi sẽ dùng công nghệ tuần hoàn khí độc lập (AIP) sẽ được sử dụng như thế nào. Đó mới là chuyện quyết định. Họ hiểu là những thứ bên ngoài thì có thể điều chỉnh được dễ dàng còn công nghệ bên trong là thứ không thay đổi được. Nếu đưa vào nhưng hoạt động không thành công thì anh chỉ có cách bỏ đi và làm lại từ đầu chứ không thể sửa chữa.
Sau khi tôi phân tích cách làm thì thấy các chuyên gia cũng không có thêm ý kiến phản hồi gì nữa. Hầu hết đều đồng ý với những phân tích của tôi. Bây giờ quan trọng là chờ xem mớ lý thuyết này sẽ hoạt động ra sao trên thực tiễn thôi.
Họ cũng quan tâm về kỹ thuật định vị bằng sóng âm bằng thiết bị sonar nữa. Thiết bị này cũng giống như đôi mắt của con tàu, có nó thì mới có thể biết tàu đang ở đâu, trước sau trên dưới thế nào... Một bộ sonar thủy âm nếu mua từ nước ngoài hiện tại có giá hơn 200 triệu đồng. Nhưng tôi đang đặt hàng một số chuyên gia trong nước từng bảo vệ luận án tiến sĩ về đề tài này. Nếu làm được có thể mức giá sẽ hợp lý hơn.
* Xin cảm ơn ông!
Trường Sơn
(thực hiện)
>> Những tàu ngầm Kilo Việt Nam đặt mua có tên gì ?
>> Tàu ngầm Kilo giữa Việt Nam và Ấn Độ khác nhau như thế nào ?
>> Nga sẽ bàn giao tàu ngầm đầu tiên cho Việt Nam vào tháng 11
Bình luận (0)