Đặc biệt, thuận lợi lớn cho các doanh nhân trẻ hiện nay là tinh thần khởi nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ phát động đã lan tỏa khắp nơi khiến cho "giới doanh nhân đang rất sung sức”. Thế nhưng, làm thế nào để phát huy sức trẻ, để biến các lợi thế này thành cơ hội thành công, để không rơi vào bi kịch “chưa giàu mà đã già”... Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với ông Đặng Hồng Anh, người vừa trúng cử vị trí Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN khóa 6.
Hội sẽ đóng vai trò kết nối
Đã tham gia kinh doanh từ khi mới 15 tuổi, ông có thể cho biết, ở góc độ vĩ mô, các doanh nhân trẻ cần nhất điều gì?
Cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nhân trẻ nói riêng đều cần tình hình kinh tế ổn định, chính sách luật pháp phải luôn được cập nhật, điều chỉnh phù hợp thực tiễn, thực tế. Họ cũng cần sự đồng hành, thấu hiểu của cơ quan quản lý. Những yếu tố này hết sức quan trọng bởi dựa trên chính sách ổn định, các doanh nghiệp mới có thể hoạch định chiến lược kinh doanh dài hơi. Đây cũng là hoạt động trọng tâm của Hội Doanh nhân trẻ trong thời gian tới: tổ chức đối thoại với các cơ quan chức năng, ban ngành nhiều hơn.
Ngoài chính sách, doanh nhân trẻ cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về vốn, về đầu ra... Hội sẽ làm gì để hỗ trợ họ?
|
Việt Nam là một trong những nước có GDP tăng trưởng tốt nhất trên thế giới, từ đó tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Thế nhưng để nắm bắt được thông tin, làm sao để cung - cầu có thể gặp nhau thực tế lại không đơn giản. Vì thế, Hội sẽ tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ để các doanh nhân có thể gặp gỡ và từ đó có thể liên kết với nhau, tìm kiếm cơ hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, "đoàn kết" vẫn là điểm yếu của các doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nhân trẻ nói riêng, ý kiến của ông về việc này thế nào?
Nó xuất phát từ cái tôi của giới doanh nhân rất cao, không ai chịu thua ai. Tôi hy vọng có thể thay đổi cách nhìn này khi họ tham gia Hội. Hội sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp nâng tầm thương hiệu lên như thế nào, tạo sự liên kết để đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn cho doanh nghiệp. Trước đây, một năm anh làm 10 tỉ đồng, còn bây giờ với sự kết hợp, cộng hưởng sức mạnh với các đối tác, anh lời 20 tỉ đồng. Vậy thì các doanh nhân có liên kết với nhau hay không? Đó chính là sứ mệnh của Hội.
|
Là con cả trong gia đình vợ chồng doanh nhân nổi tiếng Đặng Văn Thành - Huỳnh Bích Ngọc, Đặng Hồng Anh chia sẻ: “Là doanh nghiệp gia đình, tôi cảm nhận việc kế thừa ngay từ nhỏ. Đặc biệt khi có con rồi thì cảm nhận này càng mạnh mẽ hơn. Cũng chính vì vậy mà tôi cảm thấy áp lực nhiều hơn”. Trong câu chuyện Hồng Anh kể cho chúng tôi nghe, không chỉ là áp lực mà vị thiếu gia này phải trải qua mà đó còn là cách dạy con của một gia đình giàu có. Hồng Anh hồi tưởng: “Lúc nhỏ, tôi thấy ba mình sao lúc nào cũng làm khó mình, nhiều khi tôi thấy mất tự do về điều này. Chẳng hạn khi 14 tuổi, tôi đang là vận động viên tập luyện ở Thủ Đức, ba gọi tôi về tham gia vào một kỳ đại hội đồng cổ đông của Sacombank dù bấy giờ tôi không hiểu nhiều về ngân hàng. Sau này lớn lên, tôi mới hiểu ba tôi muốn đào tạo, huấn luyện tôi từ những cái rất bình thường”.
Những người thân quen với gia đình ông Đặng Văn Thành không lạ gì câu chuyện dạy con nổi tiếng của vị doanh nhân này. Hỏi Hồng Anh, anh xác thực. Trước lời “kích” của ba mình, Đặng Hồng Anh nhận 5 triệu đồng mở quán bán bánh canh cá. Đang là một thiếu gia giờ đi bán bánh canh, phải tính toán giá cả từng tô 6.000 đồng thì bún bao nhiêu, cá bao nhiêu; 8.000 đồng, 12.000 đồng thì liều lượng thế nào, phải biết bưng bê ra sao để vừa nhanh, vừa không đổ vãi; rồi khách này không ăn hành, khách kia không ăn béo... “Tôi biết ba mẹ kích tôi làm việc này là để tôi cảm nhận được kiếm tiền không dễ và phải biết trân trọng nó. Và quả thật nó quý giá đối với tôi. Sau này bán cây kiểng hay sắt thép là do tôi nhìn ra cơ hội kinh doanh mà làm cũng từ những bài học đầu tiên đó. Trong gia đình, người định hướng công việc cho các anh em tôi là ba, còn người âm thầm chia sẻ, hỗ trợ phía sau là mẹ. Tôi may mắn, hạnh phúc có ba mẹ là những doanh nhân có đức hy sinh lớn. Vì sự phát triển của tập đoàn, chúng tôi được rèn giũa rất kỹ từ gia đình. Tôi luôn nghĩ mình có phước đức kiếp trước lớn lắm mới được đầu thai làm con của ba mẹ tôi. Tôi không phủ nhận mình có điều kiện từ nhỏ về vật chất. Cơ hội trong sự nghiệp hơn những bạn cùng trang lứa nhưng áp lực phải gìn giữ và phát triển thành tựu của gia đình, để đóng góp cho xã hội cũng rất lớn”.
Tham gia chính thức vào hoạt động kinh doanh của gia đình ở độ tuổi 20 tại Thành Thành Công nhưng giai đoạn này Đặng Hồng Anh không chịu áp lực nhiều vì ba mẹ chịu trách nhiệm chính trong hiệu quả hoạt động của công ty. Áp lực công việc chính thức bắt đầu khi Hồng Anh nhận điều hành Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương tín (TTC Land - tiền thân là Sacomreal). Đối với gia đình họ Đặng, lĩnh vực bất động sản thời điểm đó hoàn toàn mới nên mọi việc đầy thách thức từ quản trị điều hành công ty gia đình sang chuyên nghiệp hơn, năng lực trình độ của cán bộ công nhân viên… đến việc chịu trách nhiệm về hiệu quả công việc.
|
Hội đồng chủ tịch TTC có 4 thành viên gia đình họ Đặng, vậy giải quyết công việc có hay xung đột không?
Có chứ. Như tôi vừa nói trên, các doanh nhân đều có cái tôi rất lớn. Những doanh nhân đã có những thành công nhất định thì cái “tôi” càng lớn hơn. Các doanh nhân là bố mẹ mình lại càng khó. Đối với ba mẹ, con cái lúc nào cũng còn nhỏ nên “cái tôi thủ lĩnh” cao lắm, có khi chưa nghe là đã bác rồi. Vì vậy, khi nói chuyện với ba mẹ, tôi ít cãi lại lắm. Nhưng tôi cũng có chiêu của mình. Buổi sáng, tôi tập golf hay chạy bộ với ba hoặc thứ bảy, chủ nhật ở nhà tôi tận dụng thời gian đó để phân tích với những thông tin, con số, rủi ro... để thuyết phục. Lúc đó ba mới nghe. Còn cãi thì ăn đòn luôn” (cười).
Được biết ông còn tham gia lĩnh vực y tế bằng chuỗi phòng khám đa khoa DHA MEDIC, ông có thể lý giải cú rẽ rất lạ so với những ngành nghề kinh doanh truyền thống của gia đình ông lâu nay?
Ý tưởng tham gia vào lĩnh vực y tế đến khi tôi tới thăm bà ngoại tôi nằm viện và chứng kiến cảnh bệnh viện quá tải thế nào. Trước đây chỉ nghe nói, đọc báo nhưng khi chứng kiến thì thật sự quá kinh khủng. Một trong những lý do khiến bệnh viện ở VN quá tải vì 80 - 90% bệnh thông thường nhưng vẫn đến bệnh viện, hơn nửa bệnh nhân chờ 1 - 2 tiếng để khám. Điều này khiến tôi nảy sinh ý tưởng nâng cấp các trạm y tế phường. Phường nào cũng có trạm y tế mà không được đầu tư, nên khi đầu tư bài bản lại, thông tin đến các địa phương để người dân đến các trạm y tế, giảm tải cho bệnh viện. Trên địa bàn Q.3, TP.HCM đã có 3 trạm y tế thực hiện và khi chọn được mô hình chuẩn nhất sẽ nhân rộng thêm ở các quận khác. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao mời và giữ được bác sĩ ở những điểm y tế này để người bệnh yên tâm khi đến khám tại đây. Chuỗi phòng khám đa khoa DHA MEDIC - mô hình y tế mới là thí điểm xã hội hóa y tế tuyến cơ sở đầu tiên của VN. Qua đó thể hiện tính nhân văn, mang dịch vụ y tế tốt đến gần người dân địa phương, phục vụ được nhiều người dân không chỉ trong việc khám chữa bệnh, mà còn đẩy mạnh ý thức tầm soát, phòng bệnh trong cộng đồng, góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải hiện nay tại các bệnh viện tuyến trên.
Nói đến Sacombank người ta nhớ tới cha ông, doanh nhân Đặng Văn Thành. Nhưng nói đến Sacombank trong một ngã rẽ thăng trầm cũng chính là nhắc lại giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp của gia đình ông, ông có thể chia sẻ thêm về giai đoạn này.
Trong cuộc đời của mỗi con người không phải lúc nào cũng màu hồng, sẽ có những vận hạn lớn. Tôi theo Phật nên tôi tin “Đức nhân thắng số”, trong rủi có may, trong họa có phúc, đại phúc không giữ thành đại họa… Có những thời điểm khó khăn nhất, có những giai đoạn tưởng chừng không thể vượt qua được nhưng chúng tôi đã vượt qua. Người ta hay nói phúc đức ông bà cha mẹ lớn và tôi tin là vậy. Kinh nghiệm trong những lúc khó khăn, phải hết sức bình tĩnh, lắng lại một thời gian nhìn lại sự việc đó như thế nào, lý do tại sao và tìm kiếm giải pháp. Quan điểm của tôi không hồi tố, xem nặng quá khứ, mà xem xét hiện tại và đặt ra các mục tiêu để đạt được trong tương lai. Chính vì vậy mà giờ đây tôi mong muốn chia sẻ, làm gì đó nhiều hơn với cộng đồng. Có những cái như là sứ mệnh, đôi khi không nghĩ đến mà nó đến buộc mình phải làm.
Xin cảm ơn ông!
Ông Đặng Hồng Anh, vị doanh nhân 3 lần liền đoạt giải thưởng Doanh nhân trẻ xuất sắc TP, chia sẻ: “Thế hệ doanh nhân thời kỳ 8X kế thừa sau ngày đất nước thống nhất phải làm gì để khẳng định mình, để có thể sánh với thế hệ 8X trong khu vực. Sử dụng năng lượng, nhiệt huyết của mình để tạo ra hiệu quả kinh tế mang về gấp mấy lần so với thế hệ doanh nhân khác thì đất nước sẽ phát triển mạnh hơn, tốt hơn”.
|
Bình luận (0)