Doanh nhân với cộng đồng

25/11/2011 12:00 GMT+7

Mới đây, tại xóm Rừng (thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, H.Điện Bàn, Quảng Nam) đã diễn ra ngày “Hội đoàn kết toàn dân”.

Mới đây, tại xóm Rừng (thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, H.Điện Bàn, Quảng Nam) đã diễn ra ngày “Hội đoàn kết toàn dân”.

Một doanh nghiệp tư nhân chế biến lương thực thực phẩm trên địa bàn đã tình nguyện đóng góp 1,5 tỉ đồng để cùng người dân trong thôn đầu tư xây dựng hơn 1km đường bê tông theo tiêu chuẩn rộng 9m, có làn phân cách, trụ điện thắp sáng ở giữa, có biển báo theo luật giao thông đường bộ; mở rộng những đường bê tông cũ từ 3m lên 7,5m. Hai doanh nhân khác đóng góp thiết bị thi công từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng, tặng một số trụ điện, bóng điện thắp sáng, biển báo. Trước ngày khởi công, đã có 60 hộ dân xung phong hiến đất vườn từ 40m2 đến 200m2 để mở đường. Tổng số đất hiến trên 5.000m2. Nếu tính theo giá đất hiện hành khoảng 300 ngàn đồng/m2, số tiền của dân cũng lên đến gần 1,5 tỉ đồng.

Đóng góp của các trí thức cũng khá quan trọng. Một nhà nghiên cứu về nông thôn đề nghị các hàng rào cũ được dự án xây lại cho dân theo mẫu nhưng sẽ phủ giậu bằng cây xanh, theo phương châm hàng xóm chào nhau qua hàng rào trúc, dâm bụt, chè tàu trong những làng quê thắm đượm tình cảm hơn là nhìn nhau xa lạ qua những tường ngăn bằng bê tông, kẽm gai như ở phố. Một kiến trúc sư bỏ công khảo sát và thiết kế toàn bộ các công trình cho quê hương…

Các doanh nghiệp làm ăn trên địa bàn xóm Rừng, kể cả doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài hiện sử dụng hàng trăm lao động tại địa phương. Không chỉ giải quyết việc làm, mà nhiều năm nay còn tham gia thường xuyên các hoạt động từ thiện xã hội, xây dựng hạ tầng nông thôn, giúp người dân bảo vệ vệ sinh môi trường, xây dựng hầm biogas tại các hộ chăn nuôi…

Ở nhiều thôn khác của xã Điện Thắng Trung, vai trò của các doanh nhân quê tại đây, tuy làm ăn ở xa cũng thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong những dịp họp đồng hương ở các thành phố lớn như xây dựng giao thông, tặng các trang thiết bị hiện đại cho trạm y tế xã, trang bị dụng cụ sinh hoạt cho nhà văn hóa, nhà thờ tộc họ, sân chơi thể thao, di tích lịch sử… Hội đồng hương của xã ở TP.HCM còn tự nguyện lập

website cho làng; hằng năm gửi về quê hàng chục triệu đồng làm khuyến học và hỗ trợ người nghèo. Các trí thức làng tham gia vận động, đóng góp ý kiến về định hướng xây dựng, thiết kế các công trình, hỗ trợ thiết bị và thực hiện các đề tài nghiên cứu văn hóa, lịch sử, giáo dục hết sức cần thiết…

Ngoài các công trình vừa khởi công  nêu trên, năm 2012, các doanh nhân cam kết xây dựng tiếp một hồ bơi, khu thể thao trị giá cả vài tỉ đồng nữa, chắc chắn đó là thành quả của việc biết huy động sức mạnh từ các trí thức và doanh nhân người địa phương đang sống ở khắp nơi tụ về bằng chính tình yêu quê hương của họ.

Vấn đề rút ra ở đây chính là thái độ trách nhiệm, phương pháp vận động cũng như nhận thức rõ vai trò quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức ở mỗi địa phương. Nơi nào chính quyền và lãnh đạo đoàn thể biết khơi dậy tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm xã hội của những thành phần nêu trên đối với sự phát triển chung của cả cộng đồng, nhất là ở vùng nông thôn, thì nơi đó người dân sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Nguyễn Sông Hàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.