Doanh số smartphone tại Việt Nam tụt lùi

23/02/2023 11:30 GMT+7

Thị trường di động Việt Nam đang chứng kiến giai đoạn khó khăn khi doanh số smartphone trong năm 2022 giảm về sát với mốc ghi nhận vào năm 2015.

Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, doanh số smartphone tại Việt Nam trong năm 2022 đạt khoảng 13,4 triệu máy, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng quý 4/2022, nhu cầu mua sắm điện thoại thông minh trong nước đã giảm, nguyên nhân chủ yếu từ tình hình kinh tế ảm đạm. Thông kê cho thấy số smartphone tiêu thụ trong 3 tháng cuối năm chỉ đạt 2,6 triệu máy, giảm 50,3% so với cùng kỳ, trong khi đây thường là giai đoạn mua sắm nhộn nhịp nhất hằng năm.

Nhu cầu mua sắm smartphone năm 2023 được dự báo khó tăng bật.

Nhu cầu mua sắm smartphone năm 2023 được dự báo khó tăng

CTV

Kể từ mốc khủng hoảng nguồn cung quý 3/2021 do những tác động của đại dịch Covid-19, đây là lần đầu thị trường chứng kiến mức sụt giảm sâu như vậy. Theo chuyên gia phân tích của IDC, chi phí sinh hoạt tăng cao và triển vọng kinh tế vĩ mô kém tích cực đã tác động khiến nhu cầu mua sắm của người dân giảm. Con số 13,4 triệu máy bán ra tính cả năm 2022 thấp gần bằng với mốc 13,2 triệu thiết bị toàn thị trường thiết lập 7 năm trước (2015).

Trong số các nhà sản xuất, Apple là hãng duy nhất có tăng trưởng trong năm 2022, trong đó góp công lớn là iPhone 14 series lên kệ chính hãng từ tháng 10.2022. Về thị phần, Samsung tiếp tục dẫn đầu với 36,6%, bỏ xa vị trí thứ 2 là Oppo (20,4%). Xiaomi đứng thứ 3 với 14,8% trong khi Apple có 13,1% trong tay. Vivo là hãng duy nhất giảm thị phần trong danh sách.

Nhìn sang bức tranh thị trường trong 12 tháng tiếp theo, ông Nguyễn Thế Kha - Giám đốc khối Viễn thông Di động hệ thống FPT Shop đánh giá năm 2023 sẽ là quãng thời gian khó đoán định vì nhu cầu mua sắm điện thoại có thể tiếp tục giảm sút theo đà ảnh hưởng từ tình hình kinh tế nói chung.

"Tiêu chí lựa chọn sản phẩm của khách hàng thay đổi liên tục theo thời gian. Tuy nhiên trong giai đoạn ảnh hưởng theo chiều hướng không tích cực của nền kinh tế, khách hàng quyết định chi tiêu theo hướng tiết kiệm hơn thì tiêu chí sản phẩm phù hợp với nhu cầu và có mức giá cạnh tranh sẽ là ưu tiên hàng đầu".

Còn theo anh Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, năm 2022 Apple có tăng trưởng nhờ chính sách duy trì sản phẩm đã ra mắt trong thời gian dài và đẩy xuống phân khúc giá thấp hơn, gây áp lực trực tiếp cho các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android tầm trung, cận cao cấp. Từ đó có thể dự đoán rằng 2023 tiếp tục là năm cạnh tranh gay gắt ở dải máy tầm trung và thấp.

"Khách hàng phổ thông bị ảnh hưởng nặng nề bởi thất nghiệp, suy thoái kinh tế. Mục tiêu các hãng làm smartphone Android trong năm 2023 đa phần duy trì để không tăng trưởng âm. Việc cạnh tranh về giá bán ở phân khúc này sẽ gay gắt hơn khi người tiêu dùng phải siết chặt chi tiêu, kỹ lưỡng hơn trong các quyết định mua sắm", anh Lạc Huy nhận định.

Báo cáo dự báo thị trường của IDC hay GfK cũng cho rằng thị trường smartphone nói chung thời gian tới sẽ "đi ngang" hoặc chỉ tăng trưởng 3 - 5%. "Sẽ có những thương hiệu tăng trưởng và ngược lại, các nhãn hàng không có tập khách trung thành hay mang đến sản phẩm có sự khác biệt sẽ rơi vào cảnh khó khăn", ông Nguyễn Thế Kha chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.