Nghị định này cũng quy định về việc xác định doanh thu thực tế của Vietlott tại địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, phương thức phân phối vé số qua thiết bị máy đầu cuối là doanh thu thực tế phát sinh từ các máy đầu cuối có đăng ký bán vé trong địa giới hành chính căn cứ theo hợp đồng đại lý đã ký với Vietlott hoặc các cửa hàng, điểm bán vé do doanh nghiệp thiết lập trên địa bàn. Đối với phương thức phân phối vé thông qua điện thoại và internet, doanh thu được xác định theo địa điểm khách hàng đăng ký dự thưởng khi mở tài khoản dự thưởng.
Vietlott phải có trách nhiệm thực hiện kê khai, quyết toán các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp tại trụ sở chính. Trên cơ sở số thuế phải nộp theo từng sắc thuế, Vietlott thực hiện phân bổ các khoản thuế phải nộp vào ngân sách địa phương theo tỷ lệ doanh thu thực tế phát sinh trên từng địa bàn.
Đồng thời, việc khấu trừ, kê khai và quyết toán khoản thuế thu nhập cá nhân phải nộp tại trụ sở chính. Vietlott có trách nhiệm thực hiện phân bổ thuế thu nhập cá nhân phải nộp vào ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật.
Riêng đối với trường hợp về khoản lợi nhuận còn lại sau thuế thu nhập doanh nghiệp nộp vào ngân sách địa phương, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định trên, thì Vietlott thực hiện kê khai tại trụ sở chính, phân bổ vào ngân sách địa phương theo tỷ lệ doanh thu thực tế phát sinh trên từng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, Nghị định 122/2017/NĐ-CP cũng quy định đối với giải thưởng tích lũy của các sản phẩm xổ số tự chọn số điện toán, nếu hết thời hạn lĩnh thưởng mà người trúng thưởng không đến lĩnh, thì doanh nghiệp kinh doanh xổ số được phép hạch toán vào thu nhập khác của doanh nghiệp.
Bình luận (0)