Như nhà văn Ma Văn Khánh từng nói: “Văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bằng chiều sâu văn hóa, bằng những cảm hứng nhân văn… Anh là một nhà văn đặc sắc, nếu không nói là vào bậc nhất nước - vô cùng hiếm…”, thì tuyển tập Miền cỏ thơm vừa được xuất bản tháng 8.2007 một lần nữa lại minh chứng cho những lời nói trên. Và càng thán phục hơn cho tinh thần lao động nghệ thuật phi thường của nhà văn khi những trang viết của người ngấp nghé tuổi “thất thập cổ lai hy”, đang vật lộn với cơn bệnh nặng vẫn tràn đầy sức mạnh của một người “ham sống đến mê mải, sống và đi, đi để được sống, với đất nước, với nhân dân, với con người, đi say mê và say mê viết về họ” (nhà văn Nguyên Ngọc).
Đọc Miền cỏ thơm, chúng ta sẽ được “đi” với nhiều chuyến đi của nhà văn, từ chuyến đi về miền ký ức của tuổi thơ thật mộc mạc, bình dị đã lìa xa như những “lũ chuồn chuồn, bươm bướm của tôi đã rời thành phố này mà đi đâu biệt tăm… rời bỏ những bụi cây hoang dại mà đi về khu vườn địa đàng của chúng, trên những đồi cỏ kia…”; hay của một đêm thức giấc, nhà văn nghiệm ra rằng “Huế là một thành phố được dành cho cỏ”, để đâu đó, trong tiềm thức, hương cỏ thoảng bay từ nơi xa xôi nào tới, chắc có thể là ở tây nam Huế với những triền cỏ đầy hương hoa cỏ, hay từ suối nguồn khoáng đạt của thôn Vĩ Dạ, nơi mà “người ta có thể tìm thấy chút hương vị tiêu dao của kinh thành Huế từ gốc cỏ bay lên trong những khu vườn xanh biếc”…
Nhà văn Hạnh Lê viết: “Bây giờ thì Hoàng Phủ Ngọc Tường đi bằng cái tâm, đi bằng trí nhớ của những cuộc đi đã qua… vân du bằng trí tưởng tượng chưa bao giờ cạn dòng qua những miền đất lạ. Dường như bệnh tật không có cách gì làm dừng lại những cuộc đi của ông”. Miền cỏ thơm là cuộc viễn hành hồi quy của những dòng ký ức. Trong sâu thẳm tư tưởng của nhà văn, những cuộc ra đi chưa bao giờ chấm dứt, chúng như con lắc đồng hồ đến một lúc bất chợt nào đó vọng kêu lên trong nỗi nhớ nhẹ nhàng, thấm đẫm như dòng sông Hương lững lờ, êm chảy…
D.B
* Những chữ nghiêng trích từ bút ký của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tập Miền cỏ thơm.
Bình luận (0)