'Độc chiêu' chữa 'bệnh run' cho thí sinh

25/05/2023 14:13 GMT+7

Đừng quá lo lắng nếu bất chợt phát bệnh… run ngay trong phòng thi. Có "độc chiêu" hay để chữa bệnh này từ các "bác sĩ" là chuyên gia tâm lý và thủ khoa.

'Độc chiêu' chữa 'bệnh run' cho thí sinh - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thanh Bình, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2021

NVCC

Lỡ run quá, đừng lo!

Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn kỹ năng Trường ĐH Công nghệ TPHCM cho biết run là một phản ứng về mặt cơ thể khi đứng trước những hoàn cảnh, sự việc khiến chúng ta cảm thấy không an toàn. Vậy nên cần xác định được những điều gì mang đến sự không an toàn cho chúng ta? 

"Sự không an toàn đến từ việc chúng ta không chuẩn bị kỹ kiến thức, hay phương pháp làm bài chưa thuần thục, hoặc chúng ta cảm giác không gian thi, người xung quanh là xa lạ với chúng ta", chị Thảo phân tích.

Theo chị Thảo, khi đã biết nguyên nhân thì tìm cách để hóa giải. Có thể đi thi sớm, đi một vòng dạo xung quanh khuôn viên điểm thi. Hít một hơi thật sâu để cảm giác hòa mình vào thiên nhiên, cảnh vật nơi đó. Nhìn một lượt quanh căn phòng thi mà có điểm hơi quen thuộc với cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như cái bàn sẽ ngồi thi có hình dáng giống giống bàn học ở nhà, hay màu sơn tường, màu sơn cửa sổ cũng giống phòng học ở trường… Vậy thì chúng ta cố gắng tìm ra một vài điểm tương đồng nho nhỏ nào đó để tạo ra sự thân quen.

Cũng có thể làm quen với những bạn xung quanh bằng những câu chuyện nho nhỏ. Chứ thấy ai cũng xa lạ, ai cũng căng thẳng thì sẽ làm gia tăng cảm xúc khó chịu. Và nên chủ động chuẩn bị chai nước lọc, uống một ngụm trước khi vào phòng thi để làm giải tỏa căng thẳng, hít thở sâu là tập trung vào hơi thở, nó sẽ làm gián đoạn cảm xúc căng thẳng, hồi hộp và run. Bóp tay bóp chân, vươn vai, lắc qua lắc lại, vận động nhẹ… cũng làm phân tán cảm xúc tiêu cực, giãn nở gân cốt cũng sẽ giúp ngay và luôn để tập trung, giảm bớt biểu hiện của sự căng thẳng run sợ đó.

Hãy nhớ về hình ảnh gần gũi nhất mà nghĩ đến cảm thấy hạnh phúc. Hay đơn giản là hát nhẩm trong đầu một vài câu hát để tạo cảm giác vui. Hát mấp máy môi cũng được. Nhờ vậy sẽ lấy lại tinh thần, thoát ra khỏi sự áp lực.

'Độc chiêu' chữa 'bệnh run' cho thí sinh - Ảnh 2.

Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo

CHỤP MÀN HÌNH

Nguyễn Thị Thanh Bình, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2021, kể lại đã từng rơi vào tình cảnh bị run trước giờ thi.

"Nhớ hồi vào phòng thi, mình run lắm, tim như muốn chạy ra khỏi lồng ngực. Mình run vì không biết có thi đậu đại học hay không? Liệu rằng khi giải đề thi có làm được những câu khó hay không", Bình nhớ lại.

Và cách để vượt qua những phút giây run ấy mà Bình áp dụng đó là thay vì sợ không làm được bài thì nhớ về những lỗi sai đã từng gặp phải trong quá trình giải đề và tự "thề" tự hứa với bản thân là không bao giờ lặp lại những lỗi sai đó nữa.

Một cách khác, Bình nói rằng cần tập hít thở, hít vào thở ra, cũng như ngồi nói chuyện với các thí sinh xung quanh. "Khi trò chuyện mình mới biết là mọi người ai nấy cũng run. Và khi có sự đồng cảm thì tự nhiên bản thân mạnh mẽ hơn, tự tin hơn", Bình kể.

Lê Ngô Sơ Ni, thủ khoa Trường ĐH Giao thông vận tải phân hiệu TP.HCM năm 2022, chia sẻ bí quyết: "Để bớt run thì mình sẽ tham gia các cuộc thi thử, để làm quen với tâm lý phòng thi. Còn khi vào phòng thi thì mình không đặt nặng việc làm được điểm cao hay thấp, chỉ cố gắng hết sức mình nên tâm lý thoải mái hơn. Bên cạnh đó, dù cuộc thi lớn hay nhỏ vẫn có chai nước ở bên và mỗi khi cảm giác lo hay run sợ thì mình uống nước và mình thấy đây là cách giải tỏa tâm lý rất tốt".

'Độc chiêu' chữa 'bệnh run' cho thí sinh - Ảnh 3.

Lê Ngô Sơ Ni, thủ khoa Trường ĐH Giao thông vận tải phân hiệu TP.HCM năm 2022

NVCC


Để không mất ngủ trước kỳ thi

Chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo cho biết chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng đến việc tái tạo năng lượng cho các hệ thống bên trong cơ thể mỗi người. Để ngày hôm sau có thể hoạt động mạnh mẽ như hoặc hơn ngày hôm trước thì phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng giấc ngủ.

"Khả năng tập trung trí nhớ, truy xuất trí nhớ, xử lý thông tin để giải quyết đề thi, bài thi thì cần có sự tập trung rất lớn từ não bộ và quá trình tư duy. Nếu giấc ngủ không tốt, não bộ sẽ rất khó để tập trung. Nếu ngủ không ngon sẽ dễ rơi vào tình trạng lơ ngơ, người không chạm đất", chị Thảo nói.

Chuyên gia tâm lý này hướng dẫn: "Để đỡ mất ngủ, phải có chế độ sinh hoạt hợp lý, và có nguyên tắc kỷ luật riêng. Cần có tính kỷ luật cao trong việc thiết lập chế độ sinh hoạt của mình. Nếu muốn ngủ vào lúc 23 giờ và ngủ sâu thì lúc 22 giờ đã phải tắt hết các thiết bị công nghệ, kênh giải trí, phương tiện, và cả việc học. Trễ nhất là 22 giờ 30 phải tắt hết để lên giường và nhắm mắt để đi ngủ. Có thể uống sữa, nước ấm. Có thể ngâm chân bằng nước ấm để giãn nở tĩnh mạch ở phía dưới chân". 

Chị Thảo cũng lưu ý cần hạn chế những hoạt động gây nhiễu động về mặt cảm xúc như chơi game đối kháng dễ khiến khó đi vào giấc ngủ. Một số bạn nữ hay có thói quen nghe nhạc buồn, xem phim ngôn tình… với những cảnh khóc lóc nhiều quá cũng sẽ làm ảnh hưởng cảm xúc và ảnh hưởng đến giấc ngủ".

Những chia sẻ này được phát trong chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề: Biến áp lực thành động lực mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức, được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok báo Thanh Niên vào sáng 25.5

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.