Trong lịch sử bê bối doping của làng xe đạp, cua rơ người Bỉ Michel Pollentier xứng đáng được trao “giải sáng tạo” khi thiết kế một hệ thống gian lận “sản xuất” nước tiểu hết sức độc đáo nhằm che đậy việc sử dụng chất kích thích ở cuộc đua danh tiếng Tour de France.
Michel Pollentier tạo ra một độc chiêu gian lận doping - Ảnh: www.idkmen.com
|
Nói về bê bối doping làng xe đạp, có lẽ hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến cái tên Lance Armstrong. Cựu cua rơ người Mỹ đoạt 7 chức vô địch Tour de France liên tiếp (từ năm 1998 đến 2005) nhờ sử dụng chất kích thích tăng cường hiệu suất trong thi đấu. Tuy vậy, chiêu trò của Armstrong dường như quá cũ trong môn thể thao vốn luôn bị “nhiễm” bê bối doping. Bởi Armstrong làm được điều đó nhờ sự hậu thuẫn từ đội đua, đồng đội, hối lộ và chi một khoản tiền lớn cho việc tiêm các chất kích thích hiện đại có thể vô hiệu hóa hệ thống kiểm tra doping tại giải đua xe đạp danh tiếng nhất hành tinh. Nhưng về chiêu trò, Armstrong phải gọi cua rơ người Bỉ Michel Pollentier là “đại ca”.
Cua rơ Pollentier bước vào làng xe đạp chuyên nghiệp năm 1973 và nhanh chóng gặt hái được thành công. Sau khi đăng quang giải đua nổi tiếng của Ý Giro d'Italia năm 1977, nhà vô địch xe đạp Bỉ bước vào Tour de France một năm sau đó với tư thế của một ứng viên sáng giá cho vị trí quán quân. Ở cuộc đua năm ấy, Pollentier tràn trề hy vọng đoạt chức vô địch với việc giữ áo vàng sau 16 chặng đua khi phía trước còn 6 chặng. Tuy nhiên, khát khao lần đầu tiên lên ngôi ở cuộc đua danh giá nhất hành tinh của Pollentier bất ngờ sụp đổ sau chiến thắng chặng 16 leo núi từ St Etienne đi L’Alpe d'Huez bởi một vụ bê bối doping “dở khóc dở cười”.
“Sáng tạo” có một không hai
Thông thường sau chặng đua leo núi, BTC giải tiến hành một đợt rà soát kiểm tra sử dụng chất kích thích đối với một số cua rơ. Ở cuộc kiểm tra doping bất thường này, cũng như các cua rơ khác, Pollentier phải lấy nước tiểu cung cấp mẫu để xét nghiệm dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên kiểm tra.
Thế nhưng công đoạn “xả nước thải” của cua rơ người Bỉ lại gây sự chú ý đặc biệt bởi bản chất “tiếng động và tốc độ dòng chảy” có điều gì đó khác lạ. Ngay lập tức Pollentier bị yêu cầu vén áo lên để kiểm tra. Cả đoàn nhân viên té ngửa khi chứng kiến chế tác có một không hai nằm trong lớp áo của cua rơ đang giữ áo vàng.
Theo đó, thay vì lấy nước tiểu từ nguồn chính cơ thể, Pollentier sử dụng một bao cao su đựng đầy nước tiểu “sạch” của một đồng đội rồi kẹp dưới nách. Bao được nối dẫn bởi một ống nhựa nhỏ chạy theo cơ thể xuống quần để tạo tư thế lấy nước tiểu như thật nhằm qua mặt nhân viên kiểm tra. Tuy nhiên Pollentier đã không gặp may do “tuyệt tác” của mình gặp chút trục trặc dẫn đến tiếng “ồn”, khiến âm mưu của cựu cua rơ 64 tuổi bị bại lộ. BTC Tour de France sau đó loại Pollentier khỏi cuộc đua, mở đường cho chiến thắng của Bernard Hinault, cựu cua rơ huyền thoại của Pháp.
Vụ gian lận sáng tạo khiến danh tiếng của Pollentier sụp đổ hoàn toàn bất chấp cua rơ này chiến thắng ở các cuộc đua Tour của Flanders và Brabantse PIJL (năm 1980) cũng như về nhì và ba ở Vuelta a Espana (Tây Ban Nha), một trong 3 giải đấu tầm cỡ nhất của thế giới.
Vì vậy, trong cuốn sách Seigneurs et Forcats du Velo của tác giả Olivier Dazat, Pollentier vẫn được đánh giá là một trong những cua rơ xuất sắc nhất mọi thời đại của làng xe đạp Bỉ có sự nghiệp gặp rắc rối với doping. Sau khi giải nghệ vào năm 1984, chút danh tiếng còn lại giúp Pollentier mở trường dạy đua xe đạp. Đến nay, dù bóng ma doping vẫn tràn lan nhưng sự sáng tạo gian lận của Pollentier ngày xưa luôn được xếp vào loại “kinh điển” trong lịch sử bê bối môn xe đạp thế giới.
Độc chiêu leo núi của Jean Robic
Cua rơ Jean Robic vốn được xem là một trong những huyền thoại của làng xe đạp Pháp khi từng chiến thắng Tour de France năm 1947.
Trong sự nghiệp, ông được mệnh danh là vua leo núi do luôn vượt qua những đồi dốc với thời gian đáng kinh ngạc dù tầm vóc và cân nặng hết sức nhỏ bé (cao 1,61 m, nặng 60 kg). Tuy nhiên, đến Tour de France 1953, độc chiêu giúp Robic làm nên thành tích siêu leo núi đã bị phát hiện.
Theo điều tra của BTC Tour de France năm ấy, trước chặng đua đồi dốc, Robic gom nhiều chai nước của đồng đội rồi đổ đầy chì và thủy ngân để giúp ông đổ dốc nhanh bất thường do trọng lượng chiếc xe nặng hơn. Thật không may, vì quá ham hố tạo nên kỳ tích, chiếc xe của Robic đổ dốc quá nhanh nên lao khỏi đường đua khiến ông bị vỡ xương sọ buộc phải bỏ cuộc.
|
Bình luận (0)