'Độc cô cầu bại của võ Việt' - Kỳ 4: Hạ nốc ao nhà vô địch quốc gia trong 2 phút

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
19/02/2018 05:13 GMT+7

Võ sư Nguyễn Phi Hùng (Quảng Ngãi) lưu giữ rất nhiều bài báo trước năm 1975 viết về các trận thượng đài ở miền Nam, trong đó có những trận thượng đài của chính ông.

Võ sư Nguyễn Phi Hùng (65 tuổi) được xem là “huyền thoại sống của” võ thuật tại miền Trung bởi ông từng hạ đo ván nhiều võ sĩ tiếng tăm ở Sài Gòn trước năm 1975, trong đó có nhà vô địch quốc gia Trần Cường.
Thoát khỏi lối mòn
Ngôi nhà của võ sư Nguyễn Phi Hùng ở đường Hà Huy Tập, TP.Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) là địa chỉ quen thuộc của nhiều người muốn tìm tư liệu về võ thuật Việt Nam. Ở đó, ông Hùng lưu giữ nhiều hình ảnh về cuộc đời học võ, dạy võ của mình cũng như của nhiều võ sư, võ sĩ khác và nhiều bài báo viết về võ thuật trước năm 1975.
Võ sư Nguyễn Phi Hùng có tên thật là Nguyễn Ninh, quê ở H.Mộ Đức (Quảng Ngãi). Cha đi tập kết, ông Ninh được mẹ nuôi dưỡng và học võ từ người anh trai đầu là võ sư Nguyễn Hồng. Sau đó, ông Ninh tiếp tục học võ từ các sư phụ của anh trai mình. “Thời đó, các võ sĩ ở miền Trung có quan niệm học thầy nào thì chỉ học 1 thầy, học thêm thầy khác bị cho là phản sư. Đó là quan niệm sai lầm. Anh Hồng rất cởi mở, học võ từ nhiều thầy và tôi cũng học võ từ nhiều thầy khác nhau. Nhờ thoát khỏi lối mòn đó, tôi có được nhiều đòn thế khi thượng đài”, võ sư Nguyễn Phi Hùng tâm sự.
Võ sư Nguyễn Phi Hùng năm 15 tuổi Ảnh: Tư liệu gia đình

Võ sĩ Nguyễn Phi Hùng (bìa phải) được công bố giành thắng lợi trong một trận đấu ẢNH TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Thời gian này, các võ sĩ ở miền Trung chỉ tập luyện võ cổ truyền nên khi vào thượng đài tại đất Sài Gòn tỏ ra rất lạc hậu, thường bị thua. Võ sư Nguyễn Hồng đã mời võ sư Minh Cảnh (ở Sài Gòn), vốn là nhà vô địch quyền thuật Đông Dương, được mệnh danh là "Võ vương Minh Cảnh", về Quảng Ngãi để dạy võ. Được thầy giỏi chỉ điểm, ông Ninh tiến bộ rất nhanh. “Võ sư Minh Cảnh ít dạy theo sách vở mà thường chỉ dạy, chia sẻ kinh nghiệm thượng đài của chính mình cho học trò. Điều đặc biệt là ông không giấu nghề, giấu bài làm của riêng như nhiều võ sư khác, học trò của bất kỳ võ sư nào cần học hay hỏi điều gì thì ông đều chỉ điểm cho”, võ sư Nguyễn Phi Hùng nhớ lại.
Thượng đài từ năm 15 tuổi, ông Nguyễn Ninh liên tục giành được thắng lợi mỗi khi thi đấu với các võ sĩ ở miền Trung. Năm 1973, ông Ninh vào Sài Gòn thi đấu, chính thức lấy tên là Nguyễn Phi Hùng.
Duyên nợ với nhà vô địch quốc gia
Năm 1974, ông Hùng tham gia giải vô địch quốc gia do Tổng cục Quyền thuật Việt Nam  tổ chức (chỉ ở miền Nam trước năm 1975) tại sân Tinh Võ. Giải đấu có 130 võ sĩ gồm 27 nữ, 103 nam tham dự. Kết quả bốc thăm ngày 27.3.1974 võ sĩ Phi Hùng (Quảng Ngãi) đấu với Xuân Thịnh (võ đường Xuân Bình) nhưng ngày 28.3.1974, ban tổ chức đã đổi vị trí: võ sĩ Phi Hùng gặp võ sĩ Trần Cường (võ đường Trần Xil), đương kim vô địch quốc gia. Nhiều võ sư, võ sĩ và báo chí thời bấy giờ cho rằng ban tổ chức giải tráo trở các trận đấu để làm kèo cá độ và luôn tìm cách chèn ép các võ sĩ từ miền Trung.
Khi đó, võ sĩ Trần Cường đã nổi danh như cồn với cú đấm tay phải hạ nốc ao đối thủ. Tuy nhiên, trong trận đài đêm 29.3.1974, võ sĩ Trần Cường bị tấn công tới tấp, phải chống đỡ rất vất vả… Nhưng bất ngờ khi kết khúc trận đấu, trọng tài và giám sát trận đấu tuyên bố võ sĩ Trần Cường thắng điểm. Khán giả có mặt trên sân Tinh Võ vô cùng phẫn nộ, các võ sư Minh Cảnh, Kid Dempsey… cũng phản đối kết quả này.
Báo chí viết về trận đài đầu tiên giữa võ sĩ Nguyễn Phi Hùng và Trần Cường ẢNH TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Báo Tia Sáng (tờ báo tại miền Nam trước năm 1975) số ra ngày 31.3.1974 có bài: Võ đường Tinh Võ hỗn loạn vì các “quan giám định” thiên vị. Theo bài báo thì khán giả căm phẫn, la hét phản đối Hội đồng giám định trọng tài đã “phe đảng” dìm võ sĩ Quảng Ngãi, phản bội võ thuật khi chấm Trần Cường thắng điểm.
Báo Đông Phương (tờ báo tại miền Nam trước năm 1975) cũng có bài: Khán giả phẫn nộ, sân Tinh Võ suýt vỡ tan đưa ra nghi ngờ là “bị mua chuộc hay đánh cá, các giám định cho Trần Cường thắng Phi Hùng? Cũng theo bài báo này thì trọng tài Kid Dempsey đã phản đối ngay sau khi ban tổ chức công bố kết quả.
Theo báo Quật Cường (tờ báo tại miền Nam trước năm 1975) số ra ngày 3.4.1974, trong trận đài đêm 29.3.1974, dưới sự chứng kiến của hơn 2000 khán giả, võ sĩ Nguyễn Phi Hùng thắng rõ rệt đối thủ Trần Cường nhưng trọng tài lại tuyên bố võ sĩ Phi Hùng thua điểm sau khi kết khúc 3 hiệp đấu…
Võ sĩ Nguyễn Phi Hùng không phản đối, chỉ thách đấu Trần Cường và hai bên thống nhất thượng đài lần 2 tại sân Tinh Võ vào ngày 26.8.1974. Lần này, võ sĩ Trần Cường bị đo ván ngay trong hiệp 1.
Báo chí viết về trận đài thứ 2 giữa võ sĩ Nguyễn Phi Hùng và Trần Cường ẢNH TƯ LIỆU GIA ĐÌNH
Báo Độc Lập (tờ báo tại miền Nam trước năm 1975) số ra ngày 27.8.1974 có bài: Khán giả hò reo trút hầu bao ban thưởng, Hùng phục thù hạ Cường đo ván nội 2’10’’ sau hiệp đầu. Theo bài báo này: “Vừa ráp trận, Trần Cường xông vào, Nguyễn Phi Hùng tung ngọn đòn cùi chỏ ác liệt trúng ngay mặt, Trần Cường té nằm dài “đo ván” ngay ở hiệp đầu, trận đấu mới 2 phút 10 sao… Khán giả hò reo trút hầu bao ban thưởng 76.500 đồng (số tiền thưởng lớn nhất từ trước tới nay)”.
Báo Đông Phương số ra ngày 28.8.1974 cũng có bài viết: Lần đầu tiên võ sĩ miền Trung Nguyễn Phi Hùng làm chấn động làng võ… Theo bài bào, sau trận đấu, Trần Cường và các võ sĩ Từ Thanh Nghĩa, Huỳnh Long thách thức đấu với Nguyễn Phi Hùng. Ông Hùng nhận lời tất cả. Tuy nhiên, 3 lần tái đấu sau 2 trận đài này, võ sĩ Trần Cường đều bị thua Nguyễn Phi Hùng.
Huấn luyện viên đạt nhiều thành tích

Năm 1977, ông Hùng đi học tại Trường Trung cấp TDTD TƯ 2 (nay là Đại học TDTT TP.HCM). Ra trường, ông về lại Ty Thể thao Nghĩa Bình (nay tách ra thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi) làm HLV môn quyền anh. Ông từng là HLV của nhiều võ sĩ quyền anh nổi tiếng ở Bình Định, Quảng Ngãi như: Tạ Quang, Hiếu Hiền, Lê Văn Hùng, Nguyễn Quốc Cường, Ngô Sỹ...

Tại SEA Games 15 (năm 1989), với vai trò là HLV quốc gia môn quyền anh, ông Hùng đã dẫn dắt 2 võ sĩ Tạ Quang, Hiếu Hiền tham gia thi đấu, đều đạt Huy chương đồng. Năm 2002, ông Hùng phụ trách rồi làm giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh Quảng Ngãi cho đến ngày nghỉ hưu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.