Hội hè hẳn không thể thiếu tiệc tùng, và những món ăn ngon nhờ vậy lần lượt ra đời. Như bánh chưng, bánh giầy trong ngày Tết Nguyên đán của người Việt, bánh Kahk của người Hồi giáo khi kết thúc tháng ăn chay...
Bài viết đăng trên tạp chí National Geographic.
Bánh chưng/bánh giầy
|
Đón năm mới là lễ hội quan trọng nhất ở Việt Nam, với vô số kỳ vọng bởi lẽ tết là thời điểm đánh dấu xuân về cùng những món ăn ngon lành. Hạt dưa, mứt hoa quả… là những món ăn hay gặp khi uống trà, tuy nhiên món truyền thống luôn là bánh chưng, làm từ gạo nếp, thịt và đậu gói trong vỏ bọc bằng lá dong.
Những chiếc bánh chưng vuông là biểu tượng của mặt đất, còn bánh giầy (có hình tròn) là biểu tượng của bầu trời.
Bánh mì cho người chết
|
Không chỉ người còn sống mới tổ chức tiệc tùng, ở lễ hội “Día de Los Muertos” - lễ hội người chết, những người đã khuất cũng sẽ cùng thưởng thức. Ngày lễ này là hoạt động văn hóa được gộp lại từ Lễ các thánh và Lễ các đẳng linh hồn để tưởng nhớ tới những người đã khuất.
Từ miền bắc Mexico cho tới bang Yucatán, mọi người cùng nhau làm lễ tưởng niệm với các món đồ lễ tượng trưng truyền thống như viên kẹo đường hình đầu lâu, bánh tamale (loại bánh làm từ bột, thường là bột ngô với nhiều kiểu nhân: thịt, phomát, hoa quả, rau…), rượu, hoa cúc, vạn thọ và “pan de muerto” (bánh mì cho người chết) - là những ổ bánh mì có hình người hay con vật. Những món này sẽ được ăn sau khi các linh hồn đã “thưởng thức” hương hoa.
Hákarl
|
Lễ hội giữa mùa đông truyền thống này của Iceland mới chỉ được bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ 19, để ca ngợi thời kỳ vàng son trong lịch sử và dâng những đồ tế lễ tà giáo cho các linh hồn và các vị thần xứ Scandinavi. Vào dịp này, món đồ ăn chủ đạo được dâng lên là Hákarl.
Hákarl là thịt cá mập, được vùi trong cát và sỏi để ép nước và tạo quá trình lên men, sau đó được cắt thành từng dải rồi treo lên hong khô. Quá trình này được thực hiện trong khoảng vài tháng, món cá cuối cùng sẽ có vị gắt hơi hôi của cá và amoniac. Dù tốt cho tiêu hóa, hákarl được đánh giá là món ăn “loại nặng”, không phù hợp cho những người mới bắt đầu.
Bánh trung thu
|
Trung thu là lễ hội liên quan tới các vị thần của mặt trăng. Tuy nhiên, với những người sành ăn - hay đơn giản là với những ai ưa đồ ngọt - lễ hội bánh trung thu thường niên này là dịp để thưởng thức những chiếc bánh vàng ươm với nhân hạt sen cũng như đủ loại nhân khác.
Những chiếc bánh nhỏ mỗi bề chừng 10cm biểu trưng cho mặt trăng có các hình in trên mặt bánh mang ý nghĩa trường thọ và an lành.
Hamantaschen
|
Những món ăn trong ngày lễ - và những phần ăn được gói để tặng người nghèo (được gọi là mishloach manot) - là nét đặc trưng độc đáo trong ngày hội của những người theo tín ngưỡng Do Thái. Purim là lễ hội tưởng nhớ đến sự kiện người dân Do Thái thoát khỏi họa hủy diệt dưới thời đế chế Ba Tư vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên.
Những chiếc bánh ngọt hình tam giác có tên gọi hamantaschen (hay oznei haman trong tiếng Hebrew) là kiểu bánh quy có nhân làm từ hạt cây thuốc phiện, hoa quả khô, đào, mận, lạc, sôcôla hay các vị nhân ngọt khác nhau…
Bánh Vua
|
Để hình dung chiếc bánh Vua này, bạn chỉ có thể tưởng tượng đến chiếc bánh mì xoắn nướng kiểu brioche, với lớp kem tựa như băng phủ trên mặt, lớp đường bột rắc ở trên có màu xanh, tím và vàng đặc trưng của ngày hội Mardi Gras.
Được đặt theo tên của ba vị vua trong Kinh thánh, chiếc bánh lễ này liên quan tới ngày hội trước mùa Chay Bacchanalia. Trong những chiếc bánh truyền thống, người ta cho vào bên trong nhân bánh một món đồ sứ xinh xinh và nướng lên. Thường thấy nhất là hình nhà vua đội vương miện, búp bê đồ chơi hay những hạt đậu mạ vàng.
Besan Burfi
|
Lễ hội ánh sáng Diwali diễn ra trong thời gian năm ngày. Đây thật sự là ngày hội đa dạng màu sắc, hương vị cùng các hoạt động xã hội được những người theo đạo Hindu, Jaina và Sikh tổ chức khoảng giữa tháng 10 và 11. Vào dịp này, những chiếc đèn dầu nhỏ sẽ được thắp sáng khắp nơi. Mọi người sẽ cùng làm rồi mời nhau những chiếc bánh Besan burfi ngọt ngào, được làm từ bột đậu xanh cùng loại bơ “ghee” đặc trưng, trộn đường, bạch đậu khấu và phủ các loại hạt khác nhau trên mặt.
Kahk
|
Những chiếc bánh quy rắc đường hấp dẫn cực kỳ đơn giản kiểu Ai Cập này là nét đặc trưng ẩm thực của ngày hội Eid al-Fitr, lễ hội kéo dài ba ngày của người Hồi giáo mừng sự kiện kết thúc tháng ăn chay Ramadan. Mọi người trong gia đình tụ họp lại để tổ chức lễ hội, cùng làm bánh kahk, món bánh cung cấp lượng đường bảo đảm cho mọi người đủ sức vui chơi. Các nước Hồi giáo và Ả Rập có cách làm bánh kahk với hương vị khác nhau vô cùng hấp dẫn.
Haggis
|
Nếu bạn nghĩ món dồi cừu dù ngon lành cũng khó có thể liên quan tới thi ca, nhất là lại liên quan tới một thi sĩ tầm cỡ quốc gia thì chắc chắn những người tham dự ngày hội ẩm thực Burns sẽ không cùng quan điểm với bạn.
Lễ hội được tổ chức thường niên vào ngày 25-1 (ngày sinh của Robert Burns), để tưởng nhớ tới cuộc đời và sự nghiệp của thi sĩ. Sẽ có đủ các bài phát biểu, những lời chúc, bình đọc những tác phẩm của ông, trong đó có bài “Một địa chỉ của món Haggis”. Là món dồi được làm từ tim, gan, phổi của cừu trộn với hành tây, bột yến mạch và gia vị rồi nhồi vào trong bộ lòng trước khi đun lửa liu riu, thưởng thức Haggis tất nhiên không thể thiếu rượu whisky Scotland truyền thống.
Bánh ngọt ngày 25.5
|
Món bánh rán này thật sự là cuộc cách mạng trong nhà bếp, đem lại cảm giác mới hoàn toàn. Không phù hợp nếu bạn kiêng đồ béo, những chiếc bánh nhiều lớp nhìn giống miếng hoành thánh này có nhân mộc qua, sau khi rán được nhúng xirô ngọt và rắc đường bên ngoài. Liên quan tới sự kiện chính trị ngày 25.5.1810, ngày Argentina giành được độc lập từ Tây Ban Nha, những người dân địa phương luôn làm những chiếc bánh truyền thống này cùng món đồ uống đặc trưng là “chè maté”.
Theo Hoàng Hà Mai/Tuổi Trẻ
Bình luận (0)