Độc đáo cây di sản Việt Nam: Đài quan sát kơ nia

Mạnh Cường
Mạnh Cường
12/01/2024 07:18 GMT+7

Cây kơ nia cạnh dinh Bà ở Quảng Nam xứng danh là chứng nhân lịch sử. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cây không chỉ là địa chỉ hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng mà còn là đài quan sát địch…

CHỨNG NHÂN HƠN 3 THẾ KỶ

Không ai biết cây kơ nia (người dân địa phương quen gọi là cây cốc) mọc trên gò đất bằng phẳng cạnh dinh Bà ở làng Mỹ Sơn (xã Duy Phú, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) bén rễ tự bao giờ. Theo các cao niên trong làng cũng như đánh giá của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, cây kơ nia tại dinh Bà Mỹ Sơn có hơn 300 năm tuổi. Ngày 15.5.2023, cây kơ nia này được công nhận là Cây di sản VN.

Độc đáo cây di sản Việt Nam: Đài quan sát kơ nia- Ảnh 1.

Cây kơ nia cạnh dinh Bà ở Quảng Nam có tuổi đời hơn 300 năm

MẠNH CƯỜNG

Chúng tôi tìm đến dinh Bà cũng là lúc vợ chồng ông Trần Sáu, Trưởng thôn làng Mỹ Sơn, vừa phát quang xong những bụi cây dại xung quanh dinh và cây kơ nia cổ thụ. Ông Sáu được dân làng "ủy quyền" trông coi, chăm sóc dinh Bà. Ông Sáu kể, nghe nói cách đây hơn 300 năm, khi các tộc họ đến khai phá vùng đất này thì đã thấy cây kơ nia hiện hữu. "Người dân chúng tôi từ già đến trẻ ai cũng gọi cây kơ nia bằng cụ, với một sự kính trọng. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đạn bom, nhưng cụ kơ nia vẫn đứng vững và trở thành chứng nhân lịch sử", ông Sáu mở đầu câu chuyện.

Trong chiến tranh chống Mỹ, làng Mỹ Sơn là vùng đất trắng, địch tự do bắn phá, không một mái nhà, bụi cây nào nguyên vẹn. Duy chỉ có cây kơ nia ở dinh Bà vẫn hiên ngang đứng vững, trở thành pháo đài quan sát của cách mạng, giúp bộ đội, du kích địa phương nắm bắt mọi hoạt động càn quét cũng như điểm đóng quân của địch từ xa. Từ năm 1968 - 1970, địch tìm mọi cách triệt hạ cây kơ nia bằng cách đem mìn đánh phá, cho xe cày ủi nhưng cây cổ thụ vẫn đứng vững.

Độc đáo cây di sản Việt Nam: Đài quan sát kơ nia- Ảnh 2.

Cụ Nguyễn Hữu Hoàng kể lại những câu chuyện kỳ bí gắn liền với cây kơ nia ở miếu dinh Bà

MẠNH CƯỜNG

Đến năm 1973, cây kơ nia là nơi cắm cờ giành đất của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN, vì đây là điểm cao duy nhất có thể treo cờ lúc bấy giờ. "Thời điểm đó, địch bắn trực tiếp vào cây kơ nia nhưng chỉ làm gãy cán cờ, riêng cây không hề hấn gì. Ở làng Mỹ Sơn này có 8 cây kơ nia nhưng có đến 7 cây đã bị địch đánh ngã, chỉ cây kơ nia ở dinh Bà vẫn đứng vững theo năm tháng cho dù bom đạn liên tục tàn phá", ông Sáu nói.

Theo lời kể của các lão niên, cây kơ nia có trước dinh Bà. Dinh Bà là nơi thờ bà Cốc Dinh, rất thiêng. Bà Cốc Dinh vốn là một lang y. Thời đó khó khăn, bà thường xuyên chữa bệnh, phát thuốc miễn phí để cứu người. Khi bà Cốc Dinh mất, người dân chôn cất bà ngay cạnh cây kơ nia để tôn vinh công đức của bà. Sau giải phóng, dân làng góp công, góp của dựng ngôi miếu nhỏ gần cây cốc thờ bà. Qua vài lần sửa sang, đến năm 2017 dinh Bà được xây mới, mở rộng khang trang. Cây kơ nia như chiếc ô khổng lồ tỏa bóng che mát dinh Bà.

HUYỀN BÍ BÊN GỐC KƠ NIA

Dân làng vẫn kể cho nhau nghe chuyện khi chưa trùng tu dinh Bà, cây kơ nia năm nào lá cũng vàng, ra trái rất nhiều. Nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, khi người dân sắm sanh lễ vật, hương hoa dâng cúng Bà thì cây xanh tốt quanh năm, và không có trái.

Ông Trần Sáu, Trưởng thôn làng Mỹ Sơn, rất tâm đắc với sự kiện công nhận Cây di sản VN đối với cây kơ nia, bởi "cụ cây" góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa, cũng là niềm tự hào của người dân. "Nhiều thế hệ ở làng Mỹ Sơn này luôn nhắc nhở, bảo ban nhau ra sức bảo vệ cây kơ nia. Bảo vệ cây kơ nia là bảo vệ cội nguồn của vùng đất thiêng này", vị trưởng thôn làng Mỹ Sơn chia sẻ.

Cụ Nguyễn Hữu Hoàng (86 tuổi, ở làng Mỹ Sơn) kể đây là vùng đất thiêng của người Chăm xưa. Từ nhỏ, cụ đã được ông nội kể cho nghe rất nhiều sự tích gắn liền với cây kơ nia ở miếu dinh Bà này, trong đó có những câu chuyện tâm linh, huyền bí đến nay vẫn chưa có lời giải.

"Có câu chuyện truyền tai rằng trong thời kỳ chiến tranh, Chi bộ Sông Lô ra đời đã bí mật lập căn cứ ngay dưới gốc cây kơ nia để hoạt động cách mạng. Sau một thời gian, căn cứ bị phát hiện, quân địch bí mật tấn công vào. Điều đáng nói, thời điểm đó một số người vẫn đang họp bàn phương án chiến đấu ngay dưới gốc cây nhưng quân địch lại... không phát hiện ra. Người dân cho rằng việc không phát hiện ra quân giải phóng là do được "cụ" kơ nia cũng như bà Cốc Dinh che chở", cụ Hoàng kể.

Khi còn bé, cụ Hoàng và nhiều người khác mỗi lần dắt bò ngang qua dinh Bà, gặp cây kơ nia đều dừng lại cúi đầu chào cây. "Không chỉ trong kháng chiến mà thời bình "cụ" kơ nia vẫn luôn che chở, bảo vệ cho làng này bình yên sau bao giông bão", cụ Hoàng khẳng định.

Bà Trần Thị Dương, Chủ tịch UBND xã Duy Phú, cho biết vào ngày 11.2 âm lịch hằng năm, người dân làng Mỹ Sơn lại bày biện lễ vật dâng cúng Bà, tưởng nhớ tiền nhân đã chở che dân làng. Đây cũng là dịp con cháu làng Mỹ Sơn khắp nơi tụ họp về, thành kính dâng hương ngưỡng vọng Bà. "Việc cây kơ nia dinh Bà được công nhận Cây di sản VN góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường làng quê, hướng đến xây dựng nơi đây trở thành điểm tham quan của du khách bên ngoài di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn", bà Dương nói. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.