|
Không ngẫu nhiên mà UNESCO đã chọn Kbang làm nơi khảo sát, đánh giá để góp thêm quyết định công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên là di sản của nhân loại. Bởi nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa đậm đặc của người bản địa. Và một điều thú vị là H.Kbang đang có một “báu vật”: Đội cồng chiêng nữ. Trong những lần trình tấu, những tay chiêng nữ của làng Leng đã khiến khán giả mê mẩn.
Anh Đinh Bli, một chức sắc ở làng Leng tự hào: “Đội chiêng nữ làng mình đã được mời đi trình diễn trong nhiều việc lớn như Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai 2009, khai trương làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội năm 2010, khánh thành công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây nguyên năm 2012… Họ chơi thành thục nhiều bài chiêng của ông bà để lại và chăm tập thêm nhiều bài mới nữa”.
Nhìn nghệ nhân Đinh Jram lim dim tán thưởng những giai điệu cồng chiêng mới hiểu ông đã dụng công “truyền nghề”, truyền lửa cho các tay chiêng nữ. Thỉnh thoảng, ông hát theo một vài câu hát của người Bahnar. Dẫu không có những “đường chiêng” mạnh mẽ như các tay chiêng nam giới nhưng chính sự mềm mại uyển chuyển, những cái lắc hông nữ tính đã mê hoặc khán giả.
Là nghệ nhân chỉnh chiêng của làng, Đinh Jram còn là một trong 5 người hướng dẫn đội chiêng nữ tập luyện từ những ngày đầu thành lập. Chỉ cần trong đội có người đánh lạc một nhịp chiêng cũng không lọt khỏi đôi tai thính nhạy và trình độ thẩm âm bậc thầy của nghệ nhân già. Những khó khăn ban đầu rồi cũng qua đi. Khi tập nhuyễn được bài nhạc chiêng đầu tiên, nhiều chị em trở nên mê chiêng hơn, siêng tập luyện hơn. Kiên trì hướng dẫn đội chiêng nữ tập luyện suốt hai năm qua, đến nay, già Jram đã có cái để “khoe”: “Đội chiêng nữ chơi thuần thục nhiều bài nhạc chiêng rồi đấy. Từ những bài nhạc chiêng truyền thống để đánh trong bỏ mả, mừng lúa mới, ca ngợi tình yêu đôi lứa, nhớ Tây nguyên, nhớ buôn làng… đến những bài nhạc chiêng mới như mừng Đảng, mừng xuân, ca ngợi người lính, nhớ Bác Hồ”.
Già Đinh Jram bồi hồi nói rằng, cách đây cả trăm năm, phụ nữ Bahnar chơi chiêng rất phổ biến. Nhưng đến khi đánh Pháp, rồi đánh Mỹ, dân làng phải cất giấu cồng chiêng trong khoảng thời gian dài. Đến khi chiêng vang tiếng trở lại trong buôn làng thì không hiểu sao đây trở thành “địa hạt” riêng của đàn ông, phụ nữ tuyệt nhiên không ai đánh chiêng nữa.
Việc thành lập đội chiêng nữ ở làng, theo ông, vừa khôi phục lại văn hóa truyền thống, vừa xuất phát từ nhu cầu thực tế: “Ở làng mỗi khi có đám chết, dân làng phải chia sẻ nỗi buồn với gia đình người chết bằng cách đánh chiêng từ lúc người chết nằm xuống đến khi đưa ra nhà mả, tiếng chiêng mới được dứt. Trong lễ bỏ mả cũng vậy, chiêng phải ngân vang suốt những ngày bỏ mả. Làng có đội cồng chiêng đàn ông rồi nhưng nhiều khi kham không nổi việc này, nhất là khi đã uống rượu. Vì thế, làng thành lập thêm đội chiêng nữ để gánh vác thêm. Nói vậy thôi, đám con gái thích đánh chiêng nên mới dễ dàng thành lập được cả đội vài chục đứa như bây giờ”.
Từ thung lũng làng Leng, những thanh âm cồng chiêng tấu lên những bản nhạc ngàn đời trầm bổng, vang xa. Có lẽ, đội chiêng nữ làng Leng là của hiếm ở vùng rừng núi Đông Trường Sơn. Sự xuất hiện của họ đã thêm vào văn hóa bản địa một phong vị riêng, hấp dẫn.
Khác xa với sự mạnh bạo, khỏe khoắn của những tay chiêng đàn ông, cách cầm chiêng, cách gõ nhịp của những nữ nghệ nhân Bahnar vô cùng duyên dáng, uyển chuyển. Từng cánh tay tròn lẳn đưa lên, nhịp xuống, từng động tác lắc hông mê hoặc. Dù cầm chiếc chiêng cái to nhất trong dàn cồng chiêng, nặng gần chục ký để biểu diễn trong khoảng thời gian dài, đôi chân chị Đinh Thị Jrech vẫn không hề lạc nhịp so với cả đội. Đôi má đỏ bừng sau bài chiêng vừa dứt, chị Jrech chia sẻ: “Hồi mới tập, mình cầm chiêng một lúc đã mỏi tay, nhưng giờ thì quen rồi”. |
T.Hiếu
Bình luận (0)