Một gành đá giống như
Gành Đá Đĩa (thắng cảnh thiên nhiên quốc gia ở xã An Ninh Đông, H.Tuy An, Phú Yên)
được phát hiện khi khai thác đá tại mỏ đá ở xã An Phú, TP.Tuy Hòa (Phú Yên).
Phát hiện "Gành Đá Đĩa" thứ hai trên núi ở Phú Yên
|
Phát hiện cách đây khoảng 15 năm?
Hiện mỏ đá này đã được UBND tỉnh Phú Yên cấp phép cho Công ty Cổ phần xây dựng giao thông Phú Yên khai thác. Khu vực khai thác có ít nhất 3 vị trí với diện tích khá rộng, có bán kính khoảng 1 km. Ở đây có những khối đá lớn nứt theo mạch dọc, tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên, có chỗ lại xếp trải dài hoặc nghiêng.
Đá chủ yếu có tiết diện hình lục giác, hình vuông, lớp nọ xếp nối lên lớp kia, giống như đĩa chồng lên nhau.
Khu vực khai thác mỏ đá, nơi phát hiện gành đá có kết cấu địa chất đặc biệt
|
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, khu vực này được nhà báo, nhiếp ảnh gia Dương Thanh Xuân phát hiện cách đây khoảng 15 năm trong một lần săn ảnh. Tuy nhiên, ông Xuân cho biết thời điểm đó khi phát hiện chỉ nhìn thấy một vạt rất nhỏ, nên chỉ chụp lại, đăng tin trên Báo Phú Yên.
“Kể từ đó, tôi nghĩ chắc là khu vực này đã khai thác xong rồi. Nhưng không ngờ, bây giờ khu vực này phát lộ ra nhiều vị trí rất đẹp”, ông Xuân nói.
Từng khối đá xếp chồng lên nhau
|
Nhiều khu vực có địa chất đá giống Gành Đá Đĩa
Ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH - TT - DL tỉnh Phú Yên, cho biết ngoài khu vực gành đá ở xã An Phú, TP.Tuy Hòa thì còn nhiều nơi đá có cấu trúc giống như Gành Đá Đĩa được tìm thấy.
Có những khối đá bị phân hủy không còn nguyên vẹn
|
Ở khu vực Vực Hòm (xã An Lĩnh, H.Tuy An) cũng phát hiện những khối đá có hình thù đẹp. Đá nằm sát khu vực mép nước của Vực Hòm và một phần ăn sâu vào vách núi. Các khối đá vuông, dựng thẳng đứng, phía trên có nhiều cây mọc tạo nên không gian hoang sơ. Hay như ở xã An Xuân, H.Sơn Hòa cũng tìm thấy những khối đá ở đây giống như đá Gành Đá Đĩa.
“Hiện Phú Yên đang khảo sát, đánh giá để xây dựng
công viên địa chất toàn cầu. Ngoài khu vực này, trên cao nguyên Vân Hòa có nhiều khu vực có địa chất giống Gành Đá Đĩa. Đây là cũng là một trong những điểm nhấn về tiêu chí đánh giá địa chất toàn cầu. Một trong những tiêu chí là phải phát hiện nhiều điểm đặc trưng của địa chất”, ông Bảy nói.
Những khối đá thắng đứng như cũng bị đứt gãy
|
Ông Bảy cho biết thêm, qua đợt này, Sở VH - TT - DL tỉnh Phú Yên kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Sở TN - MT tỉnh Phú Yên khảo sát, thăm dò những khu vực ở cao nguyên Vân Hòa có đặc trưng địa chất tương đồng. “Tôi nghĩ ở Phú Yên còn nhiều nơi có địa chất như Gành Đá Đĩa mà chưa phát hiện ra, vì khu vực này trước đây là núi lửa”, ông Bảy nói thêm.
Cần nghiên cứu bảo tồn
Ông Phạm Văn Bảy cũng cho biết thêm, qua khảo sát thì thấy các khu vực đá này có giá trị về mặt địa chất rất tốt và có thể phục vụ cho phát triển
du lịch. Vì thế Sở VH - TT - DL tỉnh Phú Yên sẽ có kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên cầu các công ty khai thác đá dừng khai thác và bảo vệ những khu vực đá có hình thù đẹp, có đặc trưng giống như Gành Đá Đĩa.
“Ngoài ra, chúng tôi còn kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Sở TN - MT tỉnh Phú Yên cùng với các ngành chức năng, trong đó có Sở VH - TT - DL tỉnh Phú Yên tiến hành, khảo sát, đánh giá lại toàn bộ khu vực đó để mà nhận định khu vực này có có nhiều vị trí giống như vị trí đã phát hiện hay không?", ông Bảy nói.
Theo ông Bảy, cần phải bảo tồn những vị trí vừa phát lộ ra. “Theo tôi nhận định, nếu khảo sát vi mô lớn thì chắc còn nhiều vị trí độc đáo nữa. Khu vực này rất thuận lợi vì gần TP.Tuy Hòa, đường đi cũng thuận lợi mà độc đáo là mình đã có Gành Đá Đĩa gần với biển, giờ có gành đá nằm trên đồi. Nếu khảo sát đánh giá tốt để đưa ra phương án bảo tồn thì có thể phát triển du lịch tốt”, ông Bảy nhận định.
Bình luận (0)