Độc đáo giếng cổ Gio An

07/12/2015 16:17 GMT+7

Giếng cổ Gio An (H.Gio Linh, Quảng Trị), là một hệ thống dẫn nước, giữ nước được tạo nên bởi đôi tay tài hoa của những người thợ cách đây hàng ngàn năm trước.

Giếng cổ Gio An (H.Gio Linh, Quảng Trị), là một hệ thống dẫn nước, giữ nước được tạo nên bởi đôi tay tài hoa của những người thợ cách đây hàng ngàn năm trước.

Giếng Đào đã sống lại sau trùng tu - Ảnh: Nguyễn PhúcGiếng Đào đã sống lại sau trùng tu - Ảnh: Nguyễn Phúc
Giếng cổ ngàn năm
Hệ thống giếng cổ Gio An gồm 14 giếng, tất cả đều mang những cái tên ngắn gọn và ngồ ngộ: giếng Gái 1, giếng Gái 2, giếng Nậy (thôn An Hướng); giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào, giếng Côi (thôn An Nha); giếng Máng (thôn Long Sơn); giếng Pheo (thôn Tân Văn) và giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn). Nếu đến Gio An và chỉ cần ngắm nhìn hệ thống giếng cổ này bạn thực sự sẽ phải ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp cũng như những thiết kế đầy khoa học, giàu tính ứng dụng của những người thợ Chăm hàng ngàn năm trước. Các giếng chủ yếu được làm theo dạng có bể lắng, có máng dẫn hoặc xếp đá để tạo thành một hệ thống có thể hứng, lấy nước, dẫn nước... theo ý của con người. Theo nhiều nhà khoa học thì tuổi đời của hệ thống giếng cổ Gio An đã lên trên 5.000 năm, điều này giải thích cho việc xuống cấp hết sức nghiêm trọng ở một số giếng. Trong đó, có giếng nay đã bị khô nước, chỉ tồn tại như là phế tích, cá biệt có giếng Tép (thôn Hảo Sơn) đã không còn gì. Một số giếng khác, may mắn hơn nhưng những viên đá mồ côi (vật liệu chính để ghép thành giếng) đã bị xáo trộn trật tự nên hiệu quả dẫn nước, giữ nước không còn đạt như ban đầu mà giếng Gai (thôn Hảo Sơn) là một ví dụ điển hình.
Anh Quách Đình Dũng, cử nhân sử học hiện đang sống ở làng An Bình (xã Gio An) tiếc rẻ: “Những chiếc giếng cổ từ lâu đã không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Đó là nơi người ta trồng rau, rửa ráy, tắm giặt... Nếu giếng cổ có bề gì thì ngoài bản thân nó, một nét văn hóa làng quê nơi chốn này cũng mất, việc sản xuất của bà con cũng bị ảnh hưởng”. Không chỉ anh Dũng mà tôi đã nghe rất nhiều tiếng thở dài tiếc rẻ của những cụ cao niên ở xã Gio An khi họ đứng lặng nhìn những giếng cổ đang xuống cấp. Có lẽ, các cụ như đang nhớ về những ngày xưa, khi nước ở giếng cổ luôn chảy mạnh mẽ quanh năm...
Khôi phục giếng cổ
Sự xuống cấp, “kêu cứu” của những giếng cổ ở xã Gio An ngoài người dân địa phương, hơn ai hết, Trung tâm bảo tồn di tích - danh thắng tỉnh Quảng Trị nắm rất rõ. Từ nhiều năm trước, đơn vị này đã có nhiều đề xuất, ý tưởng để khôi phục giếng nhưng ai cũng biết, trong điều kiện hiện nay việc khôi phục toàn bộ là rất khó, phần vì yếu tố kỹ thuật, phần vì thiếu vốn đầu tư. Nhưng ông Nguyễn Quang Chức, Phó giám đốc trung tâm này vẫn luôn khẳng định: “Việc quy hoạch, bảo tồn, khôi phục giếng cổ Gio An là việc làm bức thiết. Bởi nếu không sớm được thực hiện, các giếng cổ tiếp tục bị xóa sổ thì mất mát sẽ không thể đong đếm được”. Và đến tháng 8.2015, tin vui đã đến với giếng Đào (thôn An Nha), một ngôi giếng máng cổ được xem là khá tiêu biểu cho hệ thống giếng cổ Gio An, đã bị cạn khô suốt thời gian dài. Dù trong điều kiện tài chính hết sức khó khăn nhưng Trung tâm bảo tồn di tích - danh thắng Quảng Trị đã trích từ nguồn của đơn vị 200 triệu đồng với ước mong làm “sống lại” giếng cổ này. “Với chừng đó tiền, quá ít ỏi nên chúng tôi không dám gọi là trùng tu. Nhưng chúng tôi phải làm khẩn cấp vì nhiều tháng qua, dòng nước ở giếng Đào hầu như không chảy qua máng, hư hại nặng nề nếu không can thiệp sẽ thành “giếng chết”, ông Chức nhấn mạnh.
Vì yếu tố kỹ thuật, nên dù giao cho Công ty CP Vạn Thành (đóng tại xã Gio An) thi công nhưng mọi hoạt động, kể cả việc nâng lên đặt xuống một hòn đá mồ côi, cũng được giám sát, hướng dẫn sát sao của cán bộ chuyên môn. Các công việc chính gồm: bổ sung đá dọc các bậc cấp bằng đá, làm cho 2 máng nước chảy trở lại, làm đường dẫn nước ra ruộng rau liệt và làm 1 khu vực đỗ xe có biển báo... Công việc này theo ông Lê Thanh Hoài, Giám đốc Công ty CP Vạn Thành là vừa vất vả vừa... khó. Để đảm bảo cho công việc trôi chảy, hơn một tháng trời, ông đã phải duy trì 10 nhân công tại công trường phục hồi giếng cổ. Công đoạn tốn nhiều sức lực nhất, theo ông Hoài chính là việc gánh những... viên đá mồ côi (nhẹ thì vài chục kg, nặng thì vài tạ). “Vì phải chính xác và thực hiện trên địa hình gập ghềnh nên không thể dùng máy móc được, chúng tôi toàn phải dùng sức người. Anh biết đấy, 5-6 người “cõng” viên đá nặng từ nơi này đến nơi khác đã lè lưỡi, huống hồ còn phải điều chỉnh, ráp vào đúng vị trí đó, không sai một ly”, ông Hoài trần tình. Một công nhân chen vào: “Ví dụ xúc một xô cát, đẩy một xe rùa bê tông, chúng tôi biết nặng nhẹ thế nào mà dừng lại, chứ đây là những viên đá nguyên khối, biết thế nào mà lần”. Ấy thế nhưng trời không phụ lòng người. Sau hơn 1 tháng, công việc “trùng tu” đã được hoàn thành. Ngày 12.9, khi PV Thanh Niên có mặt tại giếng Đào và chứng kiến hệ thống giếng cổ này thực sự sống lại: Hai máng nước chảy rất đều, nước rất trong...
Thế mới biết, chỉ cần tính toán “lựa cơm gắp mắm” thì ít tiền không có nghĩa là không thể “cứu” di tích mà giếng cổ Gio An là một ví dụ...
Phàm là người Gio An khi được hỏi về quê hương, họ luôn tự hào với 2 thứ chỉ riêng có: Đó là rau liệt (có nơi gọi là rau xà lách xoong) và giếng cổ... Kỳ lạ thay, chỉ ở những giếng cổ với dòng nước trong vắt, mát lành, loài rau liệt mới sống, xanh mướt. Tiếc thay, qua bao tháng năm, những ruộng rau liệt cũng ít dần vì nhiều giếng cổ ở Gio An cũng lần lượt ngừng chảy...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.