Giải thích tại sao lại làm gốm sứ, chị Mai nói xứ mình từ thời xa xưa đã có những làng nghề rất nổi tiếng như Bát Tràng, Lái Thiêu… làm gốm theo cách thủ công và pha men cổ truyền. Nhưng rồi những làng nghề dần dần bị mai một đi và người làm gốm bây giờ ít còn ai chịu khó tự pha men mà sử dụng men pha sẵn từ Trung Quốc. “Khác với men công nghiệp, nếu pha màu xanh thì ra xanh, pha đỏ thì ra đỏ. Còn men hỏa biến được pha tự nhiên theo công thức gia truyền. Ví dụ cái chén trước khi nung là màu vàng của đất sét. Nhưng sau 9 giờ đưa vào lò với nhiệt độ 1.300 độ C thì sẽ ra màu tím hoặc xanh”, chị Mai nói.
|
“Nhứt dáng nhì da”, đầu tiên là kiểu dáng đẹp, men độc rồi mới tới đất. Chẳng hạn như màu xanh của gốm Đông Gia được tạo ra do sự tương tác hóa học giữa ôxit sắt và titan cộng với nhiệt, gọi là men hỏa biến, màu sắc do men tạo ra chớ không phải do màu. Sự khác biệt còn tùy thuộc vào môi trường lò, nhiệt độ nung, thời gian nung và thành phần hóa học của men. Thậm chí, cùng một loại men nhưng đất khác nhau cũng cho ra màu khác. Chị Mai đưa ra một cái bình hoa làm ví dụ. Cũng là men hỏa biến, có thể làm thêm một cái khác với kiểu dáng tương tự, nhưng màu sắc, hoa văn và giọt chảy thì không hoàn toàn giống nhau. Lợi thế của gốm Đông Gia là nung tới 1.300 độ C nên đất đã sánh lại. Vì vậy mà xài lâu ngày men vẫn không bị sứt mẻ, khi đưa tay gõ nhẹ thì nghe tiếng kêu leng keng rất thanh.
Nhưng để làm được men quý đòi hỏi quá trình nghiên cứu lâu dài. Như loại men ngọc, càng sử dụng càng thấy đẹp long lanh như ngọc, lúc thì thấy màu xanh đậm, lúc xanh nhạt. Còn khi uống trà thì làm cho màu trà đẹp hơn. Chị Mai cho biết xưa nay ở Việt Nam có loại men xác trà, màu xanh nhưng hơi ngả vàng. Xác trà thì dễ làm nhưng để đi đến men xanh thì rất khó, nhất là xanh da trời vì chỉ có một loại tràng thạch làm ra được loại men này. Có thể hôm nay mua được tràng thạch cho ra màu xanh thế này, nhưng sau đó mua tràng thạch khai thác ở địa điểm khác sẽ không làm ra được men giống như cũ. Chính vì vậy mà có những loại men bị thất truyền.
Theo chị Mai, gốm sứ làm bằng tay có khi không được hoàn chỉnh nhưng có tính con người hơn và trải qua thời gian sẽ thành đồ cổ có giá trị về văn hóa tinh hoa của con người. Còn sản phẩm công nghiệp, dù tròn trịa nhưng nó được làm bằng máy móc, hàng loạt, có bể cũng không tiếc vì có thể mua lại cái khác.
Chính vì nhận thức như vậy nên chị đi theo hướng thủ công, sản xuất men hỏa biến, do vậy sản phẩm của gia đình chị luôn có sự khác biệt vì tính độc đáo và cạnh tranh rất cao. Ví dụ có khách hàng rất thích bình trà vuông được làm bằng men thiên mục và cho ra màu nâu, định đặt chị làm 2.000 cái nhưng lại chê giá cao, bỏ đi tìm nơi khác. Nhưng cuối cùng vị khách này phải quay lại vì nơi khác không thể làm được loại men với màu sắc rất lạ chưa từng thấy như của Đông Gia. “Nếu chỉ sản xuất để bán với giá rẻ thì đến một lúc nào đó nguồn tài nguyên sẽ cạn kiệt, con cháu mình sẽ không còn gì để ăn”, chị Mai lý giải.
Bắt đầu từ một lò nung nhỏ, thời gian đầu vợ chồng chị Mai phải lên tận Bình Dương mua gạch cách nhiệt nhập từ Malaysia về để xây lò. Có những loại nguyên liệu đặc biệt để pha thủ công rất khó kiếm trên thị trường, như trường thạch chị phải chạy ra tận Hà Nội để mua. Rồi silicat, oxit sắt, oxit đồng… mỗi món mua ở mỗi tỉnh. Nhiều khi mua xong, chở về tới nơi thì dở khóc dở cười vì mua phải… hàng giả!
“Điều bất ngờ là loại đất sét lấy từ vùng Đồng Tháp Mười của Tiền Giang khi làm men ngọc lại cho ra loại gốm rất đẹp, đặc biệt là màu nâu và tím. Từ thành công bước đầu, chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng sản xuất để tạo ra một dòng sản phẩm đặc thù của ĐBSCL, bằng loại đất của Tiền Giang, để khi nói đến Đông Gia thì khách du lịch biết nó được làm tại Gò Công”, chị Mai nói.
Hoàng Phương
Bình luận (0)